Nghệ sĩ Hồng Ngát tâm sự, chị sinh ra trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Tình yêu với dân ca của bà bắt nguồn từ chiếc radio cũ kỹ của gia đình. Thời ấy, mọi phương tiện đều thiếu thốn, thứ duy nhất kết nối bà với âm nhạc là qua những chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà cứ lẩm bẩm hát theo những điệu dân ca rồi thuộc làu. Chính vì cái duyên từ thuở bé ấy mà khi được lựa chọn, Hồng Ngát đã từ bỏ cơ hội trở thành một diễn viên sân khấu chèo chuyên nghiệp mà chọn về Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (sau là Nhà hát VOV).

Hồng Ngát tên khai sinh là Đỗ Thị Ngát, sinh năm 1964 tại Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang. Năm 1982, sau khi học xong cấp 3 ở trường huyện, bà trúng tuyển lớp Diễn viên chèo, Khoa Kịch hát Dân tộc của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Đến năm 1983, bà mới chính thức nhập học khóa đầu, cùng thời với những nghệ sĩ như Xuân Hinh, Quốc Trượng, Xuân Quyết...

Nghệ sĩ Hồng Ngát kể: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ. Khi còn nhỏ, tôi chỉ hát dân ca theo sở thích. Tôi cũng từng được các nghệ sĩ trong đoàn chèo Hà Bắc dạy một thời gian, thế là cũng mạnh dạn đi thì rồi bất ngờ đỗ. Mọi người nói tôi có giọng hát lạ, dù ngọt ngào, trong trẻo nhưng vẫn có độ sắc nhất định. Đặc biệt là điệu bộ, cử chỉ rất hợp với diễn chèo nên tôi đã trúng tuyển. Thú thực tôi thấy mình may mắn, bởi lúc đi thi chỉ “học vẹt” vài bài chứ có phân biệt được làn điệu nào đâu”.

Sự may mắn và tài năng thiên bẩm đã mở ra con đường để cô gái Hồng Ngát đến với dân ca, nhưng sự chăm chỉ, nỗ lực rèn luyện bản thân mới là thứ giúp bà có được thành tựu như ngày nay.

Những năm theo học tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, bà thường cùng với NSƯT Xuân Hinh đi hát quan họ tại các buổi giao lưu văn nghệ ở các trường, các đơn vị bộ đội. Chính những hoạt động phong trào này đã giúp Hồng Ngát trau dồi được kinh nghiệm, tự rèn luyện bản thân cũng như được công chúng biết đến rộng rãi.

Những năm 1985, Hồng Ngát đã cộng tác hát chèo, hát văn trên sóng truyền hình. Cũng từ đấy, hầu như chương trình mừng xuân nào vào chiều 30 Tết cũng thấy “cô gái Hồng Ngát cầm quạt, chạy nhảy tíu tít”. NSƯT Đàm Thanh – một trong những đạo diễn ca nhạc đầu tiên của nước ta từng tuyên bố, nếu không mời được Hồng Ngát hát chèo