“Xây dựng chính sách pháp luật cũng cần dám nghĩ, dám làm”

VOV.VN - Nghị quyết 27 của Trung ương nhấn mạnh xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cách tiếp cận xây dựng chính sách, pháp luật vì thế phải lắng nghe doanh nghiệp, cần dám nghĩ, dám làm.

Ngày 19/4, Báo Pháp luật Việt Nam, Viện Khoa học pháp lý và Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ban Quản lý Chương trình 585) - Bộ Tư pháp, phối hợp tổ chức Tọa đàm “Đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống – Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp”.

Nhiều nội dung mới, quan trọng

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. TS Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một nghị quyết chuyên đề của Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng.

Trong đó, nghị quyết đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

“Đây là những yêu cầu cao hơn về chất so với các chủ trương hiện hành, nhất là yêu cầu bảo đảm tính “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, ổn định, dễ tiếp cận” của hệ thống pháp luật” – ông Nguyễn Văn Cương phân tích.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - nguyên Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, một trong những yêu cầu đặt ra là hệ thống pháp luật phải “kịp thời”, tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, bộ máy phải tinh gọn, để vượt qua được “căn bệnh mãn tính” là chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải có giải pháp mạnh mẽ, trong đó cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm trong xây dựng pháp luật.

Vị chuyên gia này cũng đồng tình với nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 27 đặt ra là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. 

Cho rằng so với trước kia thì hiện nay việc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý tiến bộ hơn rất nhiều, song trước yêu cầu của nghị quyết, theo ông Trần Hữu Huỳnh, các cơ quan trong bộ máy cần mở rộng kết nối với các tổ chức, hiệp hội, gắn với thực tiễn, vì “không gắn kết chặt chẽ với nhân dân, không kết nối với hàng trăm nghìn hiệp hội, chuyên gia thì khó làm được, bộ máy Nhà nước sẽ rất vất vả”.

Lắng nghe doanh nghiệp cần gì

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, Nghị quyết 27 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán. 

Nhiệm vụ và giải pháp cũng nhấn mạnh xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.  

“Đây là hai nội dung rất quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Tiếp cận vấn đề này phải tập trung trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp cần gì và chúng ta cần làm gì cho doanh nghiệp?” - PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nêu vấn đề và nhấn mạnh lắng nghe doanh nghiệp để biết họ cần gì chứ không phải thuần túy xuất phát từ nhà hoạch định chính sách muốn gì.

Giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ cần có cơ chế tiếp nhận, phản hồi và xử lý cac phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân từ đó tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải giữ vai trò trung tâm, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng thu nhập những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp; có cơ chế phối hợp với Chính phủ trong tiếp nhận, phản hồi và tiếp thu, điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp, kịp thời.

Từ góc độ thực tế hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Lam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Lam chia sẻ, trước đây để làm nhà máy, dù địa phương “trải thảm” nhưng ông cũng phải “qua 16 khóa với 32 con dấu” và thực tế thực thi pháp luật ở nhiều địa phương cũng chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Vị doanh nhân này phản ánh có những quy định còn chồng chéo, điều chỉnh trong thời gian ngắn, có quy định mới chưa được phổ biến kịp thời nên việc doanh nghiệp tuân thủ, đáp ứng yêu cầu còn khó khăn.

Cùng băn khoăn, bà Quỳnh Phạm - Giám đốc Queeny Group đề nghị cần có hướng dẫn đồng bộ trong thực hiện pháp luật để kinh doanh hiệu quả, bởi lẽ “có người kinh doanh không đăng ký gì cả, không biết có thực hiện theo pháp luật hay không nhưng doanh nghiệp bị cạnh tranh, bị ảnh hưởng”.

“Mong các nhà hoạch định chính sách, tư vấn xây dựng quy định phù hợp để doanh nghiệp hưởng ứng tự nguyện và hoạt động tốt, tuân thủ tốt, xác định được nghĩa vụ của mình đóng góp cho đất nước” – Bà Nguyễn Thị Minh Thanh – Phó Chủ tịch Chi hội Nữ Doanh nhân DNNVV bày tỏ.

TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thì nhấn mạnh, “từ khoá” rất quan trọng là thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Điều đó có nghĩa pháp luật hướng đến cấm là cấm cái gì, khoảng trống còn lại là được làm. Tư duy theo góc độ này thì việc làm luật, xây dựng chính sách thuận lợi hơn, tổ chức thực hiện dễ hơn và người dân dễ biết quyền của mình để thực hiện.

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan Nhà nước, ông Thái cho rằng, doanh nghiệp cần tham gia từ khâu hình thành chính sách; có nghiên cứu sâu về các quy định liên quan, từ lăng kính thực tiễn mà góp ý để cơ quan lập chính sách có thêm thông tin./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Chuyển động từ tư duy đến hành động
Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Chuyển động từ tư duy đến hành động

VOV.VN - Nghị quyết 27 khẳng định: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị...

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Chuyển động từ tư duy đến hành động

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Chuyển động từ tư duy đến hành động

VOV.VN - Nghị quyết 27 khẳng định: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị...

Lần đầu tiên Đảng xác định rõ đặc trưng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Lần đầu tiên Đảng xác định rõ đặc trưng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

VOV.VN - Theo ông Phan Đình Trạc, lần đầu tiên, Đảng ta xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Lần đầu tiên Đảng xác định rõ đặc trưng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Lần đầu tiên Đảng xác định rõ đặc trưng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

VOV.VN - Theo ông Phan Đình Trạc, lần đầu tiên, Đảng ta xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là yêu cầu tất yếu
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là yêu cầu tất yếu

VOV.VN - Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và hiện đã triển khai từ hơn 1 năm qua.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là yêu cầu tất yếu

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là yêu cầu tất yếu

VOV.VN - Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và hiện đã triển khai từ hơn 1 năm qua.