Thể dục dụng cụ bị loại khỏi SEA Games: Nỗi buồn “hội làng”
SEA Games ngày càng giống như một “hội làng” vì sau mỗi kỳ Đại hội là chương trình thi đấu lại bị xáo tung theo sở thích của chủ nhà.
Không ai ngạc nhiên khi thể dục dụng cụ (TDDC) bị gạt khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 27, bởi thông lệ các kỳ SEA Games nhiều năm qua đã cho thấy khi nước chủ nhà không có khả năng tranh chấp ngôi vị số một toàn đoàn do tiềm lực còn hạn chế thì gần như chắc chắn họ sẽ lược bỏ một số môn thể thao không phải là sở trường của mình.
Thế nên dù TDDC có là môn thể thao thuộc hệ thống Olympic đi chăng nữa, nhưng nếu nước chủ nhà Myanmar không có cơ hội gặt hái huy chương với môn này thì đương nhiên họ sẽ loại bỏ TDDC khỏi chương trình thi đấu.
Kể từ ngày trở lại với SEA Games cho tới nay thì thể thao Việt Nam đã không còn lạ lẫm với những chuyện như vậy, bởi thế nếu bảo rằng chỉ vì không có TDDC mà thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng tới khả năng tranh chấp một trong 3 vị trí dẫn đầu chung cuộc của SEA Games thì đấy là điều không thực sự thuyết phục.
Đoàn thể thao Việt Nam với nhiệm vụ giữ một vị trí trong tốp 3 |
Đứng thứ ba, thứ nhì hay thậm chí thứ nhất toàn đoàn tại SEA Games để làm gì khi ở các sân chơi lớn hơn như Asian Games hay Olympic thì thể thao Việt Nam lại trắng tay hoàn toàn và thua kém rất nhiều quốc gia từng xếp sau mình tại SEA Games như Malaysia, Singapore hay Indonesia. Bài học thất bại của thể thao Việt Nam ở Olympic London 2012 vẫn còn nóng hổi, khi chúng ta có tới 18 VĐV giành vé chính thức tham dự Thế vận hội mà không thể có lấy một chiếc huy chương, trong khi cả Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia đều được xuất hiện trên bảng tổng sắp huy chương.