Xung đột Nga - Ukraine: Phép thử hay thời cơ với chính sách trung lập của Ấn Độ?

VOV.VN - Lịch trình bận rộn đón tiếp các nhà ngoại giao và những cố vấn an ninh quốc tế trong thời điểm này là điều chưa từng có ở Ấn Độ. Việc này đã nói lên vai trò và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ đối với các vấn đề quốc tế.

Vai trò và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ

Trong hơn 2 tuần qua, chính quyền Ấn Độ đã và đang tất bật thu xếp các cuộc gặp gỡ, thăm viếng, làm việc của nhiều nhà lãnh đạo và quan chức trên khắp thế giới tại thủ đô New Delhi. Nội dung chính các cuộc bàn thảo này ngoài các vấn đề hợp tác song phương giữa Ấn Độ với các nước, hợp tác đa phương tại khu vực, dư luận chú ý nhiều tới chủ đề cuộc chiến tại Ukraine và quan điểm, động thái của Ấn Độ liên quan tới cuộc khủng hoảng này.

Những hoạt động đối ngoại dồn dập những ngày qua khiến New Delhi như đang trở thành mặt trận ngoại giao mới của thế giới. Mới tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Australia Scott Morrison. Sau đó ít ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có mặt tại New Delhi để tìm cách “làm ấm” lại mối quan hệ song phương. Dự kiến, trong tuần này, các hoạt động đối ngoại của Ấn Độ sẽ còn dày hơn. Ấn Độ vừa đón Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Chính trị Victoria Nuland, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Đức Jens Plötner, và đang chuẩn bị tiếp Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh, Ngoại trưởng Anh Liz Truss, và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Điểm chung của các chuyến viếng thăm dồn dập vào thời điểm này là gì? Đó là bàn chuyện xử lý vấn đề Ukraine với sự hợp tác của Ấn Độ. Các nước phương Tây trông đợi Ấn Độ hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì hành động quân sự ở Ukraine, hay ít nhất là việc bỏ phiếu ủng hộ tại Liên Hợp Quốc để lên án Nga. Phương Tây muốn Ấn Độ hạn chế các giao dịch thương mại và quân sự với Nga để bao vây triệt để nước này.

Trong khi đó, việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chọn Ấn Độ là điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine rất đáng chú ý. Ông Lavrov dự kiến sẽ thông báo cho phía Ấn Độ về tình hình chiến trường, tiến triển của các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine. Hai bên sẽ tập trung thảo luận đề nghị của Nga bán dầu với giá ưu đãi cho Ấn Độ. Phía Ấn Độ đang tỏ thái độ rất hào hứng với đề xuất này. Bên cạnh đó, trong dịp này, một nhóm công tác của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ có mặt tại New Delhi để thảo luận với phía Ấn Độ về cơ chế thanh toán giữa 2 ngân hàng trung ương, việc hoán đổi giữa đồng ruble và đồng rupee để tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Điều này có nghĩa, Nga đang trông đợi Ấn Độ thúc đẩy việc mua dầu mỏ, thiết bị vũ khí của Nga.

Nhân tố không thể thiếu trong cuộc chơi lớn

Nga là đối tác đặc biệt quan trọng với Ấn Độ, trong khi Ấn Độ và Mỹ cũng duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược và đều là thành viên của liên minh Bộ tứ Quad.

Đây là một tình thế khá thú vị với Ấn Độ, cường quốc đang nổi lên ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong bối cảnh mà thế giới liên tiếp đang có những biến động dữ dội. Việc cả Nga và phương Tây cùng dồn dập tiếp cận Ấn Độ đặt ra nhiều áp lực về ngoại giao cho nước này. Nhưng đây có thể nói là thứ áp lực dễ chịu với quốc gia Nam Á. Bởi nếu nhìn vào “bàn cờ chiến lược” của thế giới vào lúc này, chắc chắn chúng ta sẽ thấy Ấn Độ đang “có giá” hơn nhiều khi mà thế giới bị phân chia và hỗn loạn cực điểm.

Trước hết, cần nhìn nhận các “cực” của thế giới đang cần Ấn Độ hơn bao giờ hết bởi sức hút rất tự nhiên của quốc gia này. Nhóm Đối thoại An ninh 4 bên (còn gọi là Quad) đã nhận ra vai trò địa chính trị của nước này, tiềm lực và tham vọng của Ấn Độ sẽ còn tăng trưởng hơn nữa, và có thể trở thành một trụ cột quan trọng cho không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ở tương lai. Một Ấn Độ mạnh cũng giúp cân bằng ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc tại khu vực. Bởi vậy, phương Tây rõ ràng đang cần Ấn Độ tham gia vào cuộc chơi lớn lúc này hơn bao giờ hết.

Quan điểm trung lập của Ấn Độ trong vấn đề Ukraine khiến phương Tây khó xử bởi họ cũng muốn lôi kéo nước này tham gia cuộc tổng công kích hướng vào Nga. Nhưng họ cũng thấy lợi ích của Ấn Độ trong mối quan hệ với Nga là rõ ràng và khó có thể chấm dứt chỉ trong ngắn hạn. Điều đó khiến phương Tây không thể thúc ép Ấn Độ quá nhiều. Chính vì thế, Thủ tướng Australia Morrison cho biết Quad chấp nhận quan điểm trung lập của Ấn Độ trong vấn đề Ukraine. Trong bối cảnh Ấn Độ đang trong thế giằng kéo giữa hai bên, nước này giờ đây có nhiều lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán, trong các mối quan hệ chiến lược và trong các tính toán lợi ích của chính mình.

Cân bằng các mối quan hệ và bảo vệ lợi ích quốc gia

Trong suốt lịch sử 75 năm lập quốc của mình, Ấn Độ luôn duy trì quan điểm trung lập nhất quán trong quan hệ đối ngoại. Điều này tạo nên bản sắc của đất nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện tại, chiến lược này của Ấn Độ đang dần thích ứng và biến đổi sao cho phù hợp nhất với bối cảnh đương đại, trong từng mối quan hệ và vì lợi ích chiến lược của New Delhi.

Ví dụ như việc Ấn Độ tham gia Quad khiến không ít ý kiến cho rằng nước này đang từ bỏ chính sách trung lập, không tham gia các liên minh như trong quá khứ. Tuy nhiên, việc tương tác với “các nền dân chủ” và “những quốc gia đồng chí hướng” đang giúp Ấn Độ tận dụng được nhiều nguồn lực và cả vị thế để bồi đắp cho chính bản thân mình.

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ truyền thống với Nga để tận dụng việc hợp tác quốc phòng và mua bán vũ khí. Dĩ nhiên, đây là một quá trình chuyển đổi cẩn trọng và có tính toán để không ảnh hưởng tới các mối quan hệ. Điểm cốt lõi của mỗi lần “xoay trục” này chính là việc Ấn Độ đặt lợi ích quốc gia ở vị trí hàng đầu. Đó cũng chính là cách mà New Delhi đang xử lý vấn đề Ukraine trong mối quan hệ với thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga và Ukraine đưa ra quan điểm trái chiều về kết quả đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ
Nga và Ukraine đưa ra quan điểm trái chiều về kết quả đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ

VOV.VN - Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 30/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một bước tiến quan trọng, đó là việc Kiev từ bỏ Crimea và Donbass.

Nga và Ukraine đưa ra quan điểm trái chiều về kết quả đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ

Nga và Ukraine đưa ra quan điểm trái chiều về kết quả đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ

VOV.VN - Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 30/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một bước tiến quan trọng, đó là việc Kiev từ bỏ Crimea và Donbass.

Hé lộ nguyên nhân sâu xa Trung Quốc khó bỏ rơi Nga trong khủng hoảng Ukraine
Hé lộ nguyên nhân sâu xa Trung Quốc khó bỏ rơi Nga trong khủng hoảng Ukraine

VOV.VN - Giới chức Trung Quốc đang đối diện với các áp lực lớn về đối ngoại khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ khó bỏ rơi đồng minh địa chính trị Nga trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Hé lộ nguyên nhân sâu xa Trung Quốc khó bỏ rơi Nga trong khủng hoảng Ukraine

Hé lộ nguyên nhân sâu xa Trung Quốc khó bỏ rơi Nga trong khủng hoảng Ukraine

VOV.VN - Giới chức Trung Quốc đang đối diện với các áp lực lớn về đối ngoại khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ khó bỏ rơi đồng minh địa chính trị Nga trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Nga và Ukraine nối lại các cuộc đàm phán trực tuyến
Nga và Ukraine nối lại các cuộc đàm phán trực tuyến

VOV.VN - Nga và Ukraine sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tuyến vào ngày 1/4 sau khi vòng đàm phán mới nhất kết thúc tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/3.

Nga và Ukraine nối lại các cuộc đàm phán trực tuyến

Nga và Ukraine nối lại các cuộc đàm phán trực tuyến

VOV.VN - Nga và Ukraine sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tuyến vào ngày 1/4 sau khi vòng đàm phán mới nhất kết thúc tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/3.