Học sinh lớp 12 tăng tốc giai đoạn nước rút

VOV.VN - Các em học sinh lớp 12 đang tăng tốc giai đoạn nước rút vì chỉ còn khoảng 3 tháng để các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Phân bổ thời gian hợp lý, giảm áp lực

Với những học sinh (HS) lớp 12, việc nghỉ học dài ngày khiến các em thực sự lo lắng, kế hoạch học tập bị ảnh hưởng. Hơn nữa, trong bối cảnh thi cử liên tục thay đổi, những áp lực ngày càng gia tăng. Em Nguyễn Văn Tuấn, Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) cho biết, em có nguyện vọng thi vào đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, là những trường có mức điểm trúng tuyển hằng năm cao top đầu cả nước.

Chỉ còn khoảng 3 tháng để các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. 

“Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là kỳ thi nhưng đến thời điểm này còn rất nhiều phần kiến thức em chưa chắc chắn. Vì thế, song song với việc học thêm những kiến thức mới, em tập trung ôn lại những kiến thức đã học, học đến đâu chắc đến đó. Em cố gắng phân bổ thời gian hợp lý các môn học để tránh bị mệt mỏi, áp lực…”, em Tuấn chia sẻ.

Không sa đà vào các buổi luyện thi online, em Thu Lan, THPT Cổ Loa (Hà Nội) lại dành nhiều thời gian hơn cho việc tự học tại nhà. Lan cho rằng, trong giai đoạn nước rút, việc tự học và lên kế hoạch học tập là quan trọng nhất. Với những kiến thức chưa hiểu, em không ngần ngại hỏi lại thầy cô để được giải đáp ngay.

Theo cô Đào Thùy Dương, tổ phó chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Cổ Loa (Hà Nội), sau một thời gian dài nghỉ học do dịch Covid-19 khi trở lại trường HS lớp 12 cũng như phụ huynh khá lo lắng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sắp tới.

Với môn tiếng Anh, sau khi xem phần tinh giản của Bộ thấy rằng, những kỹ năng nghe và nói chưa cần thiết nên giáo viên chỉ tập trung ôn tập phần ngữ pháp, từ vựng cho HS để phục vụ kỳ thi sắp tới. Bộ đã công bố đề thi minh họa nên giáo viên sẽ rà soát lại kiến thức trọng tâm để hệ thống lại bộ câu hỏi, sau đó cung cấp cho HS lớp 12.

Hiện Trường THPT Cổ Loa đã xây dựng riêng một ngân hàng câu hỏi của các môn học, nhờ đó thầy và trò có tài liệu ôn tập phù hợp. Thời điểm này quan trọng nhất là sự nỗ lực của HS và giáo viên.

“Mọi năm thi học kỳ 2 là đề thi chung toàn trường nhưng do đặc thù của năm nay nên trường có chủ trương để giáo viên của mỗi lớp tự ra đề thì phù hợp với HS của mình, vì thầy cô là người hiểu trình độ HS của mình nhất. Dự kiến đầu tháng 6, trường sẽ tiến hành kiểm tra học kỳ 2, ngay sau đó sẽ chuyển sang tập trung cho việc ôn thi tốt nghiệp...”, cô Dương cho biết.

Còn theo thầy Lê Văn Chung, Hiệu trưởng THPT Cổ Loa, khối lớp 12 của trường hiện nay có 500 HS. Các thầy cô căn cứ tình hình thực tế, chương trình tinh giản để lập kế hoạch dạy học và ôn tập cho các HS lớp 12. Trường đã lên kế hoạch ôn thi cho HS lớp 12 và sẽ tổ chức ôn tập khi Sở GD-ĐT cho phép. Cụ thể, theo kế hoạch HS lớp 12 có thể sẽ học thêm một buổi tăng cường để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng cho biết, 2 tuần đầu trở lại trường học giáo viên sẽ tập trung vào những môn không phải thi tốt nghiệp để hoàn thành chương trình học kỳ 2. Sau đó, sẽ chỉ tập trung dạy học và ôn luyện cho HS các môn thi tốt nghiệp.

Bám sát đề thi minh họa để ôn luyện

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa vào tuần trước thì nhiều giáo viên đánh giá, ở tất cả các môn, đề thi minh họa ổn định về mặt cấu trúc, độ phân hóa không cao, phù hợp với việc xét tốt nghiệp THPT. Cấu trúc đề quen thuộc và độ khó đã giảm rõ so với đề năm 2019 và đề tham khảo công bố lần 1 vào tháng 4 vừa qua.

Còn với môn Ngữ văn nhiều giáo viên nhận xét, đề tham khảo môn Ngữ văn năm 2020 không chỉ phù hợp với mục tiêu kỳ thi, mà còn mang tính định hướng giáo dục cao. Về cấu trúc, đề tham khảo giữ nguyên cấu trúc như đề thi THPT Quốc gia những năm trước, HS đã được làm quen với cấu trúc này nên có thể tự tin, chủ động trong quá trình ôn tập.

Cô Đào Thùy Dương cũng cho rằng: “Với môn tiếng Anh, so sánh đề minh họa lần 1 và lần 2 về mặt cấu trúc như nhau, nhưng đề lần 2 nhẹ nhàng hơn lần 1 nhiều. Năm nay, mục tiêu xét tốt nghiệp được ưu tiên hơn nên đề minh họa thể hiện tinh thần. Cụ thể, phần câu phân hóa chỉ chiếm 1-1,5 điểm, so với năm ngoái câu độ chênh 0,5 điểm. Với đề thi minh họa này, nếu tính mặt bằng chung thì HS chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là đạt được 5,6 điểm...”.

Một giáo viên ở trường THPT của Hà Nội cũng nhận xét, đề thi môn Toán có 50 câu, trong đó có khoảng 40 câu chiếm 8 điểm là những câu hỏi đơn giản và vận dụng thấp. Đề cũng có những câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 10 và 11. So với đề minh họa lần 1, Bộ GD-ĐT đã đổi tên Kỳ thi THPT Quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cách ra đề chủ yếu là  phục vụ tốt nghiệp.

Với HS nắm chắc kiến thức cơ bản thì có thể đạt 7,5 - 8 điểm, HS khá có thể đạt 8,5 điểm, còn lại là có những câu rất khó. So với đề năm ngoái bớt 2 câu khó vừa để cho thêm 2 câu dễ, còn lại 6, 7 câu khó vẫn để nhằm phân loại. Vì thế, có ý kiến nói rằng, đề dễ là chỉ đúng một nửa. Với những em có nguyện vọng vào đại học các trường tốp trên thì cần phải rèn luyện thêm kỹ năng tính toán và tư duy vào các chương chủ chốt.

Thầy Lê Văn Chung, Hiệu trưởng THPT Cổ Loa (Hà Nội) cho rằng, Bộ đã công bố đề thi minh họa nên trường sẽ bám sát vào đề minh họa của Bộ để định hướng cho các con. Nhìn chung đề thi minh họa sát với chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với việc xét tốt nghiệp nhưng để các trường đại học tốp trên tuyển chọn chính xác thí sinh thì đề thi cần tăng thêm câu hỏi phân hóa. Mức chuẩn kiến thức kỹ năng để tốt nghiệp thì 7,8 điểm, phần phân hóa chỉ chiếm 2-3 điểm là hơi ít.

“Giờ tâm lý HS là “thi gì học nấy”, mà việc học đòi hỏi cả một quá trình. Chính vì thế, mong rằng, năm sau phương án thi tốt nghiệp thế nào thì Bộ nên công bố luôn để HS có hướng chuẩn bị…”, thầy Chung đề xuất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên