Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP cũng quy định về việc đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên dựa trên sự rà soát, xác định nhu cầu đào tạo từ địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị tuyển sinh đại học 2023 diễn ra mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, nhờ chính sách hỗ trợ trong Nghị định số 116, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên trình độ đại học xếp ở vị trí thứ 7 trong nhóm 10 lĩnh vực đào tạo có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất.

PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi triển khai NĐ 116, một số địa phương cũng đã đặt hàng nhà trường đào tạo trên hệ thống thông tin của Bộ GD-ĐT. Trong đó tỉnh Tuyên Quang đặt hàng cử nhân sư phạm tiếng Anh, Hải Phòng đặt hàng cử nhân sư phạm tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Tuy nhiên, việc đặt hàng trên cổng thông tin chỉ cho thấy các địa phương có nhu cầu với những ngành này, nhưng không chắc chắn có đặt hàng hay không.

“Đến khi nhà trường liên hệ lại với các địa phương để xác nhận lại, thì họ cũng không xác nhận một cách chắc chắn. Nhà trường đã gửi thông tin đi các địa phương, nhưng sau 2 năm triển khai NĐ 116, đến giờ vẫn chưa có đơn đặt hàng chính thức nào.

Sau khi sinh viên nhập học, nhà trường vẫn giới thiệu về chính sách theo NĐ 116 để các em hiểu. Nhiều phụ huynh và sinh viên vẫn đang nghĩ cứ vào sư phạm sẽ được miễn học phí và cấp chi phi sinh hoạt, tuy nhiên nguồn kinh phí này còn phụ thuộc vào đặt hàng của các địa phương, các trường cũng rất khó triển khai trong thực tiễn.

Về học phí đương nhiên các em không phải đóng do Nhà nước sẽ cấp bù cho nhà trường. Riêng phần chi phí sinh hoạt sẽ phụ thuộc vào đơn đặt hàng của địa phương. Nếu địa phương không đặt hàng, ĐH Ngoại ngữ lại phải làm công văn đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất cấp ngân sách cho sinh viên. Năm 2022, ĐH Ngoại ngữ mới chi trả được 50% chi phí sinh hoạt của khóa tuyển sinh năm 2021. Hiện nhà trường đã đề nghị ĐH Quốc gia để được cấp nốt kinh phí còn lại của khóa 2021 và 2022”, PGS.TS Hà Lê Kim Anh cho biết.

Theo Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ, việc triển khai NĐ 116 còn nhiều vướng mắc do hầu hết các địa phương đều có các đại học vùng, cao đẳng sư phạm. Do đó địa phương có xu hướng đầu tư trực tiếp vào nhóm trường này để đào tạo giáo viên cho vùng, việc đặt hàng các trường khác để đào tạo là rất ít, thậm chí không có.

Đánh giá NĐ 116 là một chính sách có tính ưu việt, nhân văn, đầu tư cho nguồn giáo viên tương lai, tuy nhiên PGS.TS Hà Lê Kim Anh cũng nhận định, chính các địa phương cũng đang rất dè dặt vì không biết có thể tuyển được những sinh viên đã đặt hàng sau khi tốt nghiệp hay không.

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM chiều 17/3, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM Cao Anh Tuấn cũng cho biết, Trường tuyển sinh và đào tạo theo chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao dựa trên nhu cầu dự báo của các địa phương. Do đó, sau khi thí sinh trúng tuyển, phân ngành và xét địa phương, nhà trường đều có liên hệ địa phương để hỏi nhu cầu đặt hàng đào tạo. Tuy nhiên, phản hồi từ các địa phương là rất ít.

Lý giải nguyên nhân các địa phương không mặn mà đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái cho biết, theo Nghị định này, địa phương sẽ rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên theo từng trình độ, cấp học. Trên cơ sở đó, xác định chỉ tiêu để giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc tỉnh hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên vẫn phải theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên những sinh viên này cũng trải qua kỳ thi tuyển như ứng viên khác. Khi thi tuyển, có thể các em không trúng tuyển.

Như vậy nếu sau khi tốt nghiệp, nếu thi tuyển không đỗ, những giáo sinh này sẽ về đâu?

