Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Gạch nối quá khứ với tương lai

VOV.VN - Với 700 hiện vật, tư liệu trưng bày quý giá, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử dân tộc vinh quang, tự hào.

Sáng 19/6, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt nam, 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, 156 năm Ngày xuất bản Tờ báo Tiếng Việt đầu tiên, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Lễ khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam diễn ra vào sáng 19/6.

Đến dự buổi lễ có ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và các nhà báo cao niên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà.

Các đại biểu đến dự lễ khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Về phía lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam có ông Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đến Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh vai trò của báo chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ.

Báo chí thời nay luôn là dòng chủ lưu, luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, kết tinh hội tụ truyền thống văn hoá Việt Nam và thế giới, làm nên bản chất tiến bộ nhân văn. Luôn ở tuyến đầu của cuộc sống, những người làm báo Việt Nam hôm nay đang tự tin viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, của đất nước, của các thế hệ làm báo lớp trước, tiếp tục đảm đương sứ mệnh người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hoá, quả cảm đấu tranh cho công lý và lẽ phải. Sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với báo chí và đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ nhà báo.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà lưu niệm Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước tin tưởng và hy vọng rằng: "Với những giá trị lưu giữ nơi đây, Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một thực thể sống, phong phú và sinh động, một trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước, cách mạng, một trung tâm nghiệp vụ chứ không đơn giản là tủ kính trưng bày. 

Bảo tàng sẽ đi vào hoạt động hiệu quả không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt, nỗ lực sáng tạo, chủ động bắt nhịp đời sống báo chí trong và ngoài nước, tạo môi trường lý tưởng, hiện đại có diện mạo riêng, thu hút sự quan tâm, tham quan của đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần truyền bá tư tưởng lịch sử cách mạng, kiến thức giàu có thêm những trải nghiệm phong phú về nghề báo, mài sắc con chữ, bồi đắp lý tưởng, nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm cống hiến vun đắp phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp cho sự nghiệp báo chí nước nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ khai trương.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 28/7/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc để hiện thức hoá niềm mong ước về một Ngôi nhà Di sản của những người làm báo Việt Nam.

Từ đó đến nay, trải qua hơn 1000 ngày, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm, tập hợp, quản lý và khai thác được trên 20.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, bản thảo,...vô giá, khắc hoạ quá trình làm báo gian khổ nhưng đầy vinh quang của các thế hệ nhà báo. 

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm, tập hợp, quản lý và khai thác được trên 20.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, bản thảo,...vô giá.

Ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Trong 3 năm qua, ngay từ khi ra đời, Bảo tàng đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, khai thác một cách có hệ thống, khoa học các di sản báo chí để lại nhằm hoàn thành bước đầu không gian trưng bày, đáp ứng nguyện vọng bao lâu nay của nhiều nhiệm kỳ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng như đông đảo các nhà báo và công chúng trên cả nước. Tới đây, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung trưng bày với những hiện vật, tư liệu đại diện cho nền báo chí hoà bình, nhân văn và tiến bộ, truyền tải sinh động, hấp dẫn, hiệu quả những thông điệp từ quá khứ, kêu gọi nhắc nhớ để những người làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà”

Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam (áo dài đỏ) giới thiệu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Câu chuyện về báo chí Việt Nam được bắt đầu bằng khu trưng bày giai đoạn 1865-1925. Tiếp đó là các không gian trưng bày giai đoạn 1925-1945; 1945-1954;1954-1975 lần lượt được mở ra, tái hiện toàn cảnh hoạt động báo chí nước nhà qua các thời kì, từ phong trào Cách mạng vô sản với dấu mốc lớn là sự ra đời của báo Thanh Niên, những bài báo đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh..., cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng. 

Mỗi tài liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện đặc biệt, gắn với các thời kỳ làm báo sôi nổi, gian khó, hiểm nguy. Đó là những chiếc khăn dù, võng dù, những bức thư gửi cho gia đình hẹn ngày trở về, những bản thảo, sổ ghi chép đang viết dở của các nhà báo liệt sĩ Phạm Đình Côn, Hồ Tương Phùng, Nguyễn Mai, Hoàng Thành Tùng,...là chiếc xe đạp Thống Nhất bạc màu sơn của Nhà báo Đặng Loan - Tổng biên tập đã lao mình vào cứu người ở bệnh viện Tây Hiếu, Xưởng cơ khí và hy sinh khi trở về toà soạn giữa mưa bom bão đạn. Hay giấy báo tử "nhầm" của nhà báo Kim Toàn, hộp đèn dầu tự chế đẻ viết báo của nhà báo Đặng Minh Phương,...

