“Khoảng lặng” thành tích

Đằng sau sự rộn ràng của cái gọi là vinh quang ngày hôm qua, đã và đang đặt ra không ít bài học cần phải rút kinh nghiệm cho ngày mai.

Thành tích 288 huy chương (HC) - 96 HC Vàng, 92 HC Bạc và 100 HC Đồng tại SEA Games 26; trong đó, riêng số HC Vàng vượt chỉ tiêu tới 26 chiếc, cùng vị trí thứ ba toàn đoàn, có thể xem là “mùa vàng” bội thu của Thể thao Việt Nam.

Từ những người chưa thi đấu đã cầm chắc huy chương...

Trong Lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 26 (SEA Games 26) được tổ chức trọng thể và rất “hoành tráng” tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong đêm cuối cùng của tháng 10/2011, ông Lâm Quang Thành (trưởng đoàn) đã công khai chỉ tiêu “gặt” 70 HC Vàng tại SEA Games 26.

Điều đáng nói là trong số 868 thành viên (608 VĐV) tham dự 32 môn thi đấu, người hâm mộ thể thao nước nhà có thể “điểm mặt” không ít những vận động viên ưu tú chưa xuất quân song gần như đã cầm chắc chiến thắng, điển hình là Thanh Hằng của bộ môn điền kinh; Trần Văn Toàn (Pencak Silat); xạ thủ Xuân Vinh (bắn súng); nhà vô địch cờ vua thế giới Lê Quang Liêm; Phan Thị Hà Thanh (Thể dục dụng cụ)…

Hậu trường bộ môn vật dường như chưa bao giờ yên ả

Gần như cầm chắc chiến thắng, bởi rất ít khả năng họ đánh rơi Vàng. Nếu tìm hiểu thành tích trong quá khứ và phong độ hiện tại thì tên tuổi những VĐV trên “hơn hẳn một bậc” so với các đối thủ trong khu vực đăng ký cùng nội dung thi đấu. Họ không đem vàng về nước mới lạ!

Có điều, “người trong cuộc” có thực sự cảm thấy hài lòng với chiến thắng của mình hay không, lại là chuyện khác. Bởi xét cho cùng, giành chiến thắng trong cuộc đua không có đối thủ vẫn không vinh quanh bằng việc đạt thành tích tốt, vượt lên chính giới hạn bản thân ở những sân chơi đẳng cấp như vô địch châu lục, vô địch thế giới hay Olympic. Chớ nên quên là từ nhiều năm nay, Thái Lan đã không còn xem SEA Games là đấu trường chính để so kè từng tấm huy chương, rồi thứ hạng trên bảng tổng sắp cùng Indonesia, Malaysia, Việt Nam… Thay vào đó, họ đã và đang thực hiện chiến lược hướng đến những môn cơ bản, không thể thiếu tại các ngày hội thể thao toàn cầu như: bơi lội, điền kinh…

Đến những người “ăn mày dĩ vãng”

Mặc dù thuộc diện “quy hoạch huy chương” song việc nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương, kình ngư đất cảng Nguyễn Hữu Việt, cùng không ít niềm hy vọng vàng khác của thể thao Việt Nam đồng loạt thất bại, được người hâm mộ nước nhà đặt ra rất nhiều câu hỏi. Vì sao một VĐV được mệnh danh nữ hoàng bỗng “tuột dốc” thảm hại so với những đồng nghiệp tham dự đường chạy cự ly 100m? Do đâu mà Hữu Việt, người cách đây vài năm (SEA Games 25) còn xô đổ kỷ lục tại đường đua xanh trên đất Triệu Voi giờ bị “gạt ra rìa” tức tưởi ở vòng loại?... Biết bao niềm tin yêu của khán giả cả nước, chỉ sau một cuộc tranh tài bỗng trở thành nỗi thất vọng lớn, “không tin được dù đó là sự thật”.

Những câu hỏi trên tưởng chừng “không lời đáp” nhưng lại không quá khó để lý giải. Bởi một Vũ Thị Hương bất khả chiến bại năm nào đã tham dự nội dung thi đấu sở trường trong tư thế kẻ “mới ốm dậy” (Hương chỉ kịp bình phục chấn thương trước ngày hội Palembang một thời gian ngắn). Còn Nguyễn Hữu Việt, sau kỷ lục 3 tấm HC Vàng ở ngày hội khu vực giờ cũng “lên lão”; chưa hết, anh bị căn bệnh hen suyễn di truyền liên tục hành hạ từ sau Tết Tân Mão… Quá nhiều nguyên nhân để những ai dõi theo hậu trường các môn thể thao không “chết đứng” khi nghe “tin dữ”.

Chứng kiến gương mặt thất thần đến mức vô hồn của nữ hoàng điền kinh sau thất bại, không ít người đã buột miệng thốt lên hai tiếng “giá như”. Phải, giá như những nhà quản lý thể thao và Hương biết điểm dừng - không điền tên cô vào danh sách các VĐV tham dự kỳ SEA Games trên đất nước Vạn đảo thì nhiều khả năng trong “bộ nhớ” của người hâm mộ, Hương sẽ mãi là người chiến thắng. Ấy thế nhưng, khi đã theo nghiệp thể thao, nhiều anh chị em lại tâm niệm: còn sức, còn cố gắng! Suy nghĩ của Hương, của Việt chắc nằm trong “tinh thần thượng võ” này.

Điều đáng phải suy ngẫm là trước ngày hội quân “mang chuông đi đánh xứ người”, dường như ai đó có trách nhiệm đã quá chú trọng vào thành tích của VĐV trong quá khứ để rồi đặt ra mục tiêu cho hiện tại mà không biết (hay cố tình không biết) rằng: Việt, Hương đã sa sút rất nhiều so với chính mình ở “thời oanh liệt” và ai cũng có giới hạn nhất định. Chuyện quá chú ý đến thành quả “ngày hôm qua” của VĐV đã gián tiếp tạo nhiều sức ép đối với “người trong cuộc” ngày hôm nay.

Buồn và tiếc cho cả Việt lẫn Hương nhưng nếu hiểu rõ quy luật đào thải khắc nghiệp của thể thao (tuổi tác, sức khỏe…), sẽ thấy rất phi lý nếu cứ đòi hỏi anh chị em VĐV mãi ngự trên đỉnh cao danh vọng và thành tích khi thời của họ đã qua rồi!

Và những đồng nghiệp “chết” trước bình minh

Nếu cuộc “viễn chinh” của những nhà vô địch (và cả vô địch… hụt) nơi “tiền tuyến” Palembang (Indonesia) - địa điểm tổ chức SEA Games 26 - chỉ đơn thuần gợi lên đôi điều cần suy nghĩ về chiến lược, mục tiêu thật sự trong phát triển thể thao thì diễn biến ở “hậu phương” với võ sĩ Mai Văn Luật (bộ môn Vật) lại đem đến quá nhiều thất vọng về cách điều hành của những người làm công tác quản lý môn thể thao này.

Trước thềm SEA Games 26, lấy lý do “sức khỏe không đảm bảo”, lãnh đạo bộ môn Vật đã gạch tên nhà vô địch họ Mai khỏi bản danh sách các VĐV có mặt trên chiếc chuyên cơ nhằm thẳng hướng phi trường Sultan (Palembang) ngày 9/11/2011.

Ngay lập tức, nhà vô địch quốc gia đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng và báo chí bày tỏ sự bất phục “thượng lệnh”. Theo lời Mai Văn Luật thì anh không gặp bất kỳ trở ngại nào về sức khỏe, vẫn luyện tập bình thường; thậm chí năng lực chuyên môn của Luật còn trội hơn một gương mặt khác được chọn tham dự SEA Games 26. Luật đã đề nghị lãnh đạo bộ môn tổ chức một cuộc “so tài nội bộ” giữa anh và Văn Thanh (người được “chấm” thay thế Luật) để xem ai xứng đáng góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất khu vực hơn (?). Đừng quên là tại giải vô địch Vật quốc gia vừa kết thúc trước đó, Luật đã đứng trên bục huy chương cao nhất.

Thế nhưng, không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, đề xuất của Luật nhanh chóng bị bác bỏ. Trước đó, tương tự Mai Văn Luật, hai VĐV quần vợt Quốc Khánh - Mai Huỳnh cũng phải chấp nhận một sự thật nghiệt ngã: ngồi nhà xem SEA Games 26 qua… vô tuyến, vì dám lên tiếng đòi hỏi sự công bằng vào thời điểm những người có trách nhiệm ở bộ môn đang có những “toan tính” xung quanh chuyện sắp xếp, bố trí lực lượng lên đường sang nước bạn thi đấu.

“Sóng ngầm” nơi hậu trường hai môn Vật, Quần vợt tạm thời lắng xuống khi ngọn lửa Palembang được thắp lên. Không biết trong lễ mừng công của Đoàn Thể thao Việt Nam, có ai còn nhớ tới những đồng nghiệp đã “chết” trước bình minh - “chết” cho khát vọng về một môi trường luyện tập, thi đấu thể thao luôn trung thực, cao thượng?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên