Tiếng vọng cổ bên dòng sông Shannon

Lần đầu được đi tập huấn nước ngoài, trong một môi trường tuyệt vời, nên tâm lý các VĐV khuyết tật đều rất thoải mái. Nhưng bên cạnh đó vẫn là nỗi nhớ nhà.

Mỗi buổi chiều tối, khi những ánh nắng cuối ngày nhấp nháy trước khi tắt trên dòng sông Shannon, từ căn phòng của các vận động viên (VĐV) cử tạ lại vẳng lên tiếng ca vọng cổ buồn da diết. Đó là tiếng ca của Nguyễn Bình An, chàng lực sĩ cử tạ quê ở Trà Vinh. Anh đã rất nhớ nhà, bởi đã là buổi tối thứ 10 trong chuyến tập huấn của đội tuyển Paralympics Việt Nam tại Limerick, Ireland.

Đội tuyển Việt Nam tham dự Paralympics 2012 có 11 VĐV, thuộc các bộ môn điền kinh, cử tạ, và bơi lội. Trong kế hoạch tập huấn và thi đấu tại Paralympics Games 2012, các VĐV có 3 tuần tập luyện để làm quen với thời tiết và khí hậu London ở trường Đại học Limerick. Đây là lần đầu tiên các VĐV khuyết tật Việt Nam được tập huấn tại nước ngoài.

Ngôi trường đại học có khuôn viên rộng hơn 100 ha là một nơi tập huấn lý tưởng với trung tâm thể thao hiện đại, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của Olympics. Nhưng, điều khiến ông trưởng đoàn Nguyễn Thế Phiệt vui mừng nhất lại là sự thân thiện của môi trường, và con người tại đây. "Với VĐV khuyết tật, điều quan trọng nhất chính là sự tự tin, không mặc cảm. Hạ tầng ở đây mọi thứ đều được thiết kế thân thiện với người khuyết tật, từ lối đi nội bộ, đến con đường đi dạo xuyên rừng hay dọc theo dòng sông Shannon, anh em đều có thể tự mình tham gia. Cộng đồng thì từ nhân viên nhà trường, tới học sinh, sinh viên đều luôn dành tình cảm trìu mến với các VĐV."

Những ngày ở Limerick, các VĐV đặc biệt đến từ Việt Nam đã luôn khiến các sinh viên quốc tế đang theo học tại đây nể phục vì sự quả cảm. Từ sân vận động, tới hồ bơi, hay phòng tập thể hình, những người đến sớm nhất luôn là các VĐV khuyết tật Việt Nam. Từ ký túc xá đến nhà ăn xa tới mấy cây số nhưng người lái xe đưa đón VĐV thường xuyên nhận được những nụ cười và câu nói "no, thanks" từ các vị khách. Họ luôn tự đi xe lăn khi không quá mệt, một phần vì muốn tranh thủ thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp của dòng sông và những khu rừng thưa trong khuôn viên trường.

Các VĐV khuyết tật Việt Nam luôn có mặt đầu tiên tại hồ bơi để tập luyện

Lần đầu được đi tập huấn nước ngoài, lại là một chuyến tập huấn dài ngày ở môi trường hoàn hảo cho việc nâng thành tích, nên tâm lý các VĐV đều rất thoải mái. Đổi lại, đó là nỗi nhớ nhà.

Hầu hết các VĐV đều khuyết tật đều có đời sống kinh tế khó khăn. Những lúc không tham gia tập trung cho các giải đấu, họ cũng là trụ cột gia đình. Với chuyến tập huấn, và thi đấu kéo dài tổng cộng 6 tuần lễ, những lo âu, nhung nhớ là điều không tránh khỏi. Nhưng, hầu hết anh em đều không có điều kiện liên lạc về gia đình, vì một cái sim điện thoại giá 20 EURO bằng thu nhập cả tháng.

Ở Limerick buổi tối đến muộn. 22h đêm trời còn vương vấn nắng. Giờ đó, ở nhà, chàng vận động viên cử tạ Nguyễn Bình An thường ru cô con gái sắp thôi nôi bằng những câu vọng cổ. Giờ đó, ở ký túc xá trường đại học Limerick, anh thường ngồi bên cửa sổ nhìn xuống dòng Shannon và nhớ khúc sông Hậu chảy qua nhà mình. Còn hơn một tháng nữa An mới gặp con gái. Anh mơ màng nghĩ đến món quà sinh nhật cho cô bé, và thật tuyệt vời nếu như đó là một tấm huy chương mang về từ London...

VĐV cử tạ Nguyễn Bình An (phải), phút thư giãn cùng PV VOV


                                                                                                                                                            Phạm Trung Tuyến 
                                                                                                                                                                (từ Ireland)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên