Sửa đổi Luật đất đai: Nên để địa phương xây dựng mức bồi thường giải phóng mặt bằng

VOV.VN - Thời gian này, nhân dân cả nước đang tập trung cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Từ thực tiễn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng tại cơ sở ở Yên Bái, người dân nơi đây có những kiến nghị để việc hoàn thiện Luật sát với thực tế hơn.

 

Thời gian này, nhân dân cả nước đang tập trung cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Từ thực tiễn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng tại cơ sở ở Yên Bái, người dân nơi đây có những kiến nghị để việc hoàn thiện Luật sát với thực tế hơn.

Tuyến đường độc đạo từ xã Minh Tiến đi xã An Phú, huyện Lục Yên (Yên Bái) có chiều dài hơn 10 km đang được thi công với vốn đầu tư theo dự toán là hơn 160 tỷ đồng. Đây là công trình rất cấp thiết, tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng đã kéo dài tới hai năm mà vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do có hộ dân chưa chấp nhận phương án đền bù.

 Vị trí cuối cùng của tuyến đường thuộc địa phận thôn Khau Ca, xã An Phú là một ví dụ. Theo thiết kế, khi thi công nền đường sẽ không gây ảnh hưởng đến các hộ dân hai bên đường; nhưng lại có 2 ngôi mộ nằm ở phía trái, vì lý do tâm linh, gia đình không đồng ý di dời. Huyện Lục Yên đã lắng nghe, đề xuất nắn tuyến, nhưng phương án này lại ảnh hưởng đến 3 hộ dân khác; 2 trong số 3 hộ này đã chấp nhận phương án đền bù, riêng nhà bà Lưu Thị Cúc dù đã nhiều lần được giải thích, tư vấn nhưng không chấp nhận mức bồi thường 150 triệu đồng.

"Gia đình đồng ý chuyển nhà nhưng giá đền bù như vậy là không thể đủ. Đền bù bây giờ phải tầm 200 triệu thì mới đủ, bây giờ theo tính toán tất cả đất đai, cây cối mới có 150 triệu thôi, chưa thể đủ được", bà Lưu Thị Cúc, người dân thôn Khau Ca, xã An Phú (Lục Yên, Yên Bái) nêu ý kiến.

Ôông Lô Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lục Yên thì khẳng định: "Không ai có thể làm khác quy định được, anh em đã tính đúng, tính đủ theo đơn giá quy định của nhà nước. Anh em trong Ban quản lý đã làm hết sức rồi".

​​ Thực tế cho thấy, không riêng người dân ở xã An Phú, huyện Lục Yên, mà nhiều người dân trong tỉnh Yên Bái cũng cho rằng sau 10 năm thực hiện Luật đất đai năm 2013, ngoài những mặt tích cực thì cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề. Riêng chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, người dân địa phương cho rằng nên để từng địa phương xây dựng khung giá phù hợp với giá thực tế…

 "Đề nghị bỏ khung giá đất theo Nghị định 96/2019 của Chính phủ và đề nghị Luật đất đai sửa đổi tới đây, khung giá đất nên để từng địa phương xây dựng, có như vậy mới sát với thực tế, tránh trường hợp người dân có ý kiến", ông Phạm Đức Huy, ở phường Đồng Tâm, TP Yên Bái bày tỏ.

 Có thể thấy, việc ban hành và hoàn thiện Luật đất đai sửa đổi sát với thực tế đang là mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên