Người Việt ngại du lịch nước ngoài, cơ hội để du lịch trong nước phục hồi

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 lại là cơ hội tốt để nhìn trước thị trường và chuẩn bị các thông điệp để “kéo” du khách quay trở lại.

Không chỉ ngành du lịch, 98% nhân sự ngành hàng không ngừng hoạt động. Tỉnh Quảng Nam năm nay dự kiến hụt thu ngân sách khoảng 7.000 tỉ đồng do tác động của dịch Covid-19. Tái cơ cấu du lịch được xem là việc làm cần thiết vào thời điểm hiện nay.

Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, khi đánh giá tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch cần phải lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng này tạo ra cơ hội để thay đổi cách thức tiếp cận nhằm xây dựng lại ngành du lịch theo hướng bền vững hơn. Theo ông Michael Croft, Quảng Nam là nơi tiên phong trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững, chính là nơi thích hợp để thực hiện những nhiệm vụ này.

“Đây là thời cơ để chúng ta cập nhật kế hoạch quản lý khu di sản và hiện đại hóa các chiến lược. Đối với du lịch đại trà không bền vững như những giai đoạn trước thì đây lại là cơ hội để chúng ta thiết kế lại các sản phẩm du lịch hay những trải nghiệm du lịch và làm cho những trải nghiệm du lịch đó hấp dẫn hơn với những vị khách luôn tìm kiếm những kỳ nghỉ đặc biệt, tại những địa danh đặc biệt” - ông Michael Croft nói.

Không gian du lịch Quảng Nam sẽ được mở rộng không chỉ có ở Hội An.

Theo các chuyên gia du lịch, việc giảm giá quá sâu để “kéo” khách quay trở lại như cách làm của một số địa phương, doanh nghiệp thời gian qua là không cần thiết. Vì như vậy sẽ không tạo ra được dòng khách mới và nguy cơ giảm chất lượng dịch vụ.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia cho rằng, muốn du khách quay trở lại thì bắt buộc phải đầu tư vào trải nghiệm hoàn hảo, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá ở mức tối đa là 25%.

Ông Kiên cho biết, năm nay, nếu kiểm soát dịch tốt sẽ có khoảng 65 triệu khách du lịch nội địa đi tham quan, du lịch và có khoảng 6 - 7 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Với việc kích cầu du lịch đồng loạt như hiện nay, ngành du lịch có thể đạt doanh thu 320.000 tỷ đồng tuy nhiên vẫn giảm khoảng 55% so với năm 2019. Đó là trong trường hợp Việt Nam mở cửa thị trường du lịch quốc tế vào quý 3 và quý 4. Đối với ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, ông Trần Trọng Kiên cho rằng, đây là cơ hội tốt để nhìn trước thị trường và chuẩn bị các thông điệp để “kéo” du khách quay trở lại.

“Đây là cơ hội tốt dùng các nền tảng số để quảng bá, dùng các thông điệp đó từ những con người yêu Việt Nam, từng sống ở Việt Nam để chuyển thông điệp đó ra ngoài. Quan trọng nhất chúng ta phải rất khiêm tốn, chúng ta thực sự lắng nghe ý kiến của tất cả khách hang, từ đó phát triển sản phẩm và cách tiếp cận về dịch vụ và phục vụ thật tốt” - ông Kiên nói.

Làm mới sản phẩm và mở rộng không gian du lịch là 2 mục tiêu chính mà ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đang hướng đến. Trên thực tế, lâu nay ngành du lịch địa phương chủ yếu khu trú, tập trung ở khu đô thị cổ Hội An, Đền tháp Mỹ Sơn. Đại dịch Covid-19 xảy ra, du lịch Hội An, Mỹ Sơn gặp vô vàn khó khăn, dẫn đến toàn ngành du lịch Quảng Nam cũng điêu đứng.

Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Chính quyền và ngành chức năng địa phương đang đẩy mạnh việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng tăng tỷ lệ khách nội địa hóa, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng không gian du lịch về phía Nam. Quảng Nam có lợi thế về cảng biển nên việc phát triển du lịch tàu biển tại cảng Kỳ Hà được xem là hướng đi khả thi trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ra đời sản phẩm du lịch tàu biển ở Cảng Kỳ Hà là sản phẩm mới để góp phần thúc đẩy du lịch ở phía Nam. Bởi vì lâu nay chúng ta chỉ tập trung du lịch ở phía Bắc đó là Hội An và Mỹ Sơn. Như các chuyên gia cũng đã đi khảo sát thời gian qua đánh giá, thì không chỉ có tiềm năng mà điều kiện sẵn sàng có thể mở được du lịch đường thủy và loại hình du lịch tàu biển ở Quảng Nam”.

Lâu nay thị trường khách quốc tế đến Quảng Nam chiếm khoảng 55 - 60% tổng lượng khách đến tham quan. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, thời điểm hiện nay là giai đoạn “cầm cự” để vượt qua khó khăn, hướng tới cơ cấu lại ngành du lịch.

Theo ông Lê Trí Thanh, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch chuẩn bị chương trình hành động cụ thể để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong 2 năm 2020- 2021 và những năm tiếp theo.

“Khách nội địa bây giờ phải tăng tỷ lệ lên, khách quốc tế giảm xuống. Thế bây giờ ngắm thị trường nội địa là nội địa nào? Chúng ta phải có định vị đối tượng khách hàng, phân khúc khách hàng để nhắm vào thi trường nội địa cho chuẩn xác để đẩy thị trường khách nội địa lên. Tâm lý bây giờ kéo rất dài, người dân Việt Nam ngại đi ra nước ngoài du lịch. Tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử phong phú như thế, có cả bề dày như thế thì chúng ta phải giới thiệu lên chứ, chúng ta thu hút để khách nội địa mới đến đây chứ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên