Trước vòng đấu quyết định, cuộc đua vô địch giữa Viettel và Hà Nội FC không chỉ xoay quanh chuyện cúp về tay ai, mà còn gây tranh cãi với câu hỏi ai xứng đáng đại diện cho V-League đá AFC Champions League?

Từng có thời, các nhà vô địch V-League chỉ “đá cho xong” ở AFC Champions League. Bây giờ, việc đại diện cho bóng đá Việt Nam bước ra châu lục là gánh trên vai những kỳ vọng.

Phía cuối bảng xếp hạng, Nam Định đã trụ hạng đầy kịch tính, nhưng áp lực từ những tiêu chí chuyên nghiệp của AFC thì vẫn còn đó. Nam Định cùng với Hà Tĩnh, SLNA, Hải Phòng là 4 đội bóng không đủ điều kiện cấp phép tham dự V-League và các giải đấu của AFC năm 2021.

Trong hồi kết kịch tính của V-League 2020, những yếu tố liên quan tới AFC là lát cắt mỏng nhưng để lại dư âm sâu sắc và được bàn luận nhiều, đặc biệt trên các diễn đàn bóng đá.

Những kỳ tích của thầy trò HLV Park Hang Seo đã nâng tham vọng của bóng đá Việt Nam lên một nấc thang mới. Các đội bóng hàng đầu V-League hòa mình rất nhanh vào cuộc đổi đời ấy.

Cùng Bình Dương đóng vai trò tiên phong, Hà Nội FC thiết lập một hình mẫu thành công khi vào đến chung kết liên khu vực AFC Cup 2019. Bây giờ, đại diện V-League ở đấu trường châu lục mà “đá cho vui” là không được.

Mùa giải 2020, TPHCM và Than Quảng Ninh đã được trải nghiệm áp lực mà hai người tiền nhiệm để lại. Khi đội bóng đất Mỏ để Andre Fagan, Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú sang Hải Phòng, câu hỏi về tham vọng của họ tại AFC Cup bị đặt ra đầu tiên và có thể kéo dài dai dẳng nếu giải đấu không bị hủy vì dịch bệnh.

Kỳ vọng “chơi lớn” của người hâm mộ Việt Nam khiến cuộc đua V-League trở thành câu chuyện hai phần. Phần một đã ngã ngũ với màn đăng quang của Viettel. Phần hai sẽ là màn thể hiện của Viettel ở AFC Champions League và Hà Nội FC, Sài Gòn FC sẽ tranh tài ở AFC Cup.

Mùa giải 2021, bóng đá Việt Nam lần đầu tiên có ba đại diện tham dự các đấu trường châu Á cấp CLB. Viettel sẽ là nhà vô địch V-League đầu tiên góp mặt ở vòng bảng AFC Champions League sau 4 mùa giải.

HLV Trương Việt Hoàng khẳng định Viettel sẽ không để bóng đá Việt Nam phải hổ thẹn ở AFC Champions League. (Ảnh: Vy Vũ)
Hà Nội FC có thể tái lập kỳ tích ở AFC Cup? (Ảnh: Dương Thuật)
Lực lượng Sài Gòn FC sẽ có nhiều biến động ở mùa giải tới. (Ảnh: Vy Vũ)

Viettel, Hà Nội FC, Sài Gòn FC đã có thể cảm nhận sức nóng từ đấu trường châu lục ngay khi V-League 2020 hạ màn. HLV Park Hang Seo và các cộng sự hẳn cũng đứng ngồi không yên.

Lịch thi đấu dồn toa khiến 2021 trở thành một năm cực nặng với đội ngũ của thầy Park. ĐT Việt Nam sẽ có Vòng loại World Cup và AFF Cup. U22 Việt Nam sẽ có Vòng loại U23 châu Á và SEA Games.

Hơn một nửa lực lượng nòng cốt của ĐT Việt Nam cũng như U22 Việt Nam đang khoác áo Viettel và Hà Nội FC. Các học trò cưng của HLV Park Hang Seo sẽ lại có một năm với lịch thi đấu nghẹt thở ở cả cấp độ ĐTQG lẫn CLB, giống như năm 2019.

Và lần này số lượng cầu thủ phải chinh chiến liên miên còn nhiều hơn. Bên cạnh những Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Lê Văn Xuân, Bùi Hoàng Việt Anh…sẽ những Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức…

Đặc biệt là trường hợp của Đoàn Văn Hậu. Cầu thủ sinh năm 1999 đang là trụ cột của ĐT Việt Nam và Hà Nội FC, đồng thời vẫn đủ tuổi tham dự SEA Games.

Phần hai của cuộc đua vô địch V-League 2020 sẽ không chỉ là sự kèn cựa “ai xứng đáng đá AFC Champions League hơn” giữa hai người hàng xóm ở Thủ đô, mà còn là mức độ thử thách mới đang chờ bóng đá Việt Nam chinh phục, trên hành trình tiến ra biển lớn châu lục.

Nam Định có lẽ là đội bóng lấy đi nhiều nước mắt nhất ở V-League 2020. Đội chủ sân Thiên Trường đã trải qua cuộc chiến trụ hạng thực sự gian truân, khó khăn và nhiều oan ức, cứ như thể có một thế lực nào đó muốn “dìm” chết họ. 

Trước vòng cuối nhóm B, người ta đã lo nếu Nam Định xuống hạng, V-League sẽ mất đi một “đặc sản”, mất đi sân đấu luôn đầy ắp khán giả, bầu không khí cuồng nhiệt và cả đội bóng luôn chơi tận hiến vì người hâm mộ.

May sao, Nam Định đã trụ hạng sau cuộc đua nghẹt thở tới phút cuối cùng với Quảng Nam. Những giọt nước mắt đã rơi trên sân Vinh vào ngày 31/10 vừa qua, sau khi Nam Định giành quyền ở lại V-League theo cách đầy cảm xúc.

Nhưng ai lại thích cảnh “cơm chan nước mắt”.

Ngay sau khi kết thúc cuộc chiến trụ hạng, tiền đạo Rafaelson đã chia tay Nam Định để chuyển tới Đà Nẵng. Chân sút người Brazil là ngôi sao sáng nhất của đội bóng thành Nam ở V-League 2020 với 6 bàn thắng, trong đó có cú đánh đầu tung lưới SLNA ở trận đấu quyết định. Rafaelson không phải người hùng đầu tiên rời khỏi sân Thiên Trường khi Đinh Viết Tú, Vũ Hữu Quý, Phạm Văn Thuận… cũng có quyết định tương tự trong quá khứ.

Rafaelson chia tay Nam Định ngay sau khi giúp đội bóng trụ hạng. (Ảnh: Minh Hoàng)
Nam Định là "đặc sản" của V-League? (Ảnh: Minh Hoàng)

Tài chính là vấn đề khiến Nam Định không thể giữ chân được Rafaelson. Đó cũng là lý do khiến Nam Định nằm trong số 4 đội không đủ điều kiện cấp phép chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn do AFC đặt ra.

Theo thông báo từ Ban Cấp phép VFF hôm 5/10, bốn đội không được cấp phép tham dự V-League và các giải đấu của AFC năm 2021 Hà Tĩnh, Hải Phòng (đều không tham dự đầy đủ các giải trẻ trong năm 2020 theo như quy định), SLNA (không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất, dàn đèn không đạt chất lượng theo đúng yêu cầu của AFC) và Nam Định.

Thật cảm động khi Nam Định trụ hạng trên sân Vinh vào cuối tháng, nhưng vấn đề loại Nam Định khỏi V-League 2021 được đặt ra trên các mặt báo từ đầu tháng. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra.

Năm ngoái, Nam Định là 1 trong 4 đội không đạt chuẩn bên cạnh Hải Phòng, SLNA và Thanh Hóa nhưng được đặc cách tham dự V-League 2020. Nếu có một thế lực muốn “dìm” chết Nam Định, thì họ đã bỏ qua cơ hội ra tay danh chính ngôn thuận.

Tấm giấy phép đặc cách sẽ không tồn tại mãi. Trong bối cảnh Nam Định “ồn ào” với cuộc chiến trụ hạng, thì chuẩn chuyên nghiệp AFC “lặng lẽ” phổ cập ở V-League và góp phần gia tăng sự ngột ngạt phía cuối bảng xếp hạng./.

Những bàn thắng đẹp ở V-League 2020 (Bản quyền: On Sports)

Thứ Năm, 09:16, 12/11/2020