Diễn viên Thanh Bình chủ yếu hoạt động ở sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ suốt 29 năm qua. Trước vai Lâm, Thanh Bình từng tham gia một số bộ phim truyền hình như: “Ngã 3 thời gian”, “Bức chân dung tình yêu”… Tên tuổi của anh được khán giả chú ý chỉ khi vào vai ông Lâm trong bộ phim “Lối về miền hoa”.

“Lối về miền hoa” đang đến hồi kết, nhân vật Lâm khiến cho Thanh Bình thấy tự tin hơn với phim truyền hình và mong được vào vai ông bố đa dạng tính cách hơn. Còn với tình yêu thì anh bảo: Phim kết có hậu còn ngoài đời phải “tùy duyên”.

PV: Sân khấu là đam mê của anh?

Thanh Bình: Đúng vậy. Theo tôi nghĩ, đầu tiên phải là đam mê, là yêu thích đã. Một khi ngấm vào máu rồi thì nó như một thứ ma thuật khiến mình mất ăn mất ngủ và cứ đau đáu về nó. Mặc dù tôi biết cuộc sống ở sân khấu kịch rất khó khăn nhưng mà người nghệ sĩ rất buồn cười. Có khi khó khăn kêu ca loạn lên đấy thế nhưng khi được 1 vai diễn ra khán giả thích, khán giả khen thế là quên hết mọi khó khăn, lại lao vào như một con thiêu thân với nghề.

Thanh Bình trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ.

PV: Có những thời kỳ sân khấu không thu hút được khán giả, nhiều người đã bỏ nghề, chuyển sang nghề khác. Anh thì thế nào?

Thanh Bình: Có thời gian tôi cũng có ý định bỏ. Tức là khi tôi học ở Nhà hát năm 1990 thì 1994 tốt nghiệp, thời gian ấy là vừa học vừa làm luôn. Nhưng 1994 thì chính thức lấy bằng tốt nghiệp, sau đấy hoạt động gần 1 năm thì thấy nghề này khó khăn quá. Nhất là lúc ấy tôi tự ti, mặc cảm vì hình thể bé, thấp, rất khó chọn vai. Nên cũng quyết định bỏ, đi học mỹ thuật. Bởi nghề yêu thích đầu tiên của tôi là mỹ thuật, trước đó bố tôi cũng hướng tôi đi theo ngành đó. Nhưng lúc ấy nếu bỏ phắt 1 phát thì kiếm tiền cũng khó, vì vậy dể trang trải tiền học, tôi vừa học và vẫn làm ở Nhà hát. Nghĩ là chuyển hướng nhưng chả hiểu duyên sao mà vẫn về với sân khấu. Còn bây giờ thì ngấm vào máu rồi, không bỏ được, chỉ có mê như điếu đổ thôi.

PV: Việc người nghệ sĩ trụ vững với nghề hay không là còn phụ thuộc vào khán giả? Trải qua nhiều thăng trầm, anh nhận thấy tình yêu của khán giả với sân khẩu thay đổi ra sao?

Thanh Bình: Việc khán giả đến với sân khẩu ít hay nhiều vì nó liên quan trực tiếp tới cơm áo gạo tiền, tới cuộc sống của nghệ sĩ.

Thực ra, khán giả bây giờ có nhiều lựa chọn để giải trí. Tuy nhiên, nếu sân khẩu kịch làm được những vở diễn có chất lượng, hay thì vẫn kéo được khán giả đến, còn vẫn làm theo lối mòn với những vở ăn xổi, hàng nhanh chất lượng không đảm bảo thì khán giả sẽ quay lưng. Như Nhà hát Tuổi Trẻ sau 1 thời kỳ làm các vở hài thì kéo được rất nhiều khán giả đến. Nhưng sau đó thì nhà nhà làm hài khiến hài trở thành nhảm, nhạt nên Nhà hát quyết định không làm hài nữa. Nhà hát cũng hủy rất nhiều vở diễn bởi chất lượng không tốt, không đáp ứng theo tiêu chí đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Bây giờ Nhà hát chuyển hướng sang những câu chuyện nghiêm túc, chủ đề về gia đình, cả chính kịch, bi kịch bởi khán giả thấy một phần của mình trong những vở diễn đó.

PV: Anh đã từng sẵn sàng từ bỏ những vở diễn không phù hợp?

Thanh Bình: Đúng. Vì người nghệ sĩ có quyền làm điều ấy. Nếu thấy vai diễn không đẹp, không hay, không phù hợp với mình, có những chi tiết phản cảm thì mình có quyền từ chối. Cái từ chối đấy là quyền của mình nhưng nó sẽ kéo theo kinh tế mình sụt đi, nhưng chấp nhận được thì mình làm.

PV: Vậy anh có làm thêm nghề tay trái để giữ vững nghề tay phải hay không?

Thanh Bình: Có chứ. Gần như nghệ sĩ nào trong Nhà hát cũng thế. Để duy trì được đam mê hoạt động sân khấu thì ai cũng phải có nghề tay trái, nhưng lại chính là nghề tay phải để nuôi dưỡng niềm đam mê của cá nhân. Tôi thì làm nhiều kiểu, có thể là đi quay những tiểu phẩm hoặc thu âm, chủ yếu là ưu tiên làm những hoạt động liên quan đến nghệ thuật, sau đó là làm ngoài, có lúc tham gia bất động sản, thị trường chứng khoán. 

PV: Yêu sân khấu là vậy, tưởng anh chỉ dành tình yêu cho sân khấu. Vậy lý do quay lại với truyền hình là gì?

Thanh Bình: Trong đầu tôi có hoạch định là phải có thời gian dành cho sân khấu, thời gian dành cho gia đình đến khi mọi thứ ổn định thì mới dành thời gian cho truyền hình. May mắn là đang có ý định đấy thì trùng hợp là đạo diễn Vũ Minh Trí mời tham gia vào bộ phim “Lối về miền hoa”. Tôi nghĩ: “Ừ thì thôi lâu lắm rồi không làm truyền hình, thì để xem thế nào, nếu mà lần này không thành công thì tạm biệt truyền hình”. Vì trước đó tôi cũng có mặc cảm thấy không có duyên với truyền hình, không ăn ảnh, ăn hình. Rất may là lần này thì bộ phim đã thành công, cảm ơn sự may mắn này.

Lúc đạo diễn Minh Trí mời thì kịch bản vẫn chưa viết xong. Lúc Trí gửi cho tôi mấy tập đầu, đọc thấy nhân vật Lâm này quá đa chiều, có nhiều đất cho mình diễn, đầu tiên cũng thấy hài hài, vui vẻ, hay hay để mình diễn. Nhưng càng hoàn thiện kịch bản thì ông Lâm này lại càng nhiều cái để khai thác.

PV: Sau thời gian dài mới quay trở lại với phim truyền hình, anh có hồi hộp, lo lắng không?

Thanh Bình: Khi nhận lời tham gia bộ phim, tôi chỉ sợ không thành công như kỳ vọng của đạo diễn. Nên trước khi quay thì tôi cũng trao đổi với đạo diễn Minh Trí là lâu lắm rồi mình không quay lại với truyền hình, sợ quen với sân khấu nên bị nhiễm sân khấu và bị sân khấu hóa.

Cảm giác thực sự lo lắng hồi hộp. Đứng trước hàng nghìn khán giả thì không sao nhưng đứng trước máy quay, trước đạo diễn và các nhân viên hậu kỳ thì mình cảm giác như cơ thể bị trói lại, không được tung tẩy. Đó có thể là lý do khiến tôi nghĩ mình không có duyên với truyền hình, làm cho bản thân bị áp lực.

PV: Trên sân khấu anh là diễn viên gạo cội nhưng với phim truyền hình, Thanh Bình là 1 gương mặt mới?

Thanh Bình: Có thể coi là như thế vì cũng lâu lắm rồi, phải hơn 10 năm tôi mới quay lại với truyền hình. Khi quay lại thì đúng là 1 gương mặt mới với khán giả.

Bộ phim cuối cùng tham gia là của anh Bùi Thạc Chuyên, khoảng những năm 2000, là bộ phim ngắn 3-4 tập, cũng vui vui hài hài. Thực ra khán giả lúc ấy chưa quan tâm nhiều về phim truyền hình hoặc mình chưa có duyên với màn ảnh nên khán giả không nhớ. Lúc ấy có lẽ chưa có duyên với truyền hình, rồi tôi lập gia đình, con cái bé nên lui về với sân khấu. Vì sân khấu là cái nôi mình sinh ra, là việc chính nên phải để lại ấn tượng gì đó trong mắt anh em đồng nghiệp.

Tôi thấy hài lòng sau khoảng thời gian dành cho sân khấu vì cũng đạt được chút thành tựu ở lĩnh vực này và nhận được sự nể trọng trong mắt anh em đồng nghiệp ở mọi thể loại.

PV: Anh có nghĩ nhân vật ông Lâm lại có sức hút đến vậy?

Thanh Bình: Không thể tưởng tượng được vai diễn lại được yêu mến như thế. Tôi cứ nghĩ nó là may mắn và làm việc hết mình, một cách nghiêm túc còn thành công hay không thì do nhiều yếu tố.

Khoảng 20-30% nhân vật ông Lâm trong phim “Lối về miền hoa” là giống tôi ngoài đời. Thực ra thì nhân vật ông Lâm cũng nhiều nét giống tôi, nó phảng phất ở trong đấy, có thể là mình không sâu sắc, khúc chiết, không xử lý mọi chuyện tinh tế như ông ấy, nhưng trong con người tôi có những cái điều ấy, cũng có những tình huống như thế mình xử lý. Ví dụ như sự hài hước, cách nói chuyện với con, cách dạy con của ông Lâm thì mình cũng có 1 chút giống như thế.  Cho nên khi diễn không bị gượng, tự nhiên như chính con người mình, kiểu như nhân vật hòa vào với mình. 

PV: Đưa ngoài đời vào phim và ngược lại phim có khiến anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc dạy con?

Thanh Bình: Sau bộ phim thì đã cho tôi bài học về cách dạy con. Nhiều khi mình cũng là người nền nã trong việc dạy con, nhưng mà đôi lúc mình cũng không có đủ sự kiềm chế, vẫn bộc lộ những lúc gắt gỏng, quát nạt. Qua nhân vật Lâm thì tôi tập được cái sự kiên trì, nhẫn nại trong việc giáo dục, dạy con.

PV: Còn tình yêu thì sao?

Thanh Bình: Tình yêu trong phim thì tương đối là suôn sẻ. Một cái kết có hậu cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ phim này cần có cái kết có hậu thì sẽ hợp lý hơn. Nếu mà giải quyết một cái kết không có hậu cho tất cả các tuyến nhân vật thì phải làm thêm cho khán giả hiểu nhưng chưa chắc làm thêm thì sẽ khiến bộ phim hay hơn. 

Còn ngoài đời tôi không phải là người theo đuổi bền bỉ, ngồi trước phụ nữ mới gặp thì tôi hay ngồi im, nhút nhát lắm. 

PV: Trong phim “Lối về miền hoa” anh và Đàm Hằng diễn khá ăn ý?

Thanh Bình: Đầu tiên phải nói là may mắn. Vai Hoa, lúc đầu đạo diễn gọi lên nhận vai thử vai là 1 người khác, cuối cùng thế nào thì lại là Đàm Hằng. Nhân vật Hoa tương đối giống Đàm Hằng, hiền dịu, nết na, nền nã, xinh xinh. Cũng do hai anh em cùng công tác tại Nhà hát nên có thể hiểu nhau dễ hơn. Đôi khi chỉ cần nhìn ánh mắt, cử chỉ đã hiểu phải diễn thế nào với bạn diễn.

Rồi 2 người đều rơi vào hoàn cảnh đều ly hôn, có thể lúc đấy cái cảm giác thật nhất nó ùa về nên cảm giác 2 người diễn hiểu nhau. Sau 1 biến cố thì cái cách diễn, cách đối nhân xử thế nó đằm hơn.

PV: Khán giả đã “đẩy thuyền” ông Lâm và cô Hoa trong phim. Giờ ở ngoài đời Thanh Bình và Đàm Hằng lại tiếp tục được khán giả yêu quý “đẩy thuyền”, anh nghĩ sao?

Thanh Bình: (Cười) Cái đó phải tùy duyên. Có số phận đến được với nhau thì cũng không tránh được. Một người nhẹ nhàng, đằm thắm, xinh như Đàm Hằng, lại không có gì cản trở. Anh Bình ngoài đời cũng không có gì cản trở. Gặp một người như vậy, không yêu mới lạ. Nhưng cái gì cũng phải từ từ. Có duyên tình yêu sẽ đến.

Thanh Bình, Đàm Hằng ăn ý trong "Lối về miền hoa".

PV: Anh có cái nhìn thế nào về các diễn viên trẻ trong “Lối về miền hoa”?

Thanh Bình: Tôi vẫn luôn tin vào lớp trẻ, lớp trẻ bây giờ rất năng động, thông minh. Sau 10 năm quay lại, tôi thấy các bạn trẻ ấy yêu nghề lắm. Các bạn ấy học lời, xong suy nghĩ để tìm ra cách diễn, tìm cách trao đổi. Có những cảnh đạo diễn bảo được rồi, nhưng trong thâm tâm các bạn ấy vẫn chưa hài lòng thì vẫn xin quay lại. Các em ấy rất thông minh, yêu nghề, nghiêm túc với nghề và tràn đầy năng lượng trong đó.

PV: Thời gian tới, anh thích vào thể loại vai nào?

Thanh Bình: Cũng giống như sân khấu, sau mỗi 1 vai diễn tạm hài lòng thì mình muốn tìm khám phá trong con người mình cái dạng vai khác. Ví dụ trong vai 1 ông bố bạc nhược hoặc 1 ông bố đầy đau khổ, tức là nó khác hoàn toàn cái nhân vật mà mình đã làm, để mình thử sức xem. Tôi cũng mong muốn làm điều này trong truyền hình nhưng chắc khó. Tôi rất nể đạo diễn Vũ Minh Trí, vì anh ấy dám mạnh dạn sử dụng dàn diễn viên mới, chưa ai biết hoặc quá trẻ, thường đóng vai phụ cho thành vai chính. Vũ Minh Trí là một người dũng cảm và mình nghĩ anh nhìn thấy trong con người diễn viên có những tính cách đấy có thể người ta sẽ làm hay, làm thành công.

Tôi thích đề tài gia đình, vì nó có đời sống lâu và dễ đi vào đời sống con người. Câu chuyện gia đình rất bình dị nhưng nó có nhiều câu chuyện, bài học trong đấy, để mỗi người xem đều soi mình 1 chút vào đó.

PV: Anh đã từng rung rinh trước một bóng hồng nào đó nhưng bị cản trở bởi vẫn đề về con cái chưa?

Thanh Bình: Tôi cảm giác là trong lòng tôi nó bị lạnh nên chẳng thấy rung rinh, tôi chỉ nghĩ tới các con. Mỗi lần đi công tác về, đi làm về thì các con đều rất vui. 1 điều làm đàn ông cười là các con nên chỉ muốn mình ở nhà. Bốn bố con tôi giống như những người bạn với nhau, cùng nhau chơi đùa, ăn uống, giúp các con học tập. 

Bởi 1 phần trong tôi là mẹ. Tại tôi nuôi con vất vả, gần như là tôi nuôi cả 3 đứa vì vợ cũ của tôi cũng yếu. Mình giặt giũ, chăm sóc con, thay bỉm tắm rửa cho con từ bé nên cũng quen rồi.

Vợ chồng tam hợp cũng là cái duyên. Cái duyên nó chỉ đến đấy thì không thể tiếp tục, hoặc tiếp tục nhưng không thể hạnh phúc. Chúng tôi chia tay trong văn minh.

PV: Xin cảm ơn anh!./.


Thứ Tư, 06:03, 30/03/2022