Cần cơ chế xử lý sự cố y tế công cộng nghiêm trọng như đối phó với mưa bão

VOV.VN - Để thực hiện trạng thái bình thường mới hiệu quả, nên có cơ chế ứng xử với các sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thảm họa y tế… như ứng phó với mưa bão, lũ lụt.

Việt Nam đang bước vào trạng thái “bình thường mới” vừa tập trung chống dịch, vừa khôi phục và phát triển lại nền kinh tế như lúc ban đầu. “Trạng thái bình thường mới” do đại dịch Covid-19 đặt ra những vấn đề mới cho quản lý trên bình diện quốc gia và toàn cầu, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách thích hợp và khôn khéo. Giới chuyên gia và nhà khoa học đã đóng góp ý kiến để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Bình thường mới không có nghĩa để dịch phát triển tự do

Tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có nhiều chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho chiến lược bình thường mới.

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài nên việc thích ứng, sống chung với dịch, thiết lập trạng thái “bình thường mới” là cần thiết.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định mỗi khu vực, mỗi vùng phải áp dụng các biện pháp khác nhau, bởi tỷ lệ tiêm chủng khác nhau… thì cách ứng xử với dịch bệnh không thể giống nhau.

“Chiến lược ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị vẫn phát huy hiệu quả. Các biện pháp phòng, chống dịch phải phù hợp với thực tế của Việt Nam, không thể áp dụng nguyên mô hình của những nước khác. Việc xét nghiệm cũng cần tập trung vào người ho, sốt, lái xe, người có dịch tễ phức tạp thay vì xét nghiệm ồ ạt...gây lãng phí. Chúng ta phải tính chuyện con nhà nghèo, chỉ xét nghiệm theo đối tượng, theo nguy cơ”, ông Phu nêu rõ.

Ông Trần Đắc Phu đề nghị cần nghiên cứu sâu hơn về giải trình tự gene, đánh giá kháng thể, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine tiêm ở Việt Nam, điều tra dịch tễ…

“Việt Nam có 8 loại vaccine nhưng phải đánh giá hiệu quả thế nào của từng loại, thời điểm tiêm nhắc lại thế nào? Ngoài ra, cần phải có công nghệ lấy mẫu xét nghiệm nhanh, rẻ. Đây là những việc phải làm và làm sớm để có thể kiểm soát dịch chủ động và bền vững”, ông Phu nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, bình thường mới không có nghĩa để dịch phát triển tự do. Để sống chung với dịch bệnh, cần hệ thống giám sát dịch đủ mạnh, hệ thống điều trị ứng phó phù hợp. Hệ thống sẵn sàng phải giám sát tốt, phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, dập từng ổ dịch ngay lập tức.

“Cần một chương trình chiến lược tổng thể quốc gia về Covid-19 gồm nghiên cứu cơ bản, dịch tễ, xét nghiệm, vaccine, các dữ liệu lâm sàng, phác đồ điều trị, phát triển thuốc, trang thiết bị y tế... Song vì có chung cơ chế lây chuyền, chương trình này có thể gộp cả phòng chống lao và Covid-19”, PGS Nhung đề xuất.

Còn theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, hiện nay Việt Nam chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm đối phó với sự cố y tế công cộng nghiệm trọng hay thậm chí là thảm họa y tế tương tự như cơ chế ứng xử cho mưa bão.

“Qua những đợt dịch cho thấy cần xây dựng cơ chế huy động nhanh nhất tất cả các nguồn lực, đặt dưới sự chỉ huy, điều hành thống nhất để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch nhanh nhất, tận dụng thời gian quý giá để khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể. Tương tự như tình huống bão lụt, ai là người có quyền điều động quân sự, dân sự, công an…tham gia, sẵn sàng 4 tại chỗ thế nào…chứ như chống dịch hiện nay, có việc thì huy động họp nhiều quá, chậm quá”, ông Bình nêu ý kiến.

“Phải có cơ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm cũng được nhưng phải có đủ chức năng, quyền hạn sắp xếp, điều động và tổ chức, bởi nhân lực các bộ ngành tham gia rất nhiệt tình, nhưng chưa có tổ chức”, GS.TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.

Một số chuyên gia đề xuất để chương trình vừa chống lao, vừa chống Covid-19 do đây là hai bệnh có chung cơ chế lây truyền.

Tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở

GS.TS, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y nhận định, quy trình chống dịch giống nhau nhưng khi áp dụng tại mỗi địa phương lại cho kết quả khác nhau từ tỷ lệ mắc Covid-19 đến tỷ lệ tử vong. Một nguyên nhân quan trọng là do năng lực mạng lưới y tế cơ sở.

“Trong thời điểm dịch Covid-19 đang dịu, cần khẩn trương tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở thực chất, hoàn chỉnh từ các tổ, đội y tế cộng đồng, cơ động đến các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện. Mạng lưới y tế cơ sở sẽ giám sát, ứng phó ngay lập tức với các nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng”, Trung tướng Đỗ Quyết chỉ rõ.

“Tôi kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đặt đầu bài cho các trường y triển khai chương trình tập huấn, cầm tay chỉ việc đến từng thôn, xóm, xã, phường. Tôi tin rằng các trường đã có giáo trình hết rồi. Nếu được đặt hàng, chỉ trong khoảng 3 tháng sẽ có thể tập huấn hết cho mạng lưới y tế cơ sở cả nước”, Giám đốc Học viện Quân y khẳng định.

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị Bộ KH&CN, Bộ Y tế tăng cường đặt hàng để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí nguồn lực.

“Các nhà nghiên cứu mong muốn nhận được đặt hàng từ Bộ KH&CN, Bộ Y tế để biết được nhu cầu thực tế đang cần gì, từ đó lực lượng nghiên cứu sẵn sàng chia sẻ. Cách này cũng là để các đơn vị nghiên cứu tránh được tình trạng nghiên cứu chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực. Ví dụ như máy thở, rất nhiều đơn vị cùng nghiên cứu, lãng phí nguồn nhân lực rất lớn, GS-Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bày tỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẵn sàng vaccine, thuốc, sinh phẩm để trở lại bình thường mới
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẵn sàng vaccine, thuốc, sinh phẩm để trở lại bình thường mới

VOV.VN - Tại cuộc họp chiều 13/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã khẳng định thông điệp “Sẵn sàng vaccine, thuốc, sinh phẩm để trở lại bình thường mới”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẵn sàng vaccine, thuốc, sinh phẩm để trở lại bình thường mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẵn sàng vaccine, thuốc, sinh phẩm để trở lại bình thường mới

VOV.VN - Tại cuộc họp chiều 13/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã khẳng định thông điệp “Sẵn sàng vaccine, thuốc, sinh phẩm để trở lại bình thường mới”.

Việt Nam dần khống chế được dịch Covid-19, chuyển sang bình thường mới
Việt Nam dần khống chế được dịch Covid-19, chuyển sang bình thường mới

VOV.VN - Trong 1 tuần qua, số lượng ca mắc Covid-19, số ca tử vong đã giảm, số bệnh nhân được chữa khỏi tăng kỷ lục là những tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Việt Nam dần khống chế được dịch Covid-19, chuyển sang bình thường mới

Việt Nam dần khống chế được dịch Covid-19, chuyển sang bình thường mới

VOV.VN - Trong 1 tuần qua, số lượng ca mắc Covid-19, số ca tử vong đã giảm, số bệnh nhân được chữa khỏi tăng kỷ lục là những tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

PC-Covid truy vết được 379 người liên quan đến các ca mắc cộng đồng ở Hà Đông
PC-Covid truy vết được 379 người liên quan đến các ca mắc cộng đồng ở Hà Đông

VOV.VN - Việc áp dụng công nghệ vào phòng, chống dịch bệnh đã giúp Hà Nội nhanh chóng truy vết, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thích ứng linh hoạt và an toàn trong điều kiện bình thường mới.

PC-Covid truy vết được 379 người liên quan đến các ca mắc cộng đồng ở Hà Đông

PC-Covid truy vết được 379 người liên quan đến các ca mắc cộng đồng ở Hà Đông

VOV.VN - Việc áp dụng công nghệ vào phòng, chống dịch bệnh đã giúp Hà Nội nhanh chóng truy vết, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thích ứng linh hoạt và an toàn trong điều kiện bình thường mới.