Châu Âu ưu tiên giải quyết khủng hoảng năng lượng trước biến đổi khí hậu

VOV.VN - Ngày càng nhiều quốc gia châu Âu cắt giảm thuế nhiên liệu để kìm hãm sự leo thang của giá xăng dầu. Động thái này được xem sẽ giúp giảm áp lực chi tiêu cho các tài xế, song lại vi phạm các cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Hầu hết các nước châu Âu đang phải chứng kiến mức tăng kỷ lục của giá dầu do xung đột Nga-Ukraine ngày càng nghiêm trọng. Giá xăng lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 euro/lít, đã tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế. Trước đó, vào năm 2018, việc giá nhiên liệu tăng ở Pháp đã gây bất ổn xã hội. Đây vẫn luôn là vấn đề chính trị nhạy cảm và là hồi chuông cảnh báo các chính phủ phải hành động nhanh chóng để ổn định tâm lý của người dân.

Biện pháp của các nước EU

Ngày 13/3 vừa qua, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết sẽ giảm 15 cent cho mỗi lít nhiên liệu vận tải trong vòng 4 tháng kể từ ngày 1/4/2022 với khoản dự chi lên tới gần 3 tỷ euro. Hôm 18/3, Italy đã ra thông báo giảm 25 cent/lít đối với giá xăng và dầu diesel đến hết tháng 4. Khoản hỗ trợ này sẽ được lấy kinh phí từ việc đánh thuế một lần đối với các công ty năng lượng có lợi nhuận tăng mạnh trong suốt 6 tháng qua. Thụy Điển cũng đã công bố các biện pháp tương tự như Pháp và Italy.

Tuy nhiên, cách các chính phủ phương Tây ứng phó trước sự leo thang của giá dầu lại vấp phải sự chỉ trích của các chuyên gia về khí hậu và một số nhà kinh tế học. Họ cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang vi phạm các cam kết cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và đang chấp nhận cái giá “quá đắt” để giải quyết tình trạng khẩn cấp về giá dầu, đó là khủng hoảng khí hậu.

Michele Governatori, thành viên của ECCO, một tổ chức phi lợi nhuận ở Italy về các vấn đề khí hậu và năng lượng, cho biết: "Các chính phủ đang đi trệch hướng, họ đã tăng các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch gây tổn hại đến môi trường thay vì cắt giảm chúng.”

Theo ông, các quốc gia nên dành trợ cấp vào việc khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, chia sẻ phương tiện cá nhân hoặc sử dụng các phương tiện bảo vệ môi trường khác. Ngoài ra, việc trợ cấp tiền mặt sẽ hỗ trợ người nghèo trong việc chi tiêu cho xăng dầu khi cần thiết, nhưng không trực tiếp khuyến khích việc sử dụng ô tô và phát thải khí nhà kính.

Cơ quan tư vấn chính sách của EU - Eurointelligence gọi các động thái này là "sai lầm" và "thụt lùi" khi trợ cấp cho những người thuộc tầng lớp trung lưu, sở hữu phương tiện ô tô thay vì hỗ trợ các hộ gia đình nghèo ít có khả năng chịu sức ép từ việc tăng giá.

Căng thẳng tại Đức

Việc giảm giá xăng hầu như không gây ra các tác động về chính trị ở Italy và Pháp, nơi các nhà bảo vệ môi trường ít có tiếng nói trong quốc hội. Tuy nhiên, tại Đức, điều này đã làm dấy lên những dấu hiệu căng thẳng đầu tiên trong chính phủ mới sau khi thủ tướng Olaf Scholz lên nắm quyền.

Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đã kiến nghị giảm giá xăng và dầu diesel với khoản trợ cấp trị giá 6,6 tỷ euro trong vòng 3 tháng. Song kế hoạch trên đã vấp phải sự phản đối từ các thành viên của Đảng Xanh.

Những bất đồng này đang đe dọa đến sự thống nhất của chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz. Đảng Xanh và một số nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz cho rằng việc giảm giá phổ thông là không công bằng vì quyền sở hữu xe hơi chủ yếu thuộc về những người có thu nhập cao trong khi giá năng lượng tăng vọt lại tạo ra áp lực cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, và đa phần không sở hữu ô tô.

Clemens Fuest, chủ tịch viện nghiên cứu kinh tế Ifo, đã đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả của biện pháp này. Jens Suedekum, cố vấn của Bộ Kinh tế Đức, cũng nhận định việc chính phủ đưa ra các khoản trợ cấp này chính là "ném tiền qua cửa sổ".

Cái giá phải trả cho những tác động của môi trường là rất lớn. Trong báo cáo tháng trước, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang tác động đến thế giới nhanh hơn nhiều so với dự báo của các nhà khoa học.

Sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí từ Nga

Ngày 18/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố kế hoạch khẩn cấp gồm 10 điểm để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, bao gồm giảm giới hạn tốc độ đường cao tốc, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần nếu có thể và triển khai chính sách ngày Chủ Nhật không có ô tô ở các thành phố. Các bước khác trong kế hoạch khẩn cấp bao gồm tăng cường chia sẻ ô tô, sử dụng tàu cao tốc và tàu điện thay vì máy bay, tránh đi công tác bằng máy bay khi có thể và khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng.

Trước khủng hoảng chuỗi cung ứng do xung đột Nga – Ukraine, IEA hy vọng các biện pháp này sẽ giúp giảm bớt 2,7 triệu thùng dầu/ngày trong lượng tiêu thụ dầu ở các nước phát triển trong vòng 4 tháng tới.

Hiện nay, Nga là nhà sản xuất dầu khí lớn thứ ba trên thế giới. Trong số khoảng 5 triệu thùng dầu thô mà nước này xuất khẩu mỗi ngày, hơn một nửa trong số đó có điểm đến là các nước châu Âu. Theo số liệu năm 2019, 27% lượng dầu thô nhập khẩu của EU là đến từ Nga. Do đó, khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung năng lượng của EU, buộc các nước EU phải đưa ra những khoản trợ cấp cho các tài xế để ứng phó với sự leo thang của giá cả khi nguồn cung khan hiếm.

Khi được hỏi liệu các khoản trợ cấp trên của các nước EU có mâu thuẫn với kế hoạch 10 điểm của IEA hay không thì cơ quan này chỉ nhấn mạnh rằng các biện pháp bình ổn giá nên được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ủy ban châu Âu, cơ quan từng kêu gọi các quốc gia thành viên cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990, cũng không lên tiếng phản đối biện pháp của các chính phủ.

Người phát ngôn của ủy ban này cho biết: “Chúng tôi hiểu tình hình khó khăn do giá năng lượng leo thang gần đây và sự cần thiết của việc giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bằng các biện pháp tạm thời và có mục tiêu”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại sứ Nga tại Mỹ: Quân sự hóa Ukraine sẽ đe dọa trực tiếp an ninh châu Âu và toàn cầu
Đại sứ Nga tại Mỹ: Quân sự hóa Ukraine sẽ đe dọa trực tiếp an ninh châu Âu và toàn cầu

VOV.VN - Việc cung cấp vũ khí và điều lính đánh thuê tới Ukraine là chính sách vô cùng nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến an ninh châu Âu cũng như toàn cầu, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhận định.

Đại sứ Nga tại Mỹ: Quân sự hóa Ukraine sẽ đe dọa trực tiếp an ninh châu Âu và toàn cầu

Đại sứ Nga tại Mỹ: Quân sự hóa Ukraine sẽ đe dọa trực tiếp an ninh châu Âu và toàn cầu

VOV.VN - Việc cung cấp vũ khí và điều lính đánh thuê tới Ukraine là chính sách vô cùng nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến an ninh châu Âu cũng như toàn cầu, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhận định.

Châu Âu chia rẽ trong kế hoạch đưa ra các biện pháp tiếp theo trừng phạt Nga
Châu Âu chia rẽ trong kế hoạch đưa ra các biện pháp tiếp theo trừng phạt Nga

VOV.VN - Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU tuần này, Liên minh châu u đang chia rẽ trong việc tiến hành những động thái trừng phạt Nga tiếp theo.

Châu Âu chia rẽ trong kế hoạch đưa ra các biện pháp tiếp theo trừng phạt Nga

Châu Âu chia rẽ trong kế hoạch đưa ra các biện pháp tiếp theo trừng phạt Nga

VOV.VN - Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU tuần này, Liên minh châu u đang chia rẽ trong việc tiến hành những động thái trừng phạt Nga tiếp theo.

Mỹ và EU sẽ tăng cường trừng phạt Nga sau chuyến thăm châu Âu của ông Biden
Mỹ và EU sẽ tăng cường trừng phạt Nga sau chuyến thăm châu Âu của ông Biden

VOV.VN - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Nga và thắt chặt các biện pháp hiện tại sau chuyến công du sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Brussels, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay.

Mỹ và EU sẽ tăng cường trừng phạt Nga sau chuyến thăm châu Âu của ông Biden

Mỹ và EU sẽ tăng cường trừng phạt Nga sau chuyến thăm châu Âu của ông Biden

VOV.VN - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Nga và thắt chặt các biện pháp hiện tại sau chuyến công du sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Brussels, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay.