Khi tiền bạc cất tiếng

Cách mà bóng đá Châu Âu đang diễn ra khiến người ta phải kết luận rằng sự hiện diện của một ngôi sao xem ra đáng giá hơn toàn bộ đội hình đối thủ.

Và vai trò tiền bạc trong bóng đá hiện đại lại trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Cuối tuần qua, Fernando Torres lập hattrick trong trận Liverpool vùi dập Hull City 6-1 ở Premier League. Chắc chắn, HLV Rafael Benitez chẳng đời nào đổi chân sút Tây Ban Nha của mình lấy toàn bộ đội hình èo uột của Hull nếu có một đề nghị như thế.

Ở quê hương của Torres, chân sút Thụy Điển Zlatan Ibrahimovic, người thế chỗ Samuel Eto’o trong màu áo Barcelona, vào sân từ băng ghế dự bị ghi bàn tuyệt đẹp vào lưới Malaga. Đó là bàn thắng được kiến tạo bởi cái tên được cho là số 1 thế giới hiện nay, Lionel Messi. Sự phối hợp ngọt ngào giữa Ibrahimovich và Messi minh chứng bóng đá vẫn là trò chơi đồng đội. Mới chân ướt chân ráo đến với một phong cách tưởng chừng không phù hợp với mình song Ibrahimovich đã lập một kỷ lục mà chưa từng có huyền thoại nào của Barcelona làm được: ghi bàn trong cả 5 trận đầu mùa.

Trong khi đó, bóng đá Anh chứng kiến Chelsea gục ngã lần đầu tiên khi thua Wigan 1-3 trong bối cảnh Petr Cech bị đuổi khỏi sân đầu hiệp 2. Nhưng có lẽ, đau đớn nhất Premier League là Portsmouth với kỷ lục buồn thua liên tiếp cả 7 trận đầu mùa. Không đội bóng Anh nào khởi đầu tệ hại như vậy kể từ năm 1930. Và đáng lưu ý, cách đây 79 năm, cái tên kém cỏi đó là… Manchester United! Với màu Đỏ lộng lẫy và kiêu hãnh ngày nay, khó tin rằng Manchester United cũng có thời gian khó như vậy.

Đó là thời xa xưa, thời mà Manchester United thấp kém còn Portsmouth nằm trong số những đội bóng hay nhất Anh, là niềm tự hào của vùng duyên hải phía Nam với lực lượng fan hùng hậu mang tính kế tiếp truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác mà trọng tâm là tầng lớp lao động xứ sở sương mù.

Nhưng sự sa sút của Portsmouth hiện tại là một bài học cho quan niệm những ông chủ ngoại giàu có sẽ đem đến thành công cho CLB. Trong thập kỷ qua, họ đổi chủ tới ba lần.

Động lực tiền bạc giúp Portsmouth đoạt FA Cup năm 2008. Nhưng rồi đội bóng mất “kiến trúc sư” Harry Redknapp, người như thường lệ nhảy đi chỗ khác khi có cơ hội tốt hơn. Dường như Redknapp đã sớm nhìn ra hình ảnh con tàu đắm. Ông chủ Gaydamak thương lượng bán lại Portsmouth cho “đại gia” Arab Sulaiman Al-Fahim và đội bóng tan rã khi một loạt ngôi sao như Peter Crouch, Jermain Defoe, Niko Kranjcar đều ra đi trong mùa Hè qua, đến với ông thầy cũ Redknapp ở Tottenham. Glen Johnson, Sol Campbell và Sylain Distin cũng rời Portsmouth. Dàn cầu thủ hạng xoàng còn lại rõ ràng không thể sánh với một ngôi sao như Torres của Liverpool hay Ibrahimovic của Barcelona về mặt giá cả lẫn giá trị! Giờ thì Portsmouth chỉ biết hy vọng ông chủ mới Al-Fahim sẽ nhanh chóng bơm tiền vào đội bóng như đã tuyên bố để cứu vãn tình thế hiện nay.

Nỗi đau của Portsmouth hiện tại hay sự thành công của Manchester United trong thời gian qua là một minh chứng bóng đá Anh đang quá lệ thuộc vào tiền bạc. Và có lẽ không chỉ họ mà không ít đại gia sân cỏ Châu Âu cũng thế. Sự phát triển này bị coi là lệch lạc khi một đội hình hùng hậu với những ngôi sao lấp lánh đồng nghĩa với một khoản nợ khổng lồ. Manchester United đang nợ 650 triệu euro. Chelsea đang nợ 700 triệu euro. Vừa qua, Chủ tịch UEFA Michel Platini công bố kế hoạch kể từ mùa giải 2012-2013, các CLB sẽ phải cân bằng thu chi, không được vung tay nhiều hơn doanh số. Đội bóng nào vi phạm sẽ bị cấm cửa không được tham dự Champions League hay Europa League (tên mới của UEFA Cup). Hy vọng, vấn nạn “chúa chổm” sẽ chấm dứt…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên