Các chuyên gia cho rằng, nếu không sớm quyết liệt các giải pháp cải thiện tình trạng tình trạng ô nhiễm sẽ để lại hệ lụy lâu dài với thế hệ con cháu như tuổi thọ giảm đi, gánh nặng về y tế, kinh tế - xã hội…. gia tăng.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh về tim, phổi và đột quỵ. Hàng ngày có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nghiên cứu mới đây cho thấy tuổi thọ của những trẻ em sinh ra ngày nay trung bình bị giảm 20 tháng do hít phải bầu không khí độc hại lan rộng trên toàn cầu. Ở Nam Á và Đông Á, tuổi thọ trẻ em có thể lần lượt bị rút ngắn có nơi tới 30 tháng. Theo báo cáo từ Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (Mỹ), ô nhiễm không khí đã khiến tuổi thọ con người trên toàn thế giới giảm tới hơn hai năm.

Năm 2013, Liên Hợp Quốc đã xếp bụi mịn PM2.5 vào danh sách tác nhân gây ung thư. Tác động của nó có thể so sánh với việc hút thuốc lá, gấp 3 lần so với sử dụng rượu và 6 lần đối với HIV/AIDS. "Sát thủ" nguy hiểm hơn cả bệnh sốt rét, tai nạn đường bộ.

"Ô nhiễm không khí thực sự là một vấn nạn toàn cầu và khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm cho con người", ông Bob O'Keefe, Phó Chủ tịch WHO chia sẻ.

Những năm gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam cứ đến mùa Thu - Đông chất lượng không khí lại ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng. Ở môt số thời điểm, chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 theo chỉ số AQI (rất nguy hại) và nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam ở khoảng 10 tỷ USD mỗi năm (chiếm từ 5 - 7% GDP). Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia Việt Nam chỉ rõ, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong. Theo PGS-TS Đinh Đức Trường (Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), trong năm 2018 có tới 71.000 người tử vong liên quan đến ô nhiễm môi trường trong đó có khoảng 50.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí.

Trong hơn 20 năm qua, ô nhiễm không khí tại Việt Nam luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn so với hiện nay vào năm 2035.

Điều đáng nói là người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết “gánh nặng” ô nhiễm không khí. Nhưng cho đến nay, hầu hết còn chưa nắm rõ được những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí cũng như những hiểm họa sức khỏe về lâu dài. Vì thế, nhiều người vẫn còn rất thờ ơ và dường như đứng ngoài cuộc.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, tình trạng ô nhiễm bụi đang xảy ra ở nhiều đô thị nước ta. Chất lượng không khí ô nhiễm rất nghiêm trọng. Tại các đô thị lớn ở miền Bắc, như Hà Nội, số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc, trong đó có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu (AQI = 201- 300).

“Cho đến nay ô nhiễm không khí làng nghề vẫn chưa được kiểm soát, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa có đầu tư thích đáng cho xử lý nguồn thải, nhiên liệu thường dùng là than chất lượng thấp. Vì vậy ô nhiễm không khí làng nghề trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng về bụi, khí độc, hơi kim loại, ô nhiễm mùi và tiếng ồn. Tại nước ta ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày. Nếu không sớm cải thiện tình trạng này sẽ là hệ lụy lâu dài với thế hệ con cháu như tuổi thọ giảm đi, gánh nặng về y tế, kinh tế - xã hội…. gia tăng”, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí, điều dễ dàng cảm nhận nhất là do tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa. Tỉ lệ đốt rơm rạ ở các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội vẫn còn khá phổ biến.

Số liệu của TN&MT Hà Nội cho thấy, trung bình tỉ lệ đốt rơm rạ tại các huyện chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm rạ phát sinh sau mùa vụ (hơn 710.000 tấn rơm rạ tươi). Nhiều huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao như: Gia Lâm và Thường Tín (50%), Thạch Thất (45%), Chương Mỹ (37%)...

Với 20% lượng rơm rạ bị đốt trên địa bàn Thành phố, Sở TN&MT Hà Nội nhận định sẽ phát sinh 179 tấn bụi PM10, 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Đáng lo ngại nhất là bụi mịn PM2.5 - tác nhân gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí, điều dễ dàng cảm nhận nhất là do tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa

“Bên cạnh đó, các yếu tố từ nguồn giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và các hoạt động dân sinh không phát tán được mà đọng lại ở khu vực gần mặt đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng… cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều. Thành phố càng phát triển, công trình xây dựng, các khu công nghiệp, nhà máy càng mọc lên không ngừng. Các loại vật liệu như xi măng, đất, cát, phế liệu, khí thải… đặc biệt ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân vẫn chưa tốt, đều góp phần không nhỏ làm tăng tỷ lệ bụi mịn, gây ô nhiễm trong thành phố”, TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

Theo lý giải từ nhiều chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, phát triển công nghiệp và sức ép lên môi trường. Báo cáo kinh tế năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30% GDP quốc gia, liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 8,2% năm. Tính đến cuối năm 2020 trên phạm vi toàn quốc có 369 khu công nghiệp, tổng diện tích chiếm khoảng 114.000 ha, trong đó có 284 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tăng 72 khu công nghiệp so với năm 2015; Có 698 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm khoảng 22.000 ha. Việc tăng nhanh các dự án đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Vẫn còn khoảng 60% số cụm công nghiệp đang hoạt động chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường, đặt ra nhiều thách thức trong thời gian tới.

Báo cáo năm 2020 của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Có tới 47 làng nghề bị ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, trong đó ở miền Bắc có 34 làng nghề, miền trung có 11 làng nghề và miền Nam có 2 làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nói chung, công tác bảo vệ môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.

Cùng với công nghiệp hóa và đô thị hóa, ngành giao thông vận tải ở nước cũng đã phát triển rất nhanh chóng, gây ra nguồn thải ô nhiễm nhiễm không khí rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Đến cuối năm 2020 toàn quốc có tới 4.180.478 xe ô tô các loại và hơn 30 triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành. Công tác kiểm soát nguồn thải ô nhiễm từ giao thông vận tải còn rất hạn chế. Cho đến nay chỉ mới kiểm định khí thải đối với 1.736.188 xe ôtô động cơ xăng và 1.749.387 xe ôtô động cơ diesel đang lưu hành.

Hiện nay ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở rất nhiều phường xã vùng đồng bằng thường đốt chất thải sinh hoạt theo kiểu tự nhiên hoặc bằng các lò đốt công suất nhỏ, nhiệt độ đốt không đủ cao để đốt cháy vô cơ hóa các hóa chất độc hại, tác hại rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, thời gian gần đây vào thời vụ thu hoạch nông nghiệp, chất lượng không khí tại một số địa phương có xu hướng suy giảm, đặc biệt xảy ra vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là do hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến trong giai đoạn thu hoạch lúa, bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại từ 21h đến 1h sáng hôm sau, vượt trị số tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 5 lần…

Có tới 47 làng nghề trong cả nước bị ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng

Theo Bộ TN&MT, trong thời gian tới Việt Nam phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ ô nhiễm môi trường như các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải sẽ tìm mọi cách để phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, do đó sẽ gây áp lực rất lớn đối với môi trường không khí ở nước ta.

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, sẽ phát sinh nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan làm cho ô nhiễm càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, gia tăng bệnh dịch và rủi ro về sức khỏe cộng đồng.

Công tác quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí bộc lộ rất nhiều yếu kém, nhiều bất cập như: Văn bản pháp luật về quản lý môi trường không khí còn chưa hoàn thiện; chưa có luật không khí sạch; công nghệ sản xuất của nhiều ngành công nghiệp còn lạc hậu; nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường không khí còn hạn chế; quản lý nguồn thải ô nhiễm không khí còn chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức bảo vệ môi trường không khí của mọi người còn nhiều hạn chế.

Trước thực trạng không khí bị ô nhiễm và các chỉ số chất lượng không khí đang ở mức báo động như hiện nay, TS Hoàng Dương Tùng đưa ra một số giải pháp. Trong đó, kiểm soát phát thải khí thải từ ô tô, xe máy, tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô tô điện, xe máy điện hiện đã xuất hiện trên thị trường. Đây cũng là một giải pháp lâu dài cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Hay là khuyến khích sử dụng nhiều hơn phương tiện công cộng hơn như xe bus, xe điện trên cao, metro. Vấn đề nữa, chúng ta phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp. 

"Đối với những ngày có chỉ số AQI cao, người dân cần hạn chế ra đường đi lại nếu không có công việc thật sự cần thiết. Những khung giờ cao điểm, lưu lượng xe đi lại tăng, người dân cũng cần tránh để giảm thiểu lượng bụi hít phải trong không khí. Khi cần đi ra ngoài, nên đi tranh thủ để hạn chế thời gian di chuyển, lưu lại trên đường", TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo.

Kiểm soát phát thải khí thải từ ô tô, xe máy, tăng cường các phương tiện giao thông xanh, phương tiện công cộng là một giải pháp lâu dài cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay, theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cần hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương; tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới.

Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; phổ biến áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển về ban đêm. Thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị; Giáo dục nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không xả rác ra đường, cống, rãnh. Kiểm soát nguồn thải công nghiệp chặt chẽ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh các khu vực đô thị.

Theo WHO, khói bếp là thủ phạm thứ 4 gây tử vong ở hầu hết các nước đang phát triển và gây ô nhiễm không khí

Vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị; đối với người dân ngoại thành áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hợp lý, chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp.

“Giải pháp quan trọng bậc nhất nữa là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường không khí nói riêng và bảo vệ môi trường, nói chung. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị”, ông Nguyễn Hưng Thịnh chia sẻ.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện nay quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường nhất là môi trường không khí đang dần được hoàn thiện. Nhất là từ khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều Nghị định và các quy định khác được Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành giúp công tác quản lý và bảo vệ môi trường không khí được nâng cao.

“Sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, Nghị định, quy định được ban hành quy định rất rõ, tạo hành lang pháp lý trong thực hiện bảo vệ môi trường không khí. Đặc biệt, theo Nghị định 08 của Chính phủ, trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức nghiêm trọng, tùy vào quy mô và mức độ, cơ quan quản lý có thể đưa ra các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người dân và cải thiện chất lượng không khí. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, nếu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khoảng thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, theo cấp độ Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi quốc gia, UBND tỉnh thành phố sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên địa bàn quản lý. Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi nội tỉnh, UBND cấp tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp như hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ, thậm chí được phép đưa ra các quy định cấm hay hạn chế phương tiện đi vào tỉnh, thành phố. Để bảo vệ người dân và ứng phó kịp thời, UBND cấp tỉnh, thành phố được phép tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học. Tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời”, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) chia sẻ thêm./.

Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới (Nguồn: VTC14)
Thứ Ba, 06:12, 06/12/2022