ĐT Oman - đối thủ của ĐT Việt Nam mạnh cỡ nào?
VOV.VN - Oman gây ấn tượng mạnh khi đánh bại Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, đồng thời gây rất nhiều khó khăn cho Saudi Arabia và Australia.
23h tối nay (12/10), ĐT Việt Nam sẽ đối đầu với ĐT Oman trên sân khách trong lượt trận thứ 4 bảng B vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Đây là trận đấu mà thầy trò HLV Park Hang Seo được dự đoán gặp nhiều khó khăn, khi Oman có lợi thế sân nhà, đồng thời chơi rất tốt ở vòng loại thứ 3. Ấn tượng hơn cả, Oman đã thắng Nhật Bản ngay trên sân nhà của đội bóng này. Vậy Oman có gì đặc biệt và ĐT Việt Nam cần lưu ý những gì?
Oman có thứ hạng 78 thế giới theo bảng xếp hạng FIFA tháng 9/2021, hơn ĐT Việt Nam 17 bậc. Oman đang được dẫn dắt bởi HLV Branko Ivankovic. Sơ đồ chiến thuật sở trường của nhà cầm quân này là 4-3-1-2. Ở 3 trận đấu đã qua tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, Oman đều áp dụng sơ đồ chiến thuật này.
Với 3 tiền vệ chơi lùi và dăng ngang trước bộ tứ vệ, 1 tiền vệ kiến thiết và 2 tiền đạo, Oman rất thành công với lối chơi phòng ngự phản công. Đội bóng này thường chơi bóng dài để tận dụng tốc độ của các tiền vệ biên và tiền đạo.
Thống kê cho thấy, Oman sử dụng 58 đường chuyền dài ở trận đấu với Nhật Bản, 59 đường chuyền ở trận gặp Saudi Arabiba và con số này lên tới 64 ở trận gặp Australia. Do thường xuyên đá bóng dài nên tỉ lệ chuyền bóng thành công của Oman khá thấp và lần lượt là 63, 69 và 76%.
Ngoài việc đá bóng dài, Oman cũng thường xuyên sử dụng những quả tạt bóng để tận dụng khả năng không chiến của các tiền đạo. Theo thống kê, Oman thực hiện tới 48 pha tạt bóng ở 3 trận đấu kể trên.
Về chiến thuật và lối chơi, có thể thấy Oman khá tương đồng với ĐT Việt Nam. Cả Oman và Việt Nam đều chơi cửa dưới, không ưu tiên kiểm soát bóng, chờ đối thủ mắc sai lầm để tung ra những đường phản công để trừng phạt.
Tuy nhiên, nhờ thể hình, thể lực và sở hữu nhiều cầu tốc độ nên những đợt phản công của Oman có tính đột biến và gây rất nhiều khó khăn cho các đối thủ. Đây là điều mà các hậu vệ của ĐT Việt Nam cần lưu ý.
Thống kê cho thấy, dù chơi phòng ngự phản công, nhưng 3 trận đấu với các đối thủ hàng đầu châu lục, Oman tung tới 33 cú sút cầu môn (trung bình 11 cú sút/trận), số cú sút trúng đích ở 3 trận đấu này là 13 và ghi được 2 bàn thắng.
Trong đội hình của Oman có 4 cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài là thủ môn Faiyz Al-Rusheidi, trung vệ Mohammed Al-Maslami và 2 tiền vệ chạy cánh Zahir Al-Aghbari và Jameel Al Yahmadi. Những cầu thủ này chơi bóng ở Iran và Qatar.
Trong số 4 gương mặt kể trên, thủ thành kỳ cựu có 53 lần khoác áo ĐTQG là Faiyz Al-Rusheidi (số 18) và Zahir Al-Aghbari (số 8 - có 8 lần khoác áo ĐTQG) được HLV Branko Ivankovic tin dùng ở 3 trận đấu nêu trên và đều thi đấu rất xuất sắc. Tuy nhiên, ở trận đấu với ĐT Việt Nam, Zahir Al-Aghbari (số 8) người thi đấu rộng, khả năng sút xa rất tốt này gặp chấn thương nên để ngỏ khả năng ra sân.
Ngoài ra, Oman còn có những cầu thủ chơi rất ấn tượng khác như bộ đôi hậu vệ Amjad Al Harthi (số 14) và Ali Al Busaidi (số 17) có khả năng lên công về thủ rất tốt. Bên cạnh đó, ĐT Việt Nam cũng cần lưu ý cầu thủ số 7 - Khalid Al Hajri và số 9 - Abdul Aziz Al-Muqbali. Nếu như Khalid Al Hajri ghi được 14 bàn thắng/27 trận cho Oman thì Abdul Aziz Al-Muqbali đã có 29 bàn/86 trận.
Nhìn chung lối chơi của Oman mang đặc trưng của những đội bóng Tây Á. Họ thi đấu dựa nhiều vào thể lực và tốc độ. Trong quá khứ, thầy trò HLV Park Hang Seo nhiều lần gặp các đại diện Tây Á và giành được kết quả khả quan. Do đó, người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thể đặt niềm tin vào thầy trò HLV Park trong việc giành ít nhất 1 điểm ở trận đấu này./.