"Chúng ta không thể biết trước Trung Quốc xả lũ khi nào"

VOV.VN - Cần hết sức lưu ý khi Việt Nam không thể chủ động trước những thông tin xả lũ từ phía Trung Quốc.

Rất khó để biết liệu Trung Quốc có xả nữa hay không 

Chiều 21/8, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai tổ chức họp thông tin về tình hình lũ lụt ở Trung Quốc, tình hình mưa lũ ở miền Bắc Việt Nam và lũ lụt trên hệ thông sông Hồng, sông Thái Bình.

Cần hết sức lưu ý khi Việt Nam không thể chủ động trước với những thông tin xả lũ từ phía Trung Quốc.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống Thiên tai, do ảnh hưởng của bão số 4 và các đợt mưa lớn từ 16-21/8, thủy điện Mã Đồ Sơn của Trung Quốc xả lũ vào ngày 20/8, mực nước lũ sông Thao tại Yên Bái đã lên trên BĐ3, đạt đỉnh ở mức 33,01 (trên BĐ3: 1,01m, lúc 19h/19/8), tại Phú Thọ lên trên BĐ1 và đạt đỉnh ở mức: 17,52m (trên BĐ1: 0,02m, lúc 7h/20/8); mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang lên (13h ngày 21/8 ở mức 5,72m); mực nước sông Văn Úc tại TTV Trung Trang lên trên BĐ1: 0,06m (lúc 19h/20/8); mực nước sông Trà Lý tại TTV Quyết Chiến lên trên BĐ1: 0,31m lúc 19h/20/8.

Ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục Ứng phó, Phó Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống Thiên tai cho biết, hiện mưa lũ đợt trong những ngày qua đã làm 8 người chết và 1 người mất tích, ảnh hưởng nặng nề tới đê điều, đường sá. Dự báo sẽ còn ảnh hưởng nhiều đến nhà cửa, người dân và hoạt động sản xuất trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị.

Chia sẻ về tác động với Việt Nam từ việc thủy điện Mã Đổ Sơn của Trung Quốc xả lũ, ông Quang cho rằng: “Trung Quốc cũng đang trải qua đợt lũ lớn trên sông Dương Tử và sông Trường Giang. Để bảo vệ hệ thống hồ chưa, Trung Quốc đã phải xả ở thủy điện Mã Đổ Sơn cách biên giới Việt Nam khoảng 105km. Tác động của xả lũ ở thủy điện lần này với chúng ta không nhiều nhưng khiến mực nước ở hạ du như Lào Cai lên trên BĐ1, Yên Bái xấp xỉ BĐ2.

Thời gian tới tình hình mưa lũ phức tạp thì những việc xả lũ tương tự vẫn có thể diễn ra và có thể ảnh hướng tới các nơi khác như sông Đà, sông Hồng,... Trong thời gian tới, liệu Trung Quốc có xả nữa hay không thì chúng ta không nắm được hết thông tin chi tiết vì vậy cần hết sức lưu ý”.

Theo ông Quang, hiện nay, theo quy chế  phối hợp giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có 5 trạm quan trắc đặt bên Trung Quốc thông tin liên lục 3 lần/ngày để nắm bắt và lên phương án ứng phó.

Ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục Ứng phó, Phó Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống Thiên tai.

“Tuy nhiên, so với mong muốn của chúng ta thì 5 trạm này mới đáp ứng được những thông tin ở mức vừa phải. Hiện chúng ta với Trung Quốc đang có những bàn bạc để nâng mức hợp tác một cách sâu rộng hơn nữa. Hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ có thêm những thông tin để chủ động hơn trong các phương án ứng phó”, ông Quang chia sẻ thêm.

Nhiều đoạn đê đã bị hư hỏng khi mùa mưa bão đang đạt đỉnh

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Công Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều cho biết, hiện Việt Nam có tổng số 9.080km đê (đê sông, đê cửa sông 6.890km; đê biển: 1.150km), trên 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng tập trung ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ông Trần Công Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều.

“Tuy đã tu bổ hàng năm nhưng hiện nay các tuyến đê từ cấp III trở lên còn 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 482 cống cũ, hư hỏng; 158km kè sạt lở, hư hỏng. 230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các cống lớn, đã từng xảy ra sự cố như: cống Cẩm Đình (K1+700 đê Vân Cốc, Hà Nội), cống Liên Mạc (K53+450 đê hữu Hồng, Hà Nội), cống Tắc Giang (K129+452 đê hữu Hồng, Hà Nam),...”, ông Tuyên cho hay.

Theo ông Tuyên, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 23 sự cố; đặc biệt, trong những đợt mưa lũ vừa qua, có một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê, như:  Sự cố nứt dọc mặt đê, chân đê tả Đáy từ K130+096 - K130+365, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam: Tổng chiều chiều dài khoảng 500m, nứt dọc giữa mặt đê và chân mái hạ lưu, chiều rộng vết nứt từ 1-3cm. Tổng cục PCTT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử lý, tỉnh đã ban hành quyết định tình huống khẩn cấp khắc phục sự cố, tuy nhiên, việc triển khai xử lý sự cố vẫn chưa được thực hiện.

Sự cố nứt đê đoạn K123+920 - K123+980 đê tả Hồng, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên: Ngày 03/8/2020, xuất hiện vết nứt dọc mặt đê dài khoảng 60m, bề rộng vết nứt 1-2cm. Địa phương đã xử lý giờ đầu, đào vết nứt hình nêm, đắp và đầm chặt. UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành tình huống khẩn cấp khắc phục sự cố, hiện đang tiến hành khảo sát, lập phương án xử lý triệt để sự cố.

Trong những ngày mưa lũ vừa qua, tiếp tục xảy ra một số sự cố đê điều như sạt mái đê phía đồng tại K87+200, K95+100 đê tả Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ: Ngày 19/8/2020, xuất hiện 3 cung sạt mái đê phía đồng, tổng chiều dài 50m. Hiện địa phương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố. Sập đổ dàn van cống Bún tại K62+500 đê hữu Thao (đê chưa phân cấp), huyện Tam Nông: đường kính D750 bị sập đổ dàn van, nước chưa chảy vào đồng, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư để hoành triệt khi nước sông lên cao. Sạt lở bờ sông tại K1+200 đê hữu Thao (đê chưa phân cấp), huyện Hạ Hòa: chiều dài cung sạt 30m, cách chân đê 100m. Hiện địa phương đang tiến hành xử lý giờ đầu bằng giải pháp thả đá hộc hộ chân

Thành phố Hà Nội: Sự cố sụt, sạt cống trạm bơm Tảo Khê, trên đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội: Cống xây dựng năm 1986, khẩu độ (1,8x2)m, tường xây đá hộc, trần bê tông cốt thép. Ngày 19/8/2020, thượng lưu cống và một phần thân cống bị sạt, sụt, kích thước hố sụt (7,5x5,5)m, sâu 5,5m. Đến 10h30 ngày 20/8/2020, toàn bộ thân đê hữu Đáy phía trên cống bị sụt thành hố sâu 8m, đường kính 10m. Địa phương đã tiến hành xử lý giờ đầu đắp lấp hố sụt và hoàn trả phần thân đê bị sụt, hoàn thành trong ngày 20/8.

Sự cố sạt lở bờ sông tương ứng K23+450 - K24+000 đê hữu Hồng, huyện Ba Vì: Ngày 20/8/2020, xuất hiện cung sạt dài 257m, sâu từ 1,0-1,5m, làm nứt vỡ, sập công trình chăn nuôi của 03 hộ dân (thuộc phạm vi dự án Gia cố kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng địa bàn xã Chu Minh, huyện ba Vì). Hiện địa phương đã chỉ đạo cắm biển khu vực sạt lở, thông tin, cảnh báo cho người dân.

“Các nước như Trung Quốc hay Nhật Bản đã từng xảy ra nhiều điểm vỡ đê. Vì vậy công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là hết sức lo ngại. Các địa phương cần xử lý dứt điểm vi phạm đê điều, tuần tra canh gác hệ thống đê điều ngay từ đầu đề phòng, tránh kịp thời. Các địa phương cần tiếp tục ra soát, bổ khuyết các phương án, bổ sung các phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” cùng với đó công tác thông tin cần được tăng cường để đạt hiệu quả”, ông Tuyên chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên