Thành công lớn ở SEA Games 31 và những trăn trở của Thể thao Việt Nam

VOV.VN - Mặc dù thành công vang dội ở SEA Games 31 và thiết lập những kỷ lục ấn tượng, nhưng Thể thao Việt Nam vẫn còn đó những trăn trở để có thể hướng đến các đấu trường lớn hơn là ASIAD và Olympic.       

Bạn bè quốc tế đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, của Ban tổ chức SEA Games, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn chưa thể hồi phục sau Covid-19. Chứng kiến lễ hội bóng đá, trải dài từ ở Cẩm Phả, Việt Trì, đến Thiên Trường, Mỹ Đình, các HLV, các cầu thủ của Thái Lan, Malaysia, Lào, Singapore, Campuchia đều phải thốt lên: "Quá tuyệt vời!". Các Nhà thi đấu khác, số lượng tuy ít hơn nhưng mức cuồng nhiệt thì không hề kém.

Trong suốt quá trình giám sát môn Kickboxing tại Bắc Ninh, Chủ tịch Liên đoàn Kickboxing Châu Á Nasser Nassiri cảm nhận rõ thành công của môn võ này ở SEA Games 31: “Chúng ta đều phải nỗ lực rất nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tôi không có lời phàn nàn nào về SEA Games 31, có chăng chỉ là vài góp ý mang tính tức thời cho công tác của ban tổ chức. Xin cảm ơn tất cả các bạn Việt Nam vì không khí tại nơi đây. Kickboxing đã được ghi nhận bởi Ủy ban Olympic Quốc tế IOC. Và tôi phải thừa nhận rằng, sự phát triển tại các quốc gia Châu Á là lý do khiến Kickboxing được ghi nhận bởi IOC. Điều đó đã mang lại hiệu ứng tích cực cho Kickboxing trên toàn thế giới. Giờ đây, chúng tôi nỗ lực đưa Kickboxing góp mặt vào ASIAD và đang chờ tin vui”.

Theo PGS.TS Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đây là kỳ SEA Games rất thành công ở nhiều góc độ, càng ấn tượng hơn nữa nếu nhìn lại cách đây vài tháng, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội: “Tôi nghĩ thành công lớn nhất là hình ảnh Việt Nam của chúng ta đã vượt qua khó khăn, vượt qua dịch bệnh và tổ chức thành công SEA Games, số lượng khán giả đến rất đông, thể hiện nước Việt Nam rất là thân thiện.

Thành công thứ hai chính là thành tích của SEA Games. Mặc dù hai năm rất là khó khăn, không được tập huấn, thi đấu cọ xát, tuy nhiên đã có rất nhiều kỷ lục được phá. SEA Games này chúng ta tổ chức 40 môn thể thao, trong đó có 23 môn Olympic, 13 môn ASIAD. Riêng các môn Olympic thì chúng ta có sự vượt bậc.

Thành công thứ ba ở SEA Games này mà tôi nhận thấy, đó là công tác trọng tài. Thể thao chúng ta hiện tại đã hội nhập với thế giới về thể thao, thành ra về công tác trọng tài đều do sự điều hành của trọng tài quốc tế, được cử bởi các Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, Châu Á, điều khiển các trận thi đấu rất là công khai, minh bạch, và Fair-play cho tất cả các đội tham gia”.

Sự công bằng cho các cuộc thi đấu tại SEA Games 31 được đảm bảo bởi 3.000 trọng tài, trong đó lực lượng trọng tài quốc tế chiếm đến hơn 1/3. Không có bất cứ khiếu nại nào của đoàn quốc tế về việc bị “xử ép”, các trọng tài cũng không vì lợi ích huy chương của chủ nhà mà đưa ra phán quyết sai lệch. Những tình huống khó quên liên quan đến trọng tài ở các môn điền kinh, Pencak Silat hay bơi là một số minh chứng điển hình về tính minh bạch.

Dưới ngọn cờ Fair-play, Ban tổ chức đã trao 1.759 huy chương các loại cho các VĐV Đông Nam Á, trong đó có 525 HCV, với 30 kỷ lục SEA Games được xác lập. Đoàn thể thao Việt Nam phá 17 kỷ lục SEA Games, đi vào lịch sử Đại hội với kỷ lục 205 HCV.

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam sự SEA Games 31 Trần Đức Phấn cho biết: “Một số các môn thể thao Olympic từ trước đến nay thì nhiều nội dung không được thi đấu tại SEA Games thì lần này họ được thể hiện, mà thể hiện trên sân nhà, có khán giả nhà, đặc biệt là có người nhà, gia đình, cho nên tinh thần thi đấu, ý chí quyết tâm của VĐV được thể hiện rất cao.

Có nhiều VĐV không dự báo được thành tích của họ có thể đoạt được HCV nhưng tại SEA Games này họ thể hiện tinh thần rất là quyết tâm, ý chí và họ đã đạt được thành tích. Tôi đánh giá rất cao tinh thần các VĐV. Chúng tôi theo rất sát các môn thể thao Olympic và sẽ phải đánh giá từng VĐV, từng nội dung cụ thể để hướng tới đấu trường cao hơn là ASIAD, Olympic.

Chúng ta tổ chức một kỳ SEA Games rất nhiều môn Olympic và đầy đủ các nội dung như vậy, các quốc gia đều đồng cảm với Việt Nam, rất nhất trí với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” và chúng ta phải quyết tâm, đoàn kết để thể thao Đông Nam Á phát triển ở đấu trường cao hơn”.

Tự hào, nhưng ông Trần Đức Phấn cũng nhấn mạnh rằng, Thể thao Việt Nam vẫn cần khoanh vùng đúng đắn hơn nữa để tìm được định hướng đầu tư. Nếu không có những VĐV xuất chúng để đào tạo trọng điểm, Việt Nam khó cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia khi bơi ra biển lớn châu Á. Và nếu không đầu tư đúng hướng, Thể thao Việt Nam có thể lãng phí, tiềm năng.

Số lượng 205 HCV ở SEA Games, phần nhiều trong số đó nằm ở những môn Olympic, ASIAD, không đồng nghĩa với việc bảo đảm cho vinh quang tại đấu trường thế giới và châu lục. Cần nhắc đến bài học 19 năm trước, khi nước chủ nhà SEA Games 2003 xếp nhất toàn đoàn với 156 HCV, với một bầu không khí bùng cháy, nhưng ngay năm sau dự Olympic 2004, thành tích tốt nhất chỉ là vị trí thứ 5 của cử tạ, không có dấu ấn gì.

Theo chuyên gia Nguyên Hồng Minh, với Nguyễn Huy Hoàng, Quách Thị Lan và một số gương mặt khác nữa, thể thao Việt Nam không cần quá lo lắng khi tranh tài tại kỳ ASIAD vừa bị hoãn đến năm sau, nhưng vẫn còn đó rất nhiều trăn trở nếu bàn đến câu chuyện phát triển bền vững: “Chúng ta có thể đang là 205 HCV, nhưng ở đấu trường Olympic, ở ASIAD, chúng ta vẫn xếp sau Thái Lan, Singapore, vẫn xếp sau Philippines và vẫn xếp sau Indonesia. Đó là điều bắt buộc các nhà chiến lược phải suy nghĩ.

Tại sao đông như vậy, nhưng chúng ta giải quyết đỉnh cao như thế nào? Điều này đặt vấn đề đến tính chiến lược, nhưng quan trọng vẫn cần phải có nền tài chính, không chỉ của chính phủ mà cả xã hội hóa, để có thể tạo điều kiện đào tạo những VĐV trình độ cao hơn. Việc giành những HCV ASIAD là rất khó, chúng ta nhìn thấy các VĐV có tầm ASIAD, như Huy Hoàng, như Quách Thị Lan, chúng ta có một số VĐV như thế, nhưng cuộc đua tranh ở ASIAD vẫn là bài toán đòi hỏi sự nỗ lực cực kỳ khó, tôi chưa nói đến Olympic”.

Ngành thể thao phải khoanh vùng lại để tổ chức phát triển, đồng thời phải quan tâm hơn đến thể thao, đặc biệt phải đầu tư về mặt tài chính đối với thể thao thành tích cao. Nhưng không chỉ có kinh phí từ chính phủ, thể thao phải dịch chuyển theo đường hướng hoàn toàn xã hội hóa. Thể thao Việt Nam vẫn đang trình độ thấp so với châu lục và thế giới, muốn tiến lên giành HCV thì cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt phải có sự đầu tư cao hơn nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

HLV Park Hang Seo đặc cách cho Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức
HLV Park Hang Seo đặc cách cho Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức

VOV.VN - Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức được HLV Park Hang Seo đặc cách cho lên tập trung muộn để chuẩn bị cho trận giao hữu với Afghanistan.

HLV Park Hang Seo đặc cách cho Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức

HLV Park Hang Seo đặc cách cho Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức

VOV.VN - Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức được HLV Park Hang Seo đặc cách cho lên tập trung muộn để chuẩn bị cho trận giao hữu với Afghanistan.

Đội hình xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh 2021/2022: Không có Ronaldo
Đội hình xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh 2021/2022: Không có Ronaldo

VOV.VN - Ronaldo là cây săn bàn tốt nhất của MU ở mùa giải 2021/2022, nhưng CR7 vẫn không thể cạnh tranh với những chân sút khác để góp mặt trong đội hình xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh do GOAL bầu chọn.

Đội hình xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh 2021/2022: Không có Ronaldo

Đội hình xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh 2021/2022: Không có Ronaldo

VOV.VN - Ronaldo là cây săn bàn tốt nhất của MU ở mùa giải 2021/2022, nhưng CR7 vẫn không thể cạnh tranh với những chân sút khác để góp mặt trong đội hình xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh do GOAL bầu chọn.

 Lịch thi đấu U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2022: Đại chiến ngày ra quân
Lịch thi đấu U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2022: Đại chiến ngày ra quân

VOV.VN - Lịch thi đấu U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2022, đội bóng của chúng ta gặp U23 Thái Lan ngay ở trận ra quân.

 Lịch thi đấu U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2022: Đại chiến ngày ra quân

Lịch thi đấu U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2022: Đại chiến ngày ra quân

VOV.VN - Lịch thi đấu U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2022, đội bóng của chúng ta gặp U23 Thái Lan ngay ở trận ra quân.