Xin đừng để Seba phải khóc…

Thị trường chuyển nhượng của Serie A đã mở cửa được hơn 1 tháng, những tài năng trẻ như Giovinco lại trở thành một “món hàng thừa” để các CLB lớn đẩy đi, đến khi nào họ mới được đem ra thử sức?

Mùa giải năm ngoái, cầu thủ trẻ tài năng của Juventus Sebastian Giovinco đã phải thốt lên một lời cay đắng “Nếu tôi là người Brazil hay Argentina có lẽ tôi sẽ được ra sân nhiều hơn, đáng tiếc tôi lại là một người Italy”. Câu nói đó của Seba đã làm nhiều người phải suy nghĩ. Quả thực, bóng đá Italy đang cực kỳ khan hiếm những tài năng. Thất bại thảm hại tại World Cup 2010 chính là hệ quả tất yếu của việc không có đội ngũ kế cận.

Các đây khoảng 10 năm, bóng đá Italy nở rộ tài năng, lớp trẻ của họ thống trị châu Âu ở các giải trẻ, đội U21 Italy giành tới 4/5 chức vô địch châu Âu (từ năm 1990 - 2000). Khi đó, các cầu thủ trẻ được sử dụng một cách thường xuyên tại CLB của mình, chính vì thế họ nhanh chóng trưởng thành. Chức vô địch World Cup năm 2006 chính là đỉnh cao của lứa cầu thủ năm đó như Pirlo, Gattuso, Buffon hay Zambrotta...

Song, hiện nay, đa phần các CLB ở Serie A đều có xu hướng không sử dụng các cầu thủ trẻ mang quốc tịch Italy. Sau World Cup 2010, FIGC (LĐ Bóng đá Italy) đã phải hạn chế số lượng cầu thủ ngoài EU được đăng ký  trong mùa giải mới (từ 2 xuống còn 1) nhằm kích thích các CLB trong nước sử dụng “người mình”. Nhưng, điều đó cũng không làm cho những người quản lý tích cực hơn trong việc săn lùng tài năng trẻ. Cấm cầu thủ mới ngoài EU, họ mua về những cầu thủ mới có hộ chiếu EU. Thị trường chuyển nhượng đã mở của được hơn 1 tháng, những bản hợp đồng đều hướng tới những người nước ngoài, mặc dù những cầu thủ đó về năng lực chưa chắc đã hơn “hàng nội”. Chưa kể, các ngoại binh này không thể hiểu về bóng đá Italy bằng những người bản địa. Không chỉ những ông lớn, các CLB tầm trung cũng bắt đầu hướng tới “hàng ngoại”, điển hình như 5 bản hợp đồng của Udinese hay 6 ngoại binh mới của Genoa…

Cái tâm lý cố hữu sử dụng những cầu thủ lớn tuổi, kinh nghiệm hoặc ngoại binh đã khiến những tài năng trẻ của Italy chỉ còn cách đứng nhìn. Hay nói cách khác, chính Serie A đã giết chết những tài năng của bóng đá Italy. Các cầu thủ trẻ như Seba nếu muốn ở lại thì chỉ có cách là găm mình trên băng ghế dự bị hoặc đến những CLB mới lên hạng theo các bản hợp đồng theo kiểu “rèn giũa tài năng”.  Nhưng đến bao giờ tài năng mới được rèn rũa xong. Các cầu thủ đó không có điều kiện thi đỉnh cao thì đến bao giờ mới có thể trưởng thành.

Italy không phải là không có tài năng, Macheda hay G.Rossi phải tạo dựng sự nghiệp nơi xa xứ do chính các CLB ở quê hương không ngó ngàng tới. Giovinco sau 4 đời HLV vẫn không được tin tưởng và cũng chuẩn bị cất bước ra đi. Santon, Balotelli đều là những tài năng, song họ không được tạo điều kiện để có thể cạnh tranh vị trí một cách công bằng. Inter giành cú ăn 3 nhưng trong đội hình không có một người Ý. Còn ai nữa, Cigarini, Guarente, Palladino… liệu sau này ai còn nhớ được tên của họ?

Hãy nhìn sang bên kia biên giới, Đức và Tây Ban Nha, các cầu thủ trẻ của họ được thử sức như thế nào ở các giải đấu lớn. Việc Barcelona mong muốn Fabregas trở lại như thế nào hay việc Ozil, Muller tỏa sáng tại World Cup ra sao? Những CLB lớn ở Bundesliga hay La Liga đều mạnh dạn đưa các cầu thủ trẻ vào thử nghiệm, cọ sát và đã thành công. Sao những Juve, Milan, Inter… không thể làm như vậy?

Không được rèn giũa, không thể trưởng thành, chính Azzurri phải lãnh hậu quả. World Cup 2010 chính là một ví dụ điển hình. Chưa bao giờ trong đội hình tuyển Italy lại tập hợp một đội ngũ như vậy, không ai có bất cứ một danh hiệu nào trong mùa bóng. Sau World Cup đã có những sự đổi thay, nhưng hãy nhìn vào trận giao hữu với Bờ Biển Ngà, Italy trẻ trung, chơi tốt nhưng lại vô cùng “ngờ nghệch” để rồi lãnh thất bại. Có thể trong tương lai đó sẽ lại lập lại, một binh đoàn Thiên Thanh không Champions League, không vô địch quốc gia, không có sức ép ghê gớm, không kinh nghiệm quốc tế đỉnh cao và không có cả sự khát khao chiến thắng. Gần như chắc chắn, đội tuyển lại lãnh thất bại, những giọt nước mắt lại lăn dài. Làm ơn!  Xin đừng để Seba phải khóc…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên