U22 Viêt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại trên con đường bảo vệ HCV SEA Games nhưng đối thủ lớn nhất mà thầy trò HLV Troussier cần phải vượt qua lại chính là bản thân đội bóng, bản thân các cầu thủ.

Tại vòng bảng của SEA Games năm nay, U22 Việt Nam ở cùng bảng với các đối thủ Thái Lan, Malaysia, Lào và Singapore. Cấu trúc bảng B tại SEA Games 32 quy tụ 3 nền bóng đá thuộc top đầu Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và 2 đội bị đánh giá yếu hơn là Singapore, Lào. Kiểu bảng đấu này từng khiến U22 Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng bị loại ngay từ vòng bảng hồi năm 2017 và khiến U22 Việt Nam của HLV Park Hang Seo chật vật chinh phục tại SEA Games 30 hồi năm 2019.

Đối thủ bị xem là yếu nhất bảng đấu này là Lào thực tế đang có sự tiến bộ không ngừng thời gian qua. Các cầu thủ trẻ Lào đã thể hiện được khả năng với tấm vé dự VCK U17 châu Á 2023 cùng ngôi á quân giải U19 Đông Nam Á 2022. Bên cạnh đó, LĐBĐ Lào đang tích cực tìm kiếm những cầu thủ "Lào kiều'' từ khắp nơi trên thế giới về khoác áo các ĐTQG Lào. Sự có mặt của cầu thủ đang chơi bóng ở Mỹ - Michael Vang trong thành phần ĐTQG Lào ở loạt trận FIFA Days vừa qua là một minh chứng rõ ràng nhất.

Với U22 Singapore, đội bóng này luôn thể hiện sự khó chịu trong mỗi lần chạm trán U22 Việt Nam. Còn nhờ năm 2019, thầy trò HLV Park Hang Seo đã gặp nhiều khó khăn như thế nào trước một Singapore lỳ lợm trong phòng ngự và nguy hiểm trong những đợt phản công. Nếu như không có khoảnh khắc tỏa sáng của Hà Đức Chinh, U22 Việt Nam khi đó đã không thể giành được chiến thắng. Ở những lần gặp nhau gần nhất giữa hai nền bóng đá Singapore và Việt Nam, các cầu thủ đến từ đảo quốc sư tử cũng gây ra nhiều khó khăn cho các cầu thủ của chúng ta mà trận hòa 0-0 tại AFF Cup 2022 chính là ví dụ điển hình.

Trong khi đó, hai đối thủ lớn nhất của U22 Việt Nam là Malaysia và Thái Lan cũng đang cho thấy những sự chuyển mình. Với dàn cầu thủ chủ yếu từng tham dự SEA Games năm ngoái ở Việt Nam, U22 Malaysia đã có màn trình diễn ấn tượng để lên ngôi vô địch ở Merlion Cup 2022, giải đấu mang tính thử nghiệm trước SEA Games 32 trong loạt trận FIFA Days vừa qua. Năm ngoái, U23 Malaysia dù không bổ sung cầu thủ quá tuổi nhưng cũng đã khiến thầy trò HLV Park Hang Seo ''toát mồ hôi'' mới giành được chiến thắng 1-0 trong hiệp phụ.

Đối thủ còn lại trong bảng là U22 Thái Lan đương nhiên sẽ là đội bóng được chú ý nhiều nhất. Sau thành công của ĐT Thái Lan ở AFF Cup 2022, người hâm mộ nước này đang chờ đợi thành tích tương tự sẽ đến với lứa cầu thủ trẻ hơn ở đấu trường SEA Games.

Hai đối thủ lớn nhất của U22 Việt Nam là Malaysia và Thái Lan

Trước khi bóng đá nam Việt Nam ''thống trị'' SEA Games với 2 lần giành HCV liên tiếp, Thái Lan chính là đội đã giành vị trí cao nhất ở giải đấu năm 2017 tại Malaysia. Lứa cầu thủ đó của Thái Lan không được đánh giá cao nhưng bằng cách nào đó, họ vẫn đánh bại mọi đối thủ để bước lên bục cao nhất.

Năm nay, lực lượng của U22 Thái Lan được kỳ vọng lớn hơn rất nhiều khi đa số các cầu thủ đều đã có những trải nghiệm tại Thai League. Bên cạnh đó, màn trình diễn xuất sắc của hàng loạt gương mặt trẻ, trong đó nổi bật nhất là tiền đạo Teerasak Poeiphimai ở Doha Cup vừa qua sẽ như nguồn động lực để Thái Lan quyết tâm trở lại với đỉnh cao của giải đấu mà họ vẫn đang là đội có thành tích tốt nhất lịch sử với 7 tấm HCV kể từ khi BTC giới hạn độ tuổi cho các đội bóng tham gia.

Các đối thủ của U22 Việt Nam ở SEA Games tới đều không dễ chịu. Đó là điều không thể phủ nhận. Việc nhìn nhận đúng đối thủ để có một kế sách, chiến thuật hợp lý cho từng trận đấu cụ thể là điều cần thiết.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào sự tiến bộ của đối thủ để tự đánh giá thấp năng lực của chính U22 Việt Nam thì điều đó sẽ thực sự là mối nguy hiểm lớn.

Thực tế, sự tự tin là điều các cầu thủ U22 Việt Nam đã đánh mất ở giải đấu Doha Cup vừa qua. Các cầu thủ dù được truyền đạt những ý tưởng chiến thuật mới với mục tiêu thi triển lối đá tấn công nhưng sự thiếu tự tin là một phần nguyên nhân khiến toàn đội không thực hiện đúng được ý đồ của HLV Troussier.

Ở trận đấu cuối cùng, khi có tâm lý thoải mái hơn, các cầu thủ Việt Nam đã ít nhiều chứng tỏ được năng lực và chỉ có sự thiếu may mắn mới khiến U22 Việt Nam không có được bàn thắng nào tại giải đấu trên đất Tây Á.

Lứa cầu thủ hiện tại của U22 Việt Nam đã không gặp may khi dịch Covid-19 đã cản trở đà phát triển của họ đúng ở thời điểm các cầu thủ cần được thi đấu nhất (19, 20 tuổi) nhưng đó cũng là thách thức chung mà hầu hết các nền bóng đá trên thế giới cũng đều đã phải trải qua.

U22 Việt Nam hiện tại chuẩn bị tham dự SEA Games 32 có lực lượng không mạnh bằng những đội tuyển trẻ đã từng hai lần giành HCV ở các kỳ SEA Games trước là một sự thật. Nhưng nếu nhìn vào đó để đánh giá đội bóng hiện tại sẽ không đủ năng lực để vươn tới những đỉnh cao thì điều đó thật sự khiên cưỡng.

Còn nhớ chính lứa cầu thủ sinh năm 2002 đã vượt qua nhiều khó khăn, sức ép trên đất Thái Lan để giành chức vô địch U15 Đông Nam Á 2017, chính các cầu thủ sinh năm 2001, 2002 đã tạo nên trận đấu cảm xúc với U19 Thái Lan trong năm 2019 dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier, người sẽ dẫn dắt U22 Việt Nam tại SEA Games tới.

Bên cạnh đó, lứa cầu thủ hiện tại của U22 Việt Nam ít nhiều đều đã có những chiến thắng trước các đối thủ cùng trang lứa ở Đông Nam Á tại các giải trẻ trong quá khứ.

Ngoài ra, khá đông các cầu thủ trong độ tuổi 21-22 như Tuấn Tài, Văn Tùng, Tiến Long đã ghi dấu ấn ở SEA Games 31 và giải U23 châu Á 2022 trong những trận đấu trước chính Thái Lan.

Nói vậy để thấy, U22 Việt Nam sắp tới vẫn là tập thể có năng lực nếu so với những đối thủ trong khu vực. Chỉ cần HLV Troussier truyền vào các cầu thủ được sự tự tin, giúp những cầu thủ trẻ có được niềm tin vào khả năng của bản thân để vượt qua sức ép từ chính bản thân mình, cơ hội để U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 32 là hoàn toàn có chứ không mờ mịt như lo ngại của nhiều CĐV hiện tại./.

Thứ Sáu, 08:16, 14/04/2023