Xử lý nghiêm địa phương cách ly y tế mà vẫn xảy ra lây nhiễm, có ca mắc COVID-19 mới

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải xem xét kỹ lưỡng, nghiêm khắc việc một số thôn, xã tại Bắc Ninh đang cách ly y tế, phong tỏa nhưng sau gần 1 tháng vẫn ghi nhận các ca mắc mới.

Chiều tối 2/6, tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cho biết, địa phương đã cơ bản kiểm soát tình hình trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, đang nỗ lực triển khai các giải pháp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại, song vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân tham gia sản xuất.

Làm rõ nguyên nhân dịch kéo dài tại Thuận Thành trong 1 tháng qua 

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính đến 6h sáng 2/6, Bắc Ninh ghi nhận 934 ca mắc COVID-19 tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 219 ca mắc COVID-19 ở 50 doanh nghiệp ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức xét nghiệm cho gần 80.000 công nhân, người lao động. Trong những ngày tới, dự kiến, số lượng công nhân được xét nghiệm sẽ tăng khi các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Từ 0h ngày 2/6, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Bắc Ninh thực hiện Quy chế phối hợp tạm thời quản lý lao động và người nước ngoài ở lại, ở tạm, làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp và đi lại giữa nơi lưu trú tập trung, cơ sở sản xuất doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất phải duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý để giảm tối thiểu 50% số lượng công nhân làm việc trong các nhà máy. Người có kết quả xét nghiệm Reltime-PCR âm tính lần 1 trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính sẽ được đến làm việc tại nhà máy và tiếp tục xét nghiệm theo định kỳ tối thiểu 10% số công nhân viên ở lại nhà máy. Các công nhân này không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định.

Các doanh nghiệp cũng phải bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Mặt khác, nơi ở được bố trí lắp đặt, bổ sung thêm các nhà tắm, nhà vệ sinh di động tại các khu vực chưa có sẵn hoặc còn thiếu so với số lượng công nhân; tăng khẩu phần và chất lượng suất ăn cho công nhân viên để bảo đảm điều kiện sinh hoạt, làm việc cho công nhân, người lao động…

Thời gian qua, lãnh đạo xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để nảy sinh chùm 17 ca mắc COVID-19 khi thực hiện giãn cách xã hội đã bị xử lý, tạm đình chỉ công tác. Tuy nhiên, trước tình trạng số lượng ca mắc tại Bắc Ninh vẫn tăng, đặc biệt số ca mắc tại huyện Thuận Thành còn kéo dài, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bắc Ninh thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội trong các khu vực được phong tỏa.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Bắc Ninh tập trung ngăn chặn, không để dịch lan từ cụm công nghiệp sang khu công nghiệp. Đồng thời, Bắc Ninh phải xem xét kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân ổ dịch ở một số xã thuộc huyện Thuận Thành kéo dài trong gần 1 tháng qua.

“Phải xem xét kỹ lưỡng, nghiêm khắc việc một số thôn, xã đang cách ly y tế, phong tỏa nhưng sau gần 1 tháng vẫn ghi nhận các ca mắc mới. Ở trong khu vực phong tỏa, cần xem xét kỹ việc người dân có qua lại, tiếp xúc với nhau. Chúng ta phải làm nghiêm túc để sớm dứt các ổ dịch ở Thuận Thành”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh.

13 doanh nghiệp tại Bắc Giang được phép hoạt động trở lại 

Từ điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, trọng tâm công tác phòng, chống dịch đang thu hẹp dần vào huyện Việt Yên, tập trung chủ yếu vào thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu và một số điểm cách ly tập trung.

Theo đó, các lực lượng vẫn tập trung vào 2 mũi phòng, chống dịch, trong đó, mũi chủ lực thực hiện tại các địa bàn trọng điểm huyện Việt Yên; mũi thứ 2 lấy ở các vùng ven, giáp ranh khác trong cộng đồng trên toàn tỉnh; từ đó đánh giá tình hình dịch bệnh địa phương.

Dự kiến, ngày 3/6, huyện Việt Yên tiếp tục di dời công nhân để giảm tải cho địa phương này, đưa sang các khu cách ly tập trung khác. Đồng thời, trong những ngày tới, Bắc Giang sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm để hoàn thiện kế hoạch Bộ Y tế giao, quyết tâm trong 1 tuần tiêm xong hết 102.000 liều vaccine (do Chính phủ phân bổ) cho công nhân.

>> Giám đốc CDC Bắc Giang bất ngờ bị tạm dừng điều hành công việc

Hiện đã có 13 doanh nghiệp của Bắc Giang (với 5.133 công nhân) được phép hoạt động trở lại theo mô hình mới, triển khai với tinh thần “thực hiện cách thức quản lý mới, giảm bớt số lượng công nhân, đảm bảo các phương án phòng, chống dịch bệnh, hạn chế ảnh hưởng đến toàn doanh nghiệp”.

Đáng lưu ý, số ca mắc mới của Bắc Giang thấp hơn so với vòng lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc thứ 2 tại các ổ dịch (trước đó 3 ngày) tại huyện Việt Yên; dự kiến tiếp tục giảm trong vòng lấy mẫu thứ 3.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bắc Giang tiếp tục tầm soát ngoài cộng đồng; đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động an toàn. Đặc biệt những “điểm nóng” tại các khu cách ly, phong tỏa tập trung nhiều công nhân, có nhiều ca nhiễm như thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên), Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, di chuyển toàn bộ công nhân ra khỏi những nơi này; làm sạch địa bàn.

Trước yêu cầu xét nghiệm trên diện rộng, số lượng lấy mẫu xét nghiệm lớn, phải huy động nhiều lực lượng,  Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bắc Ninh và Bắc Giang phân chia thời gian hợp lý để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho lực lượng y tế, không để lây nhiễm cho những người lấy mẫu hoặc được lấy mẫu, đặc biệt ở khu vực ghi nhận ca nhiễm. 

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thí điểm việc hướng dẫn nhân dân tự lấy mẫu xét nghiệm, sau đó đề nghị nhân rộng, tiến tới phổ biến cho mọi người dân, qua đó, sẵn sàng phòng trường hợp nhiều nơi cùng bị lây nhiễm vào các khu công nghiệp, cần số lượng lấy mẫu lớn.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương thúc đẩy các nhóm nghiên cứu công nghệ kết hợp để thúc đẩy các phương pháp, thiết bị xét nghiệm mới, đang được thử nghiệm, bởi thực tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng hiện nay vô cùng vất vả và tốn kém../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe người dân TP.HCM
Triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe người dân TP.HCM

VOV.VN - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị TP.HCM sớm triển khai công cụ công nghệ thông tin (robot) để thông qua tổng đài tự động gọi điện cho người dân hỏi các triệu chứng ho, sốt… để lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

Triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe người dân TP.HCM

Triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe người dân TP.HCM

VOV.VN - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị TP.HCM sớm triển khai công cụ công nghệ thông tin (robot) để thông qua tổng đài tự động gọi điện cho người dân hỏi các triệu chứng ho, sốt… để lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

PTT Lê Văn Thành: Bắc Ninh tập trung dồn lực sớm đẩy lùi dịch COVID-19
PTT Lê Văn Thành: Bắc Ninh tập trung dồn lực sớm đẩy lùi dịch COVID-19

VOV.VN - Chiều 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã làm việc với tỉnh Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. 

PTT Lê Văn Thành: Bắc Ninh tập trung dồn lực sớm đẩy lùi dịch COVID-19

PTT Lê Văn Thành: Bắc Ninh tập trung dồn lực sớm đẩy lùi dịch COVID-19

VOV.VN - Chiều 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã làm việc với tỉnh Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. 

PTT Vũ Đức Đam đề xuất TP.HCM thử nghiệm cho công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm
PTT Vũ Đức Đam đề xuất TP.HCM thử nghiệm cho công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm

VOV.VN - Tại buổi họp trực tuyến giữa PTT Vũ Đức Đam với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều nay (2/6), PTT gợi ý, TP có thể thử nghiệm việc để một nhóm nhỏ công nhân thử làm công tác tự lấy mẫu dịch để xét nghiệm.

PTT Vũ Đức Đam đề xuất TP.HCM thử nghiệm cho công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm

PTT Vũ Đức Đam đề xuất TP.HCM thử nghiệm cho công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm

VOV.VN - Tại buổi họp trực tuyến giữa PTT Vũ Đức Đam với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều nay (2/6), PTT gợi ý, TP có thể thử nghiệm việc để một nhóm nhỏ công nhân thử làm công tác tự lấy mẫu dịch để xét nghiệm.