HLV Hữu Thắng rời SLNA: Bi kịch “tiền hết, tình tan”

VOV.VN - Tài chính CLB SLNA không thể đáp ứng yêu cầu và HLV Hữu Thắng quyết định nói lời chia tay với đội bóng quê hương sau gần 5 năm gắn bó.

Có thể với nhiều người, quyết định rời SLNA của nhà cầm quân sinh năm 1972 là bất ngờ, thậm chí có phần gây sốc, bởi ai cũng hiều tình cảm mà HLV Hữu Thắng dành cho đội bóng quê hương. Tuy nhiên, hiểu sâu xa hơn, đây là quyết định mà HLV đang được xem là biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ đã phải đắn đo từ lâu trước khi chính thức công bố.

SLNA luôn nổi tiếng là vườn ươm tài năng của bóng đá Việt Nam khi rất nhiều tài năng của bóng đá xứ Nghệ nổi lên và đóng góp rất nhiều cho môn thể thao vua của nước nhà. Mặc dù vậy, phải đến khi HLV Hữu Thắng dẫn dắt đội bóng chủ sân Vinh vào nửa sau mùa giải 2009, SLNA mới thể hiện “hồn phách” và những gì đặc trưng nhất của bóng đá Nghệ An.

Phong cách chơi bóng đầy “máu lửa”, luôn hết mình trên sân, thậm chí không ngại va chạm mà HLV Hữu Thắng truyền cho các học trò đã chinh phục người hâm mộ bóng đá cả nước nói chung và xứ Nghệ nói riêng.

HLV Hữu Thắng đắn đo rất nhiều trước khi quyết định chia tay SLNA (Ảnh: Bongdaplus)
Tình cảm mà CĐV dành cho đội bóng thành Vinh luôn là điều khiến các đối thủ của họ ở V-League phải ghen tị. Các sân bóng trên cả nước luôn tràn ngập sắc vàng khi SLNA thi đấu, đặc biệt là dưới thời HLV Hữu Thắng.

Không ít người hâm mộ SLNA ngỡ ngàng khi nhà cầm quân 43 tuổi quyết định chia tay đội bóng quê hương. HLV Hữu Thắng chính là chủ đề “nóng” trên diễn đàn CĐV đội bóng xứ Nghệ trong những ngày qua.

Có người trách móc về thời điểm ra đi của HLV Hữu Thắng đúng lúc CLB đang tràn ngập trong khó khăn. Cũng không người đồn đoán về tương lai, bến đỗ mới của nhà cầm quân sinh năm 1972. Người hiểu chuyện thì buồn vì mô hình xã hội hoá bóng đá của đội nhà đang khiến CLB lâm vào cảnh “chảy máu” tài năng và không thể giữ người nhà ở lại.

Ai cũng hiểu tình cảm mà Nguyễn Hữu Thắng dành cho đội bóng quê hương, từ khi ông từ chối cuộc sống trong mơ mà bầu Hiển hứa hẹn để chia tay Hà Nội T&T trở về Vinh. Trong gần 5 năm dẫn dắt SLNA, không chỉ gặt hái nhiều thành tích, trong đó điển hình là chức vô địch V-League 2011, “anh cả” Hữu Thắng đã truyền lại cho đàn em, các học trò khí chất của bóng đá xứ Nghệ. 

Đã từ lâu, HLV Hữu Thắng luôn là biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ (Ảnh: Bongdaplus)

Đây là lý do mà nhà cầm quân cá tính này không chỉ được nể trọng vì chuyên môn mà còn mang tính biểu tượng ở SLNA. Điều cản trở Hữu Thắng tiếp tục mối lương duyên của mình với đội bóng xứ Nghệ nằm sâu xa ở mô hình xã hội hoá, làm bóng đá nửa vời mà Ban lãnh đạo đội bóng sông Lam đang áp dụng. 

Kể từ 3-4 năm trở lại đây, SLNA gặp khó khăn về tài chính khi nhà tài trợ chính là Ngân hàng Bắc Á chỉ đầu tư nhỏ giọt và chỉ giải ngân theo đúng trách nhiệm. Trong bối cảnh khó khăn đó, Ban lãnh đạo đội bóng thành Vinh cũng chỉ biết “khoanh tay” nhìn những tài năng của đội nhà ra đi theo tiếng gọi của tương lai vì không đủ “lực” để giữ người tài.

Không những vậy, SLNA thời gian gần đây như con tàu mất lái giữa sóng gió vây quanh bởi khó khăn tài chính. Theo thừa nhận của HLV Hữu Thắng, đội bóng của ông giờ như chỉ tồn tại cho có mà không có chiến lược, mục tiêu nhất định. 

Chua chát hơn nữa, nhà tài trợ Bắc Á chỉ nhăm nhe xin rút sau khi thất bại trong công cuộc xã hội hoá bóng đá thành Vinh. Cũng giống như các trường hợp trước đó, mối duyên giữa HLV Hữu Thắng và sân Vinh kết thúc theo bi kịch “tiền hết, tình tan”. 

Các CĐV ngán ngẩm nhìn những tài năng xứ Nghệ lần lượt ra đi theo tiếng gọi của tương lai và tài chính như Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn hay mới nhất là trường hợp của Công Vinh trong sự bất lực của Ban lãnh đạo đội nhà.

HLV tâm huyết với SLNA như Hữu Thắng chắc chắn là người “đau” hơn cả khi lần lượt phải chia tay những đàn em, học trò thân thương, khăn gói rời khỏi xứ Nghệ. Đây chắc chắn là lý do chính trong quyết định nói lời chia tay đội bóng quê hương của nhà cầm quân 43 tuổi. 

HLV Hữu Thắng khẳng định sẽ không dẫn dắt đội bóng nào sau khi chia tay SLNA để tiếp tục đi học, nâng cao trình độ chuyên môn. Ngay cả thành viên trong Ban lãnh đạo B.Bình Dương cũng đã lên tiếng phủ nhận thông tin sẽ chiêu mộ nhà cầm quân sinh năm 1972 về thay thế ông Lê Thuỵ Hải. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vốn luôn khiến tất cả phải bất ngờ với những vụ “lật kèo” đình đám ở phút chót, việc nhà cầm quân xứ Nghệ về dẫn dắt đội bóng có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như B.Bình Dương, cũng như được tái ngộ không ít học trò cũ ở đất Thủ không phải là không thể xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên