Phóng viên: Anh đến Việt Nam lần đầu tiên khi nào? Ấn tượng đầu tiên của anh ở Việt Nam như thế nào?

Peter Ryder: Tôi sinh năm 1954. Tôi không biết gì về Việt Nam mà chỉ biết ở đó có chiến tranh, và tôi thì rất phản đối chiến tranh. Sau đó tôi sang làm việc ở Tokyo (Nhật Bản). Tôi đã đến Indonesia, Singapore, Philippines, Trung Quốc… Những chuyến đi đã mở tầm mắt cho tôi, thế giới thật rộng lớn và có nhiều điều khác biệt và những con người tuyệt vời.

Một hôm tôi đang ngồi ở văn phòng ở New York, một người bạn gửi fax đến cho tôi, hỏi tôi là có 1 cơ hội mới ở Việt Nam, liệu tôi có quan tâm không.

Tôi đọc một cuốn sách của tác giả Stanley Karnow “Vietnam: A history” và thấy rất cuốn hút. Sau đó tôi gọi điện thoại cho bạn tôi, và nói: Chúng ta cùng đi tới Việt Nam thôi. Lúc đó là tháng 1/1992.

Khi mới sang Việt Nam, tôi vào TP HCM, lúc đó còn 2 tuần nữa là Tết. Mọi người hối hả mua sắm ở chợ Bến Thành. Tôi thấy rất ngạc nhiên, cuộc sống ở đây thật sôi động và phong phú.

Phóng viên: Ông đã gặp Thủy như thế nào? Khi nào thì ông biết là mình yêu Thủy và cầu hôn với cô ấy? Ông có thể chia sẻ khoảnh khắc khó quên đó không?

Peter Ryder: Trong một chuyến công tác ra Hà Nội trước Tết năm 1992, tôi có hẹn gặp làm việc với một đối tác tại khách sạn Hòa Bình. Đó là ngày đầu tiên của tôi ở Hà Nội. Tôi đến khách sạn Hòa Bình, mong gặp đối tác của mình, một người Mỹ tên là Rick, tôi từng gặp ở Hong Kong. Nhưng lại không gặp ông ấy, mà thay vào đó tôi nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, xinh đẹp nhất mà tôi từng nhìn thấy trong đời. Cô ấy đến gần tôi, nói: Ông chắc hẳn là Peter Ryder, tôi là Thủy, trợ lý của ông Rick. Rất tiếc là ông Rick không thể đến gặp ông được, nên cử tôi đến gặp ông và sẽ giới thiệu với ông những địa điểm ở Hà Nội mà ông muốn tới. Tôi lúc đó thầm nghĩ “Sao mà mình lại đen đủi thế chứ!” (cười lớn).

Trước khi chia tay, tôi đã đề nghị với Thủy, “tôi có thể chụp ảnh em được không?” Thủy nói: “Không”. Tôi hỏi “Tại sao không”. Em nói: “Hãy chụp ảnh tôi cùng các đối tác khác”. Tôi đã nháy các đối tác đứng xa xa một chút. Tôi đã chụp ảnh, và khi in thì cắt riêng một tấm hình có một mình Thủy ra. Tấm ảnh đó tôi đã treo trong phòng ở nhà tôi tại Hà Nội.

Khi đó, trời mùa đông chuyển sang mùa xuân, rất lạnh. Mọi người ở Hà Nội mà tôi thấy, đều mặc quần áo ấm màu xám, nâu, xanh, đen, rất ít màu rực rỡ. Thủy cũng vậy, cô ấy mặc quần bò xanh, áo da màu nâu, cổ quàng một cái khăn cách điệu rất đẹp, mà mái tóc thì rất dài, óng ả. Tôi rất ấn tượng với cô ấy.

Phóng viên: Lúc đó còn rất ít phụ nữ Việt Nam dám yêu và kết hôn với người nước ngoài. Anh có gặp trở ngại gì về vấn đề này không?

Peter Ryder: Thủy là một cô gái rất tuyệt vời. Cô ấy là một phụ nữ rất truyền thống. Bố cô ấy là đảng viên, và luôn tự hào với truyền thống cách mạng của gia đình.

Tôi đã gặp gia đình Thủy vài lần, và tôi nghĩ là họ cũng quý tôi. Lúc đó là những năm 1992-1994, khá khó khăn cho mối quan hệ của chúng tôi. Muốn chinh phục một cô gái như Thủy phải rất kiên trì và kiên nhẫn. Và tôi thì không phải là người dễ bỏ cuộc.

Tôi đã cầu hôn cô ấy sau 1 năm rưỡi làm quen và yêu cô ấy.

Không phải cách như trên phim ảnh là tôi quỳ xuống và nói “Em có nhận lời làm vợ tôi không?”. Khi tôi hỏi “Chúng mình lấy nhau đi!”. Thật ngạc nhiên với tôi là cô ấy trả lời luôn: “Vâng”. Tôi nói: “Khi nào?”, cô ấy nói: “Không biết”. (cười lớn).

Sau đó, chỉ một vài tuần trước tết năm 1994, tôi đến thăm nhà Thủy, đem theo đồ “sính lễ”, gồm hoa, trà, xôi…, theo phong tục của người Việt Nam khi đi dạm ngõ. Tôi định mời một người bạn tên Hải đi cùng để phiên dịch, nhưng Thủy nói “Đừng, để tự em làm phiên dịch”. Tôi nghĩ: À ha, cô gái thông minh. Cô ấy sẽ biết cách dịch những gì phù hợp.

Tôi nói với cha mẹ cô ấy là tôi yêu cô ấy, cô ấy rất có ý nghĩa với cuộc đời tôi, và tôi muốn lấy cô ấy làm vợ. Cha cô ấy đã ôm lấy tôi và gọi tôi là “con”. Khoảnh khắc đó thật tuyệt vời, và tôi thấy vô cùng ấm áp.

Tuy nhiên, sáng hôm sau, cô ấy gọi điện thoại cho tôi, khóc trong điện thoại “Cậu Hiến, cậu Hiến…”. Tôi ngạc nhiên: “Sao? Ai là cậu Hiến?”. Sau đó tôi mới biết, cậu Hiến là em trai của mẹ Thủy và là trai trưởng bên nhà ngoại, nên tiếng nói rất có trọng lượng. Ông ấy phản đối cuộc hôn nhân của Thủy lấy một người nước ngoài. Ông ấy nói “Không!”, với giọng điệu “nếu muốn thì bước qua xác tôi”…

Sau đó, Thủy làm cơm, mời tôi và một số người bạn đến ăn cơm. Trong số bạn bè có người làm ở chính quyền Hà Nội. Chúng tôi ngồi uống rượu với nhau, trò chuyện, và nhờ người bạn làm việc ở chính quyền Hà Nội cùng nói chuyện, từ đó mà cậu Hiến dần dần đã hiểu con người tôi và chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi.

Phóng viên: Được biết khi ông tổ chức hôn lễ, gia đình Thủy đã yêu cầu ông thực hiện theo nghi lễ đám cưới truyền thống của Việt Nam. Ông thấy nghi lễ đó phức tạp hay thú vị?

Peter Ryder: Đám cưới của chúng tôi được tổ chức theo cách thức truyền thống, nhưng có thêm một số thủ tục do hôn nhân có yếu tố người nước ngoài. Trước khi nghi lễ đám cưới truyền thống diễn ra, chúng tôi đã đi đăng ký kết hôn ở UBND thành phố Hà Nội.

Tôi còn nhớ, sáng hôm đó có 9 cặp đôi người Việt và người nước ngoài được làm thủ tục đăng ký kết hôn tại phòng Tư pháp của UBND Hà Nội.

Sau đó buổi chiều ở gia đình Thủy đã diễn ra đám ăn hỏi. Cha mẹ tôi từ Mỹ sang Việt Nam, gặp gia đình Thủy. Chúng tôi đem các lễ vật theo phong tục của người Việt, như trà, rượu, xôi.v.v…

Tôi rất thích cách thức của đám cưới truyền thống của Việt Nam. Tôi cảm thấy ấn tượng và thích thú, tôi cũng cảm thấy thoải mái, chứ không thấy phức tạp gì.

Phóng viên: Hôn nhân của ông đã được gần 27 năm, sự khác biệt văn hóa giữa vợ Việt, chồng Mỹ có thành vấn đề gì với cuộc hôn nhân đó không?

Peter Ryder:Tôi không nghĩ sự khác biệt văn hóa là vấn đề đối với hôn nhân. Văn hóa là thứ gì đó rất sâu thẳm bên trong, nó ăn vào máu, vào tâm thức. Tôi đã đi du lịch từ năm 19 tuổi nên tôi cũng dễ thích nghi với sự khác biệt.

Khi 2 người từ 2 nền văn hóa rất khác biệt, chẳng hạn như từ Việt Nam và từ Mỹ, kết hôn với nhau, họ có thể dễ những hiểu nhầm nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là họ xung khắc với nhau. Thủy nói tiếng Anh rất giỏi, còn tiếng Việt của tôi thì không tốt lắm. Nhưng đôi khi Thủy nói tiếng Anh theo lối tư duy từ góc độ văn hóa của người Việt, vì thế cũng có thể gây hiểu lầm. Trong những năm đầu của cuộc hôn nhân, chúng tôi thi thoảng cũng cãi nhau do những hiểu lầm do sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng cùng với thời gian, chúng tôi hiểu nhau hơn, và những sự hiểu lầm ngày càng ít đi, đó là sự cố gắng từ cả hai phía, không được phản ứng thái quá với những hiểu lầm như vậy.

Cũng từ những hiểu nhầm mà tôi lại phải nhìn lại văn hóa của mình, và hiểu rõ hơn văn hóa của mình.

Phóng viên: Ông là người Mỹ sang Việt Nam và lấy vợ người Việt, sống và làm việc ở Việt Nam, cũng trong thời gian mà mối quan hệ Việt- Mỹ cũng có những chuyển biến sâu sắc. Điều này có ý nghĩa thế nào với cuộc sống của bản thân ông?

Peter Ryder: Tôi thực sự nghĩ rằng, cuộc hôn nhân của Thủy và tôi có ý nghĩa tích cực, nếu xét từ góc độ quan hệ Việt-Mỹ. Không chỉ có chúng tôi, mà những cặp đôi Việt-Mỹ khác cũng vậy.

Chẳng hạn như chúng tôi có hai con trai là Luke và Max, mang hai dòng máu Việt-Mỹ. Đối với tôi, đó là cách mà thế giới “xích lại gần nhau”. Mọi người có thể sống chung với nhau. Mỗi người chỉ là một dấu chấm, nhưng càng có nhiều dấu chấm tồn tại cùng nhau thì càng tốt hơn cho mối quan hệ của hai nước.

Gia đình của chúng tôi có 2 người con, Luke và Max, đều nói giỏi tiếng Việt, tiếng Anh và rất hiểu văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ điều này rất tốt cho thế giới, tốt cho quan hệ Việt-Mỹ.

Tôi rất vui mừng rằng, Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ tốt đẹp, mối quan hệ rất đặc biệt trong những năm qua. Mối quan hệ tốt đẹp đó tốt cho Việt Nam và tốt cho cả Mỹ. Tôi nghĩ là hôn nhân của chúng tôi, góp phần nhỏ bé vun đắp cho mối quan hệ ấy.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam là một nơi rất đáng để sống, làm việc, có những con người xuất sắc để làm việc cùng và chia sẻ cùng.

Phóng viên: Mỹ đang ở giai đoạn chuyển giao quyền lực. Ông nghĩ quan điểm của chính quyền mới đối với mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ như thế nào?

Peter Ryder: Tôi thực sự nghĩ rằng Chính quyền Biden sẽ đem đến những chuẩn mực trong quan hệ quốc tế. Cá nhân ông Biden là một người giàu lòng vị tha, tôn trọng mọi người. Cũng giống như chính quyền Obama, ông Biden sẽ thấu hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ. Ý nghĩa của mối quan hệ Việt- Mỹ từ góc độ thương mại, an ninh quốc phòng và giữ gìn an toàn ổn định ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Ông Biden đã sẵn sàng chọn lựa một nội các bao gồm những người tài năng và giàu kinh nghiệm. Những người trong nội các này cũng rất thấu hiểu Việt Nam và châu Á . Tôi nghĩ rằng, Chính quyền Biden cũng sẽ thực thi rất tốt công việc, biết cách cân bằng mối quan hệ và tiếp tục ủng hộ Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!/.


Thứ Năm, 12:27, 31/12/2020