Bảo tàng có 5 gian trưng bày gồm báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925, báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945, báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954, báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975 và cuối cùng là báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.

Đó còn là những tấm thẻ, bức ảnh, đồ dùng tác nghiệp của các nhà báo Xuân Thuỷ, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Thành Lê, Hà Đăng khi tham gia Hội nghị Paris (1968-1973); là những kỷ vật của các nhà báo Đào Tùng, Phan Quang, Trần Kiên, Trần Mai Hưởng trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975. Chiến tranh đã đi qua, những hiện vật được trưng bày trong bảo tàng là những gạch nối quá khứ với hiện tại.

Giai đoạn 1975 đến nay là những bước chuyển mình mạnh mẽ của báo chí Việt Nam với sự thay đổi về phương thức, công nghệ. Từ các hiện vật liên quan đến các loại hình báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử được sưu tầm, người xem có cơ hội hình dung rõ nét, đầy đủ hơn về lịch sử vinh quang của báo chí nước nhà. 

Không gian trưng bày với các hiện vật phong phú, khái quát được bố trí trên diện tích gần 1.500m², khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng. 

Nổi bật trong không gian trưng bày Bảo tàng là sự xuất hiện của chiếc loa đại, minh chứng cho những trận “đấu loa” quyết liệt ở vĩ tuyến 17. Trong giai đoạn này, tại bờ Bắc, hệ thống loa phóng thanh 25W-50W-250W phát liên tục các chương trình ca nhạc, thơ, kịch, dân ca... hấp dẫn. Khi Mỹ - Diệm gắn những cụm loa Tây Đức, Úc và dàn loa Mỹ công suất lớn đáp trả, bờ Bắc đã tăng cường một chiếc loa đại, công suất 500W, thuận gió để truyền xa 10km đến Cửa Việt, Gio An.

Ngoài những cách trưng bày truyền thống (sắp xếp hiện vật theo chủ đề, trình tự với phong cách nghệ thuật nhất định thông qua hệ thống tủ, tường, mảng miếng, mô hình...) để truyền tải được nhiều nội dung phong phú, đa dạng hơn, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn áp dụng nhiều công cụ hỗ trợ trưng bày khác như nghe, nhìn, trục quay rulô, khám phá trải nghiệm...,giúp bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đáp ứng được hiệu quả hơn về nhu cầu tham quan, học tập, trải nghiệm của công chúng, với mục tiêu trở thành một địa chỉ giảng dạy thực tế tin cậy cho các trường thuộc chuyên ngành báo chí và truyền thông của nước nhà. 

Một số điểm nhấn trong các không gian trưng bày: Hình tượng "Bút sen" ở gian khánh tiết, "Bục kim cương ở gian 1865 – 1925"; khu vực "Tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân", "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam"…

Quá trình "từ không đến có", đồng thời là quá trình "vừa học, vừa làm" của các cán bộ bảo tàng, từ lãnh đạo đến nhân viên, nhiều người xuất thân là nhà báo chuyển sang nhận nhiệm vụ làm bảo tàng, là một quá trình dù khó khăn, vất vả, đầy áp lực, song được sự ủng hộ của các thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, của các cấp các ngành, các cấp Hội Nhà báo và cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương của nhiều tập thể và cá nhân trong và ngoài nước. 

Nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: "Thời khắc Bảo tàng Báo chí Việt Nam mở cửa đón khách là một thời khắc đặc biệt quan trọng được chờ đợi từ rất lâu, nhất là đối với chúng tôi, những người làm trực tiếp. Chắc chắn còn có những điều chưa làm được, còn có những thiếu sót không thể tránh khỏi. Phía trước vẫn là chặng đường dài mà những người làm bảo tàng muốn làm tốt nhiệm vụ vẫn phải tiếp tục bền gan, vững chí đi tới...".

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương và đón khách tham quan từ ngày 19/6./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên