Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến: “Đã có nhiều bài học về sự áp đặt chủ quan“

VOV.VN - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh điều này khi giải trình một số vấn đề về chương trình đầu tư cho miền núi và dân tộc thiểu số.

Chiều 12/6, sau khi 25 đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã báo cáo giải trình nhiều vấn đề.

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Về nhóm ý kiến phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng rất xác đáng.

Chính phủ đã xem xét đề án và ban hành Nghị quyết số 28, giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí cụ thể. Dự thảo quyết định này đã được đăng trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Ủy ban Dân tộc từ ngày 15/3/2020, 51 tỉnh đã phân định sơ bộ, tập hợp kết quả để làm căn cứ xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Dự kiến quý III năm 2020 Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định tiêu chí. Khi lập báo cáo khả thi sẽ có danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã, thôn đặc biệt khó khăn để thực hiện chương trình.

“Đây là một việc hệ trọng cần được tiến hành từng bước, chắc chắn, minh bạch theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, cần phải có thời gian” – Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến giải trình, đồng thời nhấn mạnh hiện nay đang có một quyết định phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đang có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến

Liên quan đến mối quan hệ của chương trình này với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay (Nông thôn mới, Xoá đói giảm nghèo) như thế nào, có trùng lắp không, ông Đỗ Văn Chiến khẳng định nội dung này đã được Hội đồng thẩm định nhà nước làm rõ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chương trình này được Quốc hội đặc biệt quan tâm phê duyệt trước, 2 chương trình sau sẽ không điều chỉnh đối tượng trùng vào chương trình này nữa.

Trước ý kiến đề nghị rà soát tích hợp chính sách và phân chia các dự án thành phần, theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đối với các chính sách còn phù hợp cơ bản đã được tích hợp trong chương trình này, phân định thành 10 dự án.

“Tiếp thu ý kiến các đại biểu khi lập báo cáo khả thi, chúng tôi sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại nguồn vốn của các dự án hợp lý hơn trong tổng nguồn lực này. Tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh dàn trải, giảm đầu mối quản lý như ý kiến các đại biểu nêu, nỗ lực cao nhất để đạt được mục tiêu như Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội” – ông Đỗ Văn Chiến nói...

Nhà nước không quyết định thay người dân

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hỗ trợ có điều kiện, nhà nước và Nhân dân cùng làm, nhiều đại biểu rất quan tâm. Do vậy, nếu địa phương không quyết liệt, đồng bào không chủ động tích cực trở thành một cuộc vận động xã hội lớn khi có vốn của Trung ương chưa chắc đã giải ngân được.

Về xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, làng nghề phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, văn hóa, tập quán của các dân tộc, ông Đỗ Văn Chiến nói y kiến này rất sát thực tiễn, đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân.

“Chúng ta đã có nhiều bài học không thành công về sự áp đặt theo ý chủ quan. Do vậy, đề xuất trong chương trình mang tính hướng dẫn, chủ yếu xây dựng mô hình để người dân tham khảo. Mô hình này theo miền, vùng chứ không phải một mô hình cho toàn quốc. Việc đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì, làm dịch vụ nghề gì có hiệu quả là do địa phương và người dân quyết định. Đúng như phương châm đã xác định, dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, nhà nước hướng dẫn, cung cấp thông tin chứ không quyết định thay người dân” – ông Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cũng tin tưởng rằng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình để hòa nhập và phát triển cùng với đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên