Doanh nghiệp ĐBSCL đón cơ hội mới từ Hiệp định EVFTA

VOV.VN - Doanh nghiệp ở ĐBSCL cần phải cơ cấu lại sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị để đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà các nước Liên minh châu Âu đặt ra.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là cơ hội lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có lợi thế lớn khi những mặt hàng nông sản rộng cửa và đón ưu đãi về thuế khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này doanh nghiệp cần phải thay đổi sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị để đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà các nước Liên minh châu Âu đặt ra.

EVFTA lợi thế khi doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó ngành hàng đang có lợi thế là nông nghiệp. Vùng ĐBSCL với lợi thế thủy sản, trái cây và lúa gạo, đây được xem là đòn bẩy để các doanh nghiệp xuất khẩu của vùng tiếp cận và đưa hàng hóa vào thị trường này, nhất là khi thuế quan đối với nhiều mặt hàng sẽ về 0% hoặc có lộ trình cụ thể.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chính thức có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới cho biết, Công ty đã đưa sản phẩm của mình vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác. Khi hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực, rõ ràng thuế xuất một số mặt hàng sẽ về 0%, trong đó có sản phẩm chế biến từ dừa của công ty.

Đây là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp khi hiện nay thị trường châu Âu đang chiếm khoảng 25 - 30% doanh thu xuất khẩu của công ty. Theo đó, kỳ vọng từ hiệp định EVFTA, công ty sẽ tăng lên đến 40 – 50% doanh thu trong những năm tới.

“EVFTA chúng tôi đã mong đợi rất lâu, thuế nhập khẩu vào thị trường châu Âu đối với các mặt hàng chế biến từ dừa ở mức độ từ 5,5 - 8%. Khi mà EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 thì thuế nhập khẩu tại thị trường châu Âu về 0%. Khi đó, sức cạnh tranh mặt hàng của Việt Nam sẽ tăng lên và chúng ta sẽ thâm nhập tốt hơn” - ông Nguyễn Trường Thịnh nói.

Ông Nguyễn Chí Tâm, Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang cho rằng: Để tận dụng được cơ hội từ hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trước hết mỗi doanh nghiệp phải tìm hiểu và có sự chuẩn bị về thị trường. Cơ hội là rõ ràng, nhưng cũng không ít thách thức nếu doanh nghiệp không biết tận dụng hiệp định này.

“Hiệp định EVFTA có thể là cơ hội tốt cho một doanh nghiệp này với một điều kiện doanh nghiệp đó có sự chuẩn bị về ngành hàng, về thị trường… một cách tốt nhất. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị thì chính Hiệp định này sẽ giúp cho những đối tác khác phát triển lên và chiếm lĩnh thị trường. Hiệp định có thể thuận lợi, có thể không thuận lợi, chủ yếu nhất vẫn là sự chuẩn bị để hòa nhập của từng doanh nghiệp” - ông Nguyễn Chí Tâm đánh giá.

Hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận thông tin về EVFTA

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác, tập trung vào lĩnh vực may mặc, giày da, thủy sản và những sản phẩm được làm từ dừa. Doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre bình quân hàng năm khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó thị trường châu Âu chiếm chủ yếu.

Việt Nam đang là đối tác lớn của thị trường EU đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp mở rộng hơn nữa thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, hiệp định EVFTA là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội, địa phương đã có sự chuẩn bị trước đó đến các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận và có những chính sách chiến lược khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực.

“Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với EU chúng tôi đánh giá rất cao, đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Bến Tre trong thời gian qua chúng tôi cũng đã tập trung thu hút cũng như có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường của châu Âu. Để tận dụng cơ hội này một mặt chúng tôi tăng cường để cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, hiểu biết nhiều về Hiệp định này. Thứ hai là cải cách hành chính để doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường tốt nhất” - ông Nguyễn Trúc Sơn nói.

Khi hiệp định EVFTA được chính thức có hiệu lực, các mặt hàng nông, thủy sản của vùng ĐBSCL có lợi thế lớn khi đưa hàng hóa vào thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ EVFTA  trước hết doanh nghiệp phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu về đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu từ hiệp định EVFTA.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết: Nông nghiệp và thủy sản sẽ là những ngành hàng hưởng lợi nhiều khi thuế EU dành cho Việt Nam ở mức thấp, trong đó một số hàng hóa sẽ về mức 0% khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt quan tâm đến những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ…đây là vấn đề mà phía EU quan tâm.

“Đối với những Hiệp định mà được thông qua có hiệu lực, chúng tôi sẽ xây dựng những tổ tư vấn để làm sao doanh nghiệp chuẩn bị và nắm bắt ngay những cơ hội này. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các hiệp hội, các tổ chức thương mại trên thế giới để có sự liên kết về tiêu thụ về thị trường, và những điều kiện đầu tư để chúng tôi cung cấp cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Phương Lam chia sẻ.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ví như “đường cao tốc” để nối thị trường Việt Nam với EU. Tuy nhiên, để tham gia được vào “đường cao tốc” này ngoài việc tháo gỡ các rào cản về mặt thể chế, thì các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu, cam kết từ hiệp định và luật lệ quốc tế.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thông qua các hiệp hội và phương thức quản lý mới cho phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên