Nguyễn Thị Oanh: Ý chí phi thường của 'nữ hoàng' vượt chướng ngại
VOV.VN - Từng suýt giải nghệ sớm vì sức khỏe không đảm bảo, Nguyễn Thị Oanh giờ đây là chân chạy số một Đông Nam Á ở 3 nội dung.
"Tôi rất hạnh phúc", Nguyễn Thị Oanh cười rạng rỡ trước ống kính máy quay ở một góc sân Mỹ Đình sau khi hoàn thành nội dung thi đấu cuối cùng mình ở SEA Games 31. Cô vừa phá kỷ lục của đại hội do chính mình lập ra cách đây 3 năm trên đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật. Đó là một trong ba tấm huy chương vàng mà Nguyễn Thị Oanh giành được ở SEA Games 31.
"Ốc tiêu" với nghị lực phi thường
Nhìn Nguyễn Thị Oanh "vô đối" ở cả 3 nội dung thi đấu tại SEA Games 31, khán giả không thể thấy được phẩm chất quý giá nhất ở cô gái sinh năm 1995 này. Đó là ý chí đương đầu và vượt qua thử thách.
"Nguyễn Thị Oanh là một cô gái đầy nghị lực với ý chí thi đấu cao", HLV Trần Văn Sỹ từng chia sẻ về cô học trò của mình.
Sở trường của Nguyễn Thị Oanh là chạy 3.000m vượt chướng ngại vật. Nhưng, để chạm tay tới những tấm huy chương danh giá, cô gái sinh năm 1995 phải vượt qua những chướng ngại không chỉ xuất hiện trên đường chạy. Thậm chí, nhà vô địch SEA Games suýt bị đánh gục ngay từ khi cô gặt hái được những thành quả đầu tiên ở đấu trường quốc tế.
Nguyễn Thị Oanh bén duyên với điền kinh từ những năm còn đi học cấp một, cấp hai với những giải đấu của tỉnh, của huyện. 15 tuổi, Nguyễn Thị Oanh bắt đầu ăn tập chuyên nghiệp dù chính các huấn luyện viên cũng không chắc lắm về khả năng theo được nghề của cô học trò có chiều cao chỉ chừng mét rưỡi và cân nặng vỏn vẹn... 40 kg.
Kỳ SEA Games tại Myanmar năm 2013 là dấu mốc đầu tiên của Nguyễn Thị Oanh ở sân chơi này. Cô giành huy chương bạc nội dung sở trường. Chưa đầy một năm sau, "ốc tiêu" nhận tin sét đánh từ bác sĩ.
Nguyễn Thị Oanh bị viêm cầu thận. Có thể chữa được, nhưng phải nghỉ thi đấu hoàn toàn trong một thời gian dài và chế độ điều trị, thuốc thang cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cơ bắp, xương khớp. Cô từng nghĩ đến việc giải nghệ sớm.
Trở lại thi đấu sau hơn một năm chữa bệnh, Nguyễn Thị Oanh chạy không nổi ở cự ly 800m chứ chưa nói đến 3.000m vượt chướng ngại vật. "Ốc tiêu" phải mất thêm 2 năm nữa mới phần nào lấy lại được thể lực và rồi tạo ra một bất ngờ lớn đối với chính bản thân cô ở kỳ SEA Games năm 2017 tại Malaysia.
Kỳ đại hội năm đó không có nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Nguyễn Thị Oanh chuyển sang thi đấu cự ly 1.500m và 5.000m, giành 2 huy chương vàng với thời gian chạm đích sớm hơn người về nhì tới 10 giây. Kể từ thời điểm đó, Nguyễn Thị Oanh được nhắc đến ở 2 cự ly này còn nhiều hơn cả nội dung sở trường.
Cú hat-trick đỉnh cao ở SEA Games 31
Trong 5 năm qua, điền kinh Việt Nam không có ai là đối thủ của Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Ở tầm Đông Nam Á cũng vậy.
SEA Games 30 tại Philippines cách đây 3 năm, cô giành trọn bộ 3 huy chương vàng cá nhân. Riêng cự ly sở trường, Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục với thời gian 10 phút 0,02 giây. Đến SEA Games 31, "ốc tiêu" lại lập hattrick huy chương vàng với một kỷ lục mới trên đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật.
Phải ngả mũ thán phục cô gái nhỏ nhắn có biệt danh "ốc tiêu", bởi cô tham dự 3 nội dung trong vòng chưa đầy 48 giờ mà lần nào cũng vượt trội so với các vận động viên của nước khác trên đường đua. Cự ly 1.500m diễn ra trong buổi sáng 14/5 chẳng khác nào màn khởi động của nhà vô địch.
Chưa hết một vòng sân, Nguyễn Thị Oanh đã bứt lên vài mét so với các đối thủ. Cô chạm đích trước người về nhì - đồng đội Khuất Phương Anh - tới hơn 10 giây.
"Lịch thi đấu là một thách thức lớn. Phá kỷ lục là một sự bất ngờ đối với tôi. Thời gian nghỉ ngơi của tôi rất ít, khi thi xong lại phải thử doping nên càng bị rút ngắn lại. Tôi không biết mình có đảm bảo sức khỏe để hoàn thành hết các cự ly không", Nguyễn Thị Oanh cười rạng rỡ, đưa tay lau vội những giọt mồ hôi và nước mắt hạnh phúc khi trả lời phỏng vấn.
Mới một ngày trước đó, sau khi giành 2 tấm huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh vẫn còn lo lắng đến mức không dám trả lời phỏng vấn.
Ở vị trí của một nhà vô địch không có đối thủ, nữ vận động viên sinh năm 1995 cũng phải chịu những áp lực không nhỏ. Nguyễn Thị Oanh mắc chứng mất ngủ trong một thời gian dài, nhưng dường như chuyện đó chẳng là gì so với những thách thức mà cô đã vượt qua để đứng trên đỉnh vinh quang./.