ĐT Trung Quốc không có “nhiều bài” để đối phó với ĐT Việt Nam?
VOV.VN - Hàng công và hàng thủ của ĐT Trung Quốc đều bộc lộ những điểm yếu sau 2 trận đấu đã qua ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á nên HLV Li Tie đang chịu áp lực lớn ở trận đấu với ĐT Việt Nam.
0h ngày 8/10, ĐT Trung Quốc với ĐT Việt Nam sẽ có màn so tài tại lượt trận thứ 3 vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Sau 2 trận đấu đầu tiên đều nhận thất bại thì cả ĐT Trung Quốc và ĐT Việt Nam đều muốn giành chiến thắng ở trận đấu này.
Áp lực dành cho ĐT Trung Quốc là lớn hơn, khi đội bóng của HLV Li Tie dù sở hữu những cầu thủ nhập tịch, ở nhóm hạt giống cao hơn ĐT Việt Nam cũng như ĐT Oman, nhưng lại đang đứng cuối bảng B.
Trong đội hình của ĐT Trung Quốc, HLV Li Tie có 3 cầu thủ nhập tịch đáng chú ý là Elkeson, Aloisio và Alan. Trong số này, tiền đạo Elkeson là người được HLV Li Tie tin dùng nhất ở 2 trận đấu đã qua của ĐT Trung Quốc. Tuy nhiên, cầu thủ này chưa ghi được bàn thắng cũng như có đường kiến tạo nào.
Trong khi đó, Aloisio và Alan được vào sân từ băng ghế dự bị, nhưng cũng chưa để lại nhiều dấu ấn về chuyên môn. Họ chưa thể kết nối tốt nhất với các cầu thủ bản địa trong đội hình của ĐT Trung Quốc. Theo thống kê của Sofascore, ĐT Trung Quốc tung được 10 cú dứt điểm ở 2 trận đấu với ĐT Australia với ĐT Nhật Bản, nhưng không có cú sút nào trúng đích.
Nếu so sánh với ĐT Việt Nam thì hàng công của ĐT Trung Quốc gây thất vọng quá lớn. Bởi ở 2 trận đấu đầu tiên, ĐT Việt Nam đã có 14 cú dứt điểm trước 2 đội bóng mạnh là Saudi Arabia và Australia, 3 trong số đó đi trúng đích và có 1 bàn thắng.
Mặc dù hàng công của ĐT Trung Quốc thể hiện sự yếu kém sau 2 trận đấu đầu tiên, nhưng HLV Li Tie không có quá nhiều sự lựa chọn để thay thế. Ông và các học trò của mình đã ở nước ngoài rèn quân hơn 40 ngày qua, mượn sân của UAE và Qatar trước đó để tập luyện và thi đấu.
Khó khăn trong việc bổ sung nhân tố mới nên nhiều khả năng HLV Li Tie sẽ không có “bài mới” mà tiếp tục vận hành ĐT Trung Quốc theo sơ đồ 4-5-1 như 2 trận đấu đã qua. Theo một số tờ báo Trung Quốc, sơ đồ 4-4-2 cũng là phương án mà nhà cầm quân sinh năm 1977 có thể sử dụng.
Tuy nhiên, dù sử dụng sơ đồ 4-5-1 hay 4-4-2 thì bộ khung và cách tiếp cận trận đấu, cách chơi của ĐT Trung Quốc được dự đoán không có nhiều sự thay đổi. Nhiều khả năng ĐT Trung Quốc vẫn sử dụng bóng dài, bóng bổng là vũ khí để đối đầu với ĐT Việt Nam.
Thống kê của Sofascore cho thấy, ĐT Trung Quốc đã sử dụng tới 130 đường chuyền dài và 15 đường nhồi bóng bổng, nhưng đều chưa mang lại hiệu quả. Bởi hàng thủ của Australia và Nhật Bản có chiều cao tốt và hóa giải thành công.
Số liệu thống kê cho thấy, chiều cao trung bình của ĐT Trung Quốc xấp xỉ 1,82m, trong khi ĐT Việt Nam là 1,76m nên bóng bổng là phương án khả thi nhất để đoàn quân của HLV Li Tie tiếp cận khung thành của Bùi Tấn Trường, nhất là khi các mũi tấn công của họ không phải là những người có kỹ thuật tốt, xoay sở hay trong phạm vi hẹp. Mặc dù vậy, sự hiệu quả của phương án này vẫn là dấu hỏi, bởi ĐT Việt Nam dù có chiều cao khiêm tốn, nhưng chơi phòng ngự bóng bổng khá tốt.
Ở trận đấu với ĐT Australia, đội bóng có chiều cao trung bình tốt hơn cả ĐT Trung Quốc, dù bị đối phương có 17 lần tạt bóng, nhưng Quế Ngọc Hải và các đồng đội đã chơi hay. Việc khóa chặt hai biên không cho các mũi tấn công của đối phương xuống sát đáy biên khiến những cú tạt bóng của đối phương thiếu đi sự hiệu quả. Hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam chỉ bị đánh bại bởi một quả tạt xuất thần và chịu bàn thua duy nhất ở phút 43.
Xét về chuyên môn, ĐT Trung Quốc bị đánh giá thấp hơn ĐT Australia. Sự linh hoạt trong cách chơi, tổ chức tấn công cũng không được đánh giá cao bằng đội bóng của HLV Graham Arnold. Tất nhiên, bóng đá không phải là những phép tính cộng trừ và càng không có tính chất bắc cầu. Tuy nhiên, nếu như hàng công của ĐT Trung Quốc vẫn chơi nhạt nhòa và hàng thủ chơi tệ như 2 trận đấu đã qua, đội bóng này có thể bị áp lực từ truyền thông, dư luận nước nhà cũng như sự nhanh nhẹn, sắc bén của ĐT Việt Nam trừng phạt./.