Năm 1987, Chính phủ từng có đến 9 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

VOV.VN - Ông Nguyễn Khánh cho biết: "Năm 1987 khi bắt đầu công tác ở Chính phủ, có 9 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng). Đến 1992 chỉ còn 3 Phó Thủ tướng, bộ máy chỉ đạo gọn nhẹ, làm việc thoải mái, quyết định công việc nhanh. Tôi cho đó là kinh nghiệm tốt".

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 200/1998/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ để thay thế Quyết định số 210/TTg ngày 07/04/1995 về thành lập Tổ Chuyên gia cải cách hành chính của Chính phủ. Ông Nguyễn Khánh lúc này đã thôi nhiệm vụ Phó Thủ tướng và được chỉ định làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính.

Muốn cải cách được tổ chức bộ máy quản lý, phải khắc phục được sức ỳ của tổ chức

Sau này, khi đã về nghỉ, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Nguyễn Khánh vẫn luôn đau đáu với công tác này.

Trong cuốn sách "Mối quan hệ Đảng-Nhà nước-Dân trong cuộc sống" được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản vào năm 2007, ông Nguyễn Khánh từng chia sẻ quan điểm về công tác cải cách hành chính của đất nước.

Theo đó, trải qua nhiều lần sắp xếp, điều chỉnh vào các năm 1987, 1992, 1996 và 1998, công cuộc cải cách hành chính của đất nước đã có nhiều tiến bộ về thể chế kinh tế, hoạt động quản lý hành chính, tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức.

Kết quả rõ nét nhất là vấn đề cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan quản lý nhà nước. Từ năm 1997 đến 2001 (thời điểm ông Khánh viết bài này), đã bãi bỏ, sửa đổi một số lượng đáng kể văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, cơ chế và thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có quan hệ trực tiếp giữa nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Trong một số ngành, số thủ tục hành chính đã giảm đi một nửa so với trước, đã loại bỏ nhiều thủ tục phiền phức, không hợp lý, không cần thiết.

Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng, sự đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước diễn ra còn chậm, không đồng bộ từ trên xuống dưới, tiến trình cải cách hành chính không theo kịp nhịp độ của đổi mới kinh tế. Còn một khoảng cách khá xa giữa những tiến bộ và kết quả đã đạt được về tổ chức và quản lý hành chính nhà nước với mục tiêu “xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hóa, để quản lý có hiệu lực và hiệu quả công việc của Nhà nước” như Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII đã chỉ ra.

Từ thực tế công tác và bằng những trải nghiệm trong quá trình tham gia Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, ông Nguyễn Khánh cho rằng, muốn cải cách được tổ chức bộ máy quản lý, khắc phục được sức ỳ của tổ chức - hiện tượng phổ biến không chỉ ở nước ta, nhất thiết phải làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, những người trực tiếp thực thi các nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý, có nhận thức đúng về vai trò, chức năng và phương thức quản lý của Nhà nước, về nền hành chính dân chủ và hiện đại, về yêu cầu và nội dung của cải cách hành chính.

Năm 1987, Chính phủ từng có đến 9 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng)

Trong cuốn sách tâm huyết của mình, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cũng chỉ ra rằng, do nhận thức không đầy đủ, tư tưởng chưa thông suốt nên một số cán bộ lãnh đạo cơ quan hành chính ở Trung ương và địa phương muốn giữ nguyên hiện trạng tổ chức và biên chế, tuy biết rằng có nhiều bất hợp lý, nhiều việc cần sửa đổi, vì ngại rằng điều chỉnh, cải cách tổ chức bộ máy có thể gây ra những phản ứng của cán bộ, nhân viên. Nhiều người tỏ ra thụ động chờ đợi các quyết định cụ thể của Trung ương, của cấp trên, không tự mình chủ động phát hiện và tìm biện pháp khắc phục những bất hợp lý, yếu kém trong cơ quan, đơn vị mình với trách nhiệm, thẩm quyền và khả năng giải quyết ở trong tầm tay.

“Cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính không thể tiến triển và đạt kết quả nếu chỉ là việc làm riêng biệt của các cơ quan hành chính”. Nhấn mạnh điều này, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng, cải cách hành chính nhất thiết phải được tiến hành trong tổng thể đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung gắn với cải cách tư pháp và đổi mới các cơ quan lập pháp.

Đặc biệt, cải cách hành chính phải gắn kết chặt chẽ với xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, mọi vấn đề quan trọng và đường lối, chính sách, tổ chức bộ máy nhà nước đều có sự lãnh đạo của Đảng; hầu hết cán bộ có chức, có quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước là đảng viên; ở hầu hết cơ quan, tổ chức của nhà nước từ Trung ương đến cơ sở có tổ chức đảng, đảng bộ cơ sở, chi bộ Đảng. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm cho mỗi đảng viên làm việc trong cơ quan nhà nước trở thành một công chức cần mẫn, liêm khiết, làm tròn phận sự, là nhân tố quyết định để xây dựng đội ngũ công chức trong sạch và có năng lực, hạn chế, khắc phục được tệ quan liêu, nạn tham nhũng. Xây dựng và chính đốn Đảng làm cho mỗi tổ chức đảng, cấp ủy đảng lãnh đạo chính quyền đúng với tinh thần Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, thực sự là hạt nhân chính ở trong cơ quan nhà nước, không buông lỏng lãnh đạo chính trị, cũng không làm thay chức năng quản lý của chính quyền là nhân tố quyết định để xây dựng nhà nước pháp quyền, để cơ quan chính quyền sử dụng đúng quyền lực quản lý có hiệu lực và hiệu quả.

Cải cách hành chính đạt kết quả tốt thắt chặt thêm mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, nâng cao vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng cầm quyền. Chính vì vậy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam coi kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một nội dung quan trọng của cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Nhớ lại thời kỳ bắt đầu tham gia Chính phủ (năm 1987), cũng là thời điểm đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, với rất nhiều công việc khó khăn, mới mẻ, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho biết, tập thể Chính phủ khi đó không chỉ tập trung chỉ đạo các công việc phát triển KT-XH để khắc phục khủng hoảng kinh tế, mà còn chấn chỉnh đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ, chuyển Hội đồng Bộ trưởng thành Chính phủ, bỏ tổ chức Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, xây dựng cơ chế Thủ tướng là người chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội, là người đứng đầu Chính phủ với trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng.

Ông nhớ lại: “Năm 1987 khi bắt đầu công tác ở Chính phủ có 9 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đến 1992 chỉ còn 3 Phó Thủ tướng, bộ máy chỉ đạo gọn nhẹ, làm việc thoải mái, quyết định công việc nhanh. Tôi cho đó là kinh nghiệm tốt. Khóa 2002-2007, Chính phủ cũng duy trì 3 Phó Thủ tướng, tôi thấy công việc vẫn được giải quyết nhanh, tốt. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm đó chưa được áp dụng nhất quán ở các ngành, các cấp. Một bộ máy tinh gọn, công việc được giải quyết nhanh chóng, bớt tầng nấc, là một kinh nghiệm tốt mà chúng ta cần lưu ý để yêu cầu mọi ngành, mọi cấp áp dụng cho đúng. Trong tình hình mới, điều kiện mới, bài học vẫn là phải làm sao cho các thành viên Chính phủ, bộ ngành, cùng thông suốt, nhất trí về chủ trương cải cách hành chính. Phải xây dựng nền hành chính, hệ thống quản lý Nhà nước vừa vững mạnh, trong sạch, hiện đại, cần có những thay đổi cần thiết, hợp lý đúng với yêu cầu và khả năng; phải tiếp tục nâng cao chất lượng các cơ quan, tổ chức, của Chính phủ cũng như của hệ thống hành chính các cấp phải thực sự tinh gọn”.

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từ trần hồi 20 giờ 57 phút, ngày 19/7/2023 (tức ngày 02 tháng 6 năm Quý Mão) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước do ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. 

Linh cữu ông Nguyễn Khánh quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. 

Lễ viếng tổ chức vào hồi 7h15 phút đến 10h15 phút, thứ hai, ngày 24/7/2023 (tức ngày 7 tháng 6 năm Quý Mão). 

Lễ truy điệu vào hồi 10h15 phút, thứ hai, ngày 24/7/2023; sau đó là Lễ đưa tang, Hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển, thành phố Hà Nội. 

Lễ an táng vào hồi 15h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tóm tắt tiểu sử nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh
Tóm tắt tiểu sử nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh

VOV.VN - Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), ông được bầu lại là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. 

Tóm tắt tiểu sử nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh

Tóm tắt tiểu sử nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh

VOV.VN - Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), ông được bầu lại là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. 

Tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh
Tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh

VOV.VN - Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước gồm 24 đồng chí; do đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. 

Tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh

Tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh

VOV.VN - Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước gồm 24 đồng chí; do đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. 

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từ trần
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từ trần

VOV.VN - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã từ trần tối 19/7 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từ trần

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từ trần

VOV.VN - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã từ trần tối 19/7 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi.