U22 Việt Nam thắng U22 Trung Quốc: Không được tự mãn
VOV.VN - Khích lệ nên chỉ dừng ở mặt tinh thần thì đúng, còn nói... nhiều hơn nữa, e rằng lại khoác lên trận đấu tấm áo quá rộng so với tầm vóc thực của nó.
1. Chiến thắng 2-0 của U22 Việt Nam trên đất Trung Quốc vẫn khiến CĐV Việt Nam chưa hết phấn khích. Cú đúp của Tiến Linh giúp đội bóng trẻ của Park Hang Seo vẫn bất bại trong năm 2019 và tự tin hướng tới SEA Games 30 khi đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh.
Dù vậy, cảm giác phấn khích đến nhiều hơn khi bóng đá trẻ Việt Nam đánh bại đại diện đến từ một quốc gia hùng mạnh, song ngay cả khi U22 Trung Quốc có cầu thủ khoác áo đội trẻ Real Madrid hay HLV Guus Hiddink ngồi trên băng ghế huấn luyện, trận đấu này cũng không có nhiều điều để nói.
Đấy là điều HLV Park Hang Seo thừa nhận sau trận, và đó không phải nhận định xã giao, "xuề xoà" với đội chủ nhà và người thầy cũ Hiddink.
HLV Hiddink cùng ban huấn luyện U22 Trung Quốc bất lực hoàn toàn. |
Nhìn từ các yếu tố nói trên, chiến thắng vừa qua không có gì đáng nói, không giống "cơn mưa" lời khen từ báo chí Trung Quốc hay lo ngại "U22 Việt Nam sẽ giành huy chương vàng SEA Games" từ báo Thái Lan.
Những lời tâng bốc vừa không có giá trị xây dựng, vừa khiến các cầu thủ dễ đánh mất mình. Khích lệ nên chỉ dừng ở mặt tinh thần thì đúng, còn nói... nhiều hơn nữa, e rằng lại khoác lên trận đấu tấm áo quá rộng so với tầm vóc thực của nó.
2. 90 phút trước U22 Trung Quốc, U22 Việt Nam chơi không quá nổi trội. Nhiều pha phối hợp đứt gãy, mất tập trung, đường nét tấn công chưa thực sự rõ ràng. Tuyến giữa chơi khá rời rạc, chưa phát triển được lối chơi. Thiếu vắng Quang Hải, hàng tiền vệ phát triển bóng chưa ổn định, nên phải dựa nhiều vào những pha lên biên của Thanh Thịnh, Tấn Tài.
Hai bàn thắng của Tiến Linh đến từ cùng kịch bản: Tấn Tài leo biên, chuyền hợp lý để đồng đội chọn vị trí dứt điểm. Để hướng tới SEA Games 30 hay xa hơn là U23 châu Á 2020, U22 Việt Nam vẫn cần nhiều bài vở hơn. Những vấn đề lộ ra từ chiến thắng 2-0 trước Kitchee, U23 Myanmar hay U18 Việt Nam cần giải quyết triệt để.
Vị thế hiện tại tốt, không có nghĩa tương lai vẫn tốt. U22 Việt Nam cần hướng tới những cột mốc xa hơn. Nên nhớ, thế hệ trước chỉ chịu thua đúng U23 Uzbekistan ở giải châu lục. Đây vừa là vinh dự, vừa là sức ép.
3. Trước mắt U22 Việt Nam vẫn là những thách thức lớn. U22 Thái Lan ở SEA Games sẽ được dẫn dắt bởi HLV lão làng Akira Nishino. Chiến lược gia người Nhật Bản giỏi cỡ nào, 10 ngày "lột xác" Thái Lan thành đội bóng khác đã cho thấy tất cả. Rất nhiều cầu thủ trẻ được ông Nishino theo dõi, tạo điều kiện.
Cầu thủ hay nhất trận đấu ở Thammasat là Supachok Sarachat - người khiến Duy Mạnh phải rất vất vả. Supachok sẽ chơi ở SEA Games, cùng với Supachai Jaided, Worachit Kanitsribampen hay thần đồng Suphanat Muenta. Cộng với tài cầm quân của Nishino, U22 Thái Lan sẽ là đối thủ rất khó lường.
Cả Đông Nam Á đều tiến bộ, và đội bóng nào ngừng lại đều đồng nghĩa với thụt lùi. HLV Park Hang Seo hiểu điều đó, với những tuyên bố rất chừng mực, khiêm tốn dẫu U22 Việt Nam đã thắng liên tục trong năm 2019.
"Chúng ta đang có sự lạc quan và tin tưởng, mọi tính toán của HLV Park Hang Seo đều tốt. U22 Việt Nam có hướng đi rõ ràng, không bị mong manh hay chông chênh. Ông Park nâng tầm được cầu thủ và tạo ra niềm tin lớn ", BLV Quang Huy phân tích.
Lứa U22 Việt Nam hôm nay có thể không toàn vẹn, mạnh mẽ như đội hình ở Thường Châu 2018, nhưng với nòng cốt là các tuyển thủ dự U20 World Cup, HLV Park Hang Seo vẫn đang tạm có đủ bột để gột nên hồ./.