Suy ngẫm về thất bại toàn diện của U19 Việt Nam
VOV.VN - Việc để thua trước U19 Hàn Quốc không có gì để bàn cãi nhưng chuyện vô tình hay hữu ý mà hờ hững với cả ĐTQG thì thật đáng lưu tâm.
Không có nhiều điều phải bàn cãi về trận thua “lấm lưng, trắng bụng” của thầy trò HLV Guillaume Graechen bởi đẳng cấp quá chênh lệch của đối thủ Hàn Quốc. Thế nhưng, những vấn đề bất cập có thể thấy rõ ràng sau thất bại nặng nề trong trận mở màn chiến dịch mà với nhiều người đó là giấc mơ vươn ra “biển lớn” của các em lại rất đáng để suy ngẫm.
Điều đầu tiên mà gần như tất cả đều nghĩ tới sau thất bại với tỷ số 1 set tennis trước U19 Hàn Quốc chính là việc U19 Việt Nam coi như đã vỡ mộng giấc mơ tham dự World Cup U20 sang năm, trong bối cảnh rơi vào bảng C tử thần tại VCK giải U19 châu Á lần này.
Thế nhưng, có vẻ như những người làm bóng đá nước nhà có lẽ vì quá “hưng phấn” vào những bước tiến thần tốc của lứa U19 lần này – với nòng cốt là các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL Arsenal JMG đã bỏ quên cái gọi là thực tế và khách quan.
Đúng là chúng ta đã vỡ mộng World Cup U20, theo cách nghiệt ngã nhất nhưng không ngoài dự đoán là ngay trận đấu mở màn – và câu hỏi được đặt ra ở đây là ai mơ hay đó là giấc mơ của ai?
Nghĩ kỹ có thể thấy dường như đó là giấc mơ quá vội vàng, thậm chí có phần viển vông được những người làm bóng đá nước nhà “nhồi nhét” vào đầu các cầu thủ U19, những mầm non tương lai của bóng đá nước nhà mới ở độ tuổi vừa rời xa ghế nhà trường.
Bản thân việc đại diện cho màu cờ sắc áo Tổ quốc thi thố ở đấu trường châu lục, lại nằm trong bảng đấu “tử thần” với đương kim vô địch Hàn Quốc hay Nhật Bản – đối thủ chúng ta chưa từng thắng 1 lần trong các lần gặp nhau gần đây và cả cường quốc như Trung Quốc, đã là sức ép quá lớn với những Công Phượng hay các đồng đội ở đội tuyển.
Giờ vì những suy nghĩ có thể xem là “vọng tưởng” từ những người làm bóng đá nước nhà mà sức ép vô hình đó khiến đôi chân của các em trĩu nặng hơn, chưa kể đẳng cấp hoàn toàn thua kém so với các cầu thủ đồng trang lứa của Hàn Quốc, dù đã chơi đầy nỗ lực.
Đó là chưa kể việc đầu tư thiếu tính toán và có phần thiếu công bằng của những người làm bóng đá nước nhà vô hình trung đã tạo nên “búa rìu” dư luận mà nạn nhân trực tiếp phải gánh chịu sức ép đó chính là các cầu thủ U19.
Việc những tài năng trẻ, được xem là tương lai của bóng đá Việt Nam được chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng từ VFF hay “bầu” Đức và thậm chí là các nhà tài trợ là điều dễ hiểu và không có gì phải bàn cãi. Ở lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, việc Công Phượng và các đồng đội có khẩu phần ăn lên tới cả triệu đồng/ngày là bình thường, nêú không muốn nói là nên duy trì để các em có thể phát triển toàn diện thể lực.
Thế nhưng, việc đầu tư thiếu chiến lược từ những người có trách nhiệm khi không biết vô tình hay hữu ý mà hờ hững với những đội tuyển quốc gia khác trong bối cảnh “nhà đông con lại không có điều kiện”, đã tạo nên làn sóng chỉ trích từ dư luận và người hâm mộ.
Lại 1 lần nữa, chúng ta thua toàn diện trước đối thủ là cường quốc bóng đá tầm cỡ châu lục, trong một trận đấu được đặt quá nhiều kỳ vọng.
Chúng ta từng “tức khí” với tuyên bố xem thường U19 Việt Nam của HLV U19 Trung Quốc, Zheng Xiong trước thềm giải đấu. Thế nhưng chính đoàn quân của HLV Zheng Xiong với chiến thuật hết sức hợp lý đã “quật ngã” ứng viên vô địch của giải là Nhật Bản với tỷ số 2-1 ở lượt trận ra quân.
Và 1 lần nữa, bài học “biết mình, biết ta, trăm trận, trăm thắng” lại khiến những người làm bóng đá nước nhà phải suy ngẫm. /.