ĐT bóng đá nữ Việt Nam: Đường lên “đỉnh” còn xa
VOV.VN -Đặt mục tiêu lên ngôi vô địch AFF Cup 2015 nhưng chỉ xếp thứ 4 chung cuộc, rõ ràng đường lên “đỉnh” Đông Nam Á của thầy trò Takashi vẫn còn xa.
Trước thời điểm tan vỡ giấc mộng World Cup, chuyên gia và cũng là trưởng đoàn đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khi đó là ông Phan Anh Tú từng khẳng định các “cô gái vàng” của bóng đá nước nhà đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng, với thành phần đội tuyển có tới 3 lớp cầu thủ gồm lứa chuẩn bị “treo giày”, bắt đầu “chín” và cả những tên tuổi “măng non” mới ăn tập chuyên nghiệp.
Trong vòng chưa đầy 1 năm ngắn ngủi, sau thất bại và để tuột tấm vé dự World Cup vào tay người Thái, những vấn đề về nhân sự ở đội tuyển nữ Việt Nam chưa thể được giải quyết triệt để nhưng lại mở ra tương lai mới đầy hứa hẹn.
Các “đàn chị” lão luyện như Minh Nguyệt (sinh năm 1985) đã có thể yên tâm nghĩ tới ngày treo giày trước sự trưởng thành vượt bậc của đồng nghiệp trẻ tuổi là Huỳnh Như. Đó là câu chuyện trên hàng công khi tiền đạo 24 tuổi của CLB TP.HCM đã để lại dấu ấn đậm nét với 4 bàn thắng ở AFF Cup 2015 trong lần đầu tiên sắm vai “kép chính”.
Tuyến giữa là vai trò nổi bật của “nhạc trưởng” Tuyết Dung với khả năng đá phạt tốt cả hai chân, cùng thành tích “vô tiền khoáng hậu” ghi 2 bàn thắng trong một trận đấu từ hai đầu chấm đá phạt góc bằng cả hai chân. Tương tự, hàng thủ của ĐT nữ Việt Nam chắc chắn hơn với độ “chín” của Hải Hòa (26 tuổi) cùng người đá cặp trẻ tuổi ăn ý là Chương Thị Kiều (20 tuổi).
Lợi thế sân nhà cùng tinh thần quyết tâm cao độ, cũng như hiệu ứng HLV mới, giúp các “cô gái vàng” của bóng đá Việt Nam có màn trình diễn khá ấn tượng tại AFF Cup 2015. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, ĐT nữ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chập chững buổi giao thời.
3 năm liên tiếp, đội tuyển nữ Thái Lan đánh bại đội tuyển nữ Việt Nam trong 3 trận đấu mang tính quyết định là trận chung kết SEA Games 27 (2013), trận tranh vé dự VCK World Cup (2014) và mới đây là tại bán kết giải Đông Nam Á 2015.
Ngoài độ “chín” về phong độ từ lứa cầu thủ được đầu tư và lên tuyển từ năm 2007 ở tuổi 17, 18, các cô gái Thái còn cho thấy sự toàn diện về kỹ, chiến thuật và đặc biệt là bản lĩnh thi đấu. Điều này có thể thấy rõ nét trong màn ngược dòng giành thắng lợi 2-1 trước đội chủ nhà ở bán kết và sau đó là chiến thắng 3-2 trước Myanmar trong trận chung kết AFF Cup 2015 vừa qua.
Có thể thấy tham vọng lên “đỉnh” ở khu vực Đông Nam Á của bóng đá nữ Việt Nam cần rất nhiều thời gian phía trước. Tân HLV Norimatsu Takashi dù mới tiếp quản công việc được 3 tháng cũng cho thấy những dấu ấn đậm nét và mang lại diện mạo mới cho đội tuyển.
Ông thầy người Nhật Bản đã kết thúc “sứ mệnh lịch sử” của sơ đồ 3-5-2 truyền thống, gắn bó với ĐT nữ Việt Nam trong suốt 17 năm từ lúc được thi đấu chính thức ở giải đấu đầu tiên SEA Games 19 năm 1997 tại Jakarta cho đến năm 2014.
Trong khoảng thời gian đó, trải qua tổng cộng 6 đời HLV “ngoại” và “nội” như Giả Quảng Thác (2000-2002), Mai Đức Chung (2001, 2005, 2015), Steve Darby (2003), Ngô Lê Bằng (2006), Trần Ngọc Thái Tuấn (2006-2007), Trần Vân Phát (2007-2014) thì ĐT nữ vẫn sử dụng đúng một sơ đồ chiến thuật 5-3-2.
Cũng giống như người đồng nghiệp ở ĐT nam là Miura, ông Takashi bước đầu đặt nền móng đầu tiên cho các cầu thủ nữ bằng việc tăng cường thể lực. Thậm chí, HLV Takashi còn yêu cầu các học trò tập thêm một buổi sáng trước khi bước vào trận đấu chính thức vào chiều.
Hôm nay (13/5), ĐT nữ sẽ tập trung trở lại nhằm chuẩn bị cho chuyến du đấu kéo dài từ ngày 15-22/5 tại Australia theo lời mời từ nước bạn. Cũng vì muốn toàn tâm toàn ý cho các học trò trong chuyến tập huấn này nên HLV Takashi đã từ chối trở thành trợ lý cho ông Miura ở ĐTVN cũng như U23 VN.
Trong bối cảnh Thái Lan vẫn cho thấy sự vượt trội cùng với sự vươn lên mạnh mẽ và đầy tham vọng của Myanmar, có thể thấy đường lên “đỉnh” Đông Nam Á của ĐT nữ Việt Nam vẫn còn xa. Với ông Takashi và các học trò lúc này, tất cả chỉ mới bắt đầu./.