 “Họ không phải không muốn làm việc trong ngành sư phạm mà do thi không đỗ, vậy họ có phải trả lại chi phí đào tạo cho Nhà nước hay không? Sự thiếu nhất quán giữa việc đặt hàng với tuyển dụng là một trong những lý do khiến tỉnh Quảng Ngãi chưa tính đến phương án đặt hàng đào tạo giáo viên”, ông Thái nói.

Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho rằng, Nghị định 116 là chính sách tốt, giúp đào tạo được đội ngũ giáo viên ra nghề đáp ứng nhu cầu của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các địa phương miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Song khi triển khai thực tế, địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn khi sinh viên tốt nghiệp mà không làm việc trong các cơ sở giáo dục. Khi đó, địa phương sẽ phải đòi lại khoản tiền hỗ trợ.

Bên cạnh đó, dù địa phương đã đặt hàng các trường đào tạo theo Nghị định 116, nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn phải thi tuyển bình thường theo quy định của Nghị định 115 và Thông tư 06 của Bộ Nội vụ. Như vậy nếu quy trình tuyển dụng này anh không trúng tuyển vào được các cơ sở giáo dục thì số tiền đã nhận vẫn phải trả lại”, ông Hùng băn khoăn.

Từ những vướng mắc trên, ông Đinh Mạnh Hùng kiến nghị, Nhà nước nên xem xét rót tiền vốn hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thông qua hệ thống các ngân hàng chính sách. Ngân hàng cấp tiền hỗ trợ cho sinh viên dưới dạng khoản vay. Trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp theo đúng quy định trong Nghị định 116, nếu sinh viên đáp ứng yêu cầu, làm việc trong ngành giáo dục thì khoản vay trên sẽ được tự động xóa. Trường hợp sinh viên không đáp ứng yêu cầu, ngân hàng sẽ thu hồi khoản vay đã cấp.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cách làm này sẽ giúp đơn giản hóa, minh bạch chính sách hỗ trợ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho sinh viên cũng như giảm áp lực cho các địa phương.

Còn theo TS Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt mang lại sự thu hút nguồn thí sinh tham gia thi tuyển các ngành đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều vấn đề phát sinh cần thay đổi như việc cấp sinh hoạt phí cần gắn kết với kết quả học tập ở từng học kì để giúp sinh viên có trách nhiệm trong quá trình học tập. Bên cạnh đó cũng cần có thông tư hướng dẫn liên tịch của các Bộ, ngành có liên quan về cơ chế tài chính, trong đó cần xác lập quy trình bồi hoàn theo quy định cũng như làm rõ cơ chế đặt hàng của địa phương với quy định tuyển dụng viên chức theo nghị định 115.

Trong khi đó, PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ lại đề xuất chính sách hỗ trợ ngân sách nên dành trực tiếp cho những giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, như nâng mức hỗ trợ, nâng lương cho giáo viên. Việc thu hút sinh viên vào ngành sư phạm sẽ thông qua việc đảm bảo đầu ra tốt sau khi tốt nghiệp: “Hiện nay không ít sinh viên sư phạm ra trường muốn vào biến chế nhưng rất khó khăn. Như vậy muốn thu hút được người giỏi vào ngành, trước hết nên thắt chặt đầu vào, nhưng cần đảm bảo đầu ra tốt, sinh viên có việc làm và hưởng chính sách đãi ngộ tốt”.

Thời gian tới, để Nghị định 116/2020/NĐ-CP hiệu quả, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần chỉ rõ sinh viên đi học hưởng chế độ từ Nghị định 116/2020/NĐ-CP sẽ được sắp xếp việc làm, trong đó cũng quy định rõ cam kết của địa phương về việc tuyển dụng, bảo đảm biên chế cho giáo viên được đặt hàng đào tạo. Về phía người học cũng phải chịu ràng buộc, nếu người học đăng ký theo địa phương thì phải về địa phương cống hiến./.

Tác giả: Nguyễn Trang | Thiết kế: Huệ Hương

Thứ Tư, 06:00, 05/04/2023