Thị trường triệu đô chờ bóng đá Việt Nam khai phá
VOV.VN - Nhóm các cầu thủ hàng đầu tại Việt Nam được Transfermarkt định giá lên đến 400.000 USD và lĩnh vực chuyển nhượng cầu thủ là thị trường triệu đô đang chờ bóng đá Việt Nam khai phá một cách hiệu quả.
Bóng đá Việt Nam trong những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc, với mũi nhọn là những thành tích ấn tượng từ các cấp độ ĐTQG gồm: Á quân U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, hai tấm HCV bóng đá nam và bóng đá nữ liên tiếp ở SEA Games 30 và 31, lọt vào vòng loại cuối của World Cup…
Với những thành tích ấn tượng này, bóng đá Việt Nam đã dần khẳng định vị thế ở khu vực và châu lục. Đặc biệt, sự quan tâm, dõi theo, động viên, cổ vũ và ủng hộ của người hâm mộ trong nước hết sức cuồng nhiệt, lan tỏa hiệu ứng vô cùng tích cực.
Sự xuất hiện của những cầu thủ xuất sắc, được đào tạo bài bản từ các địa phương, học viện bóng đá, câu lạc bộ… kết hợp với hiệu ứng mạnh mẽ từ những cột mốc lịch sử ở các giải đấu, đã tạo nên một thế hệ ngôi sao thực thụ của bóng đá Việt Nam như Quang Hải, Công Phượng, Hoàng Đức, Văn Hậu…
Bóng đá Việt Nam không đơn thuần là một môn thể thao, một món ăn tinh thần, mà ngày càng thu hút nhiều nguồn lực để phát triển. Đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bóng đá giống như một công cụ hữu ích, để quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả, mang lại những lợi ích về kinh tế rất rõ ràng. Thông qua bóng đá (đầu tư, tài trợ, kết nối, đồng hành, xây dựng…) các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được biết đến nhiều hơn, sức lan tỏa mạnh hơn.
Và khi bóng đá càng phát triển, giá trị của các cầu thủ càng cao, từ đó lợi nhuận sẽ được mang về thông qua các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cầu thủ rất lớn. Theo số liệu từ Transfermarkt, nhóm các cầu thủ hàng đầu tại Việt Nam được định giá lên đến 400.000 USD
Với các lứa cầu thủ tài năng liên tục xuất hiện, trong bối cảnh bóng đá ngày càng thu hút được nhiều nguồn đầu tư, thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam hứa hẹn sẽ có bước phát triển mạnh trong thời gian tới. Thực tế, tình trạng “thặng dư” cầu thủ giỏi đã bắt đầu xuất hiện tại một số đội bóng mạnh tại V-League và nhiều tuyển thủ Việt Nam đã phải chia tay (hoặc tạm chia tay) đội bóng lâu năm gắn bó để ra đi tìm kiếm cơ hội ra sân thường xuyên.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn khai phá hiệu quả tiềm năng từ thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Bên cạnh đó là khối lượng công việc lớn cần thực hiện để xây dựng và khai thác thương hiệu của bóng đá Việt Nam, ĐT Việt Nam hay các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp bóng đá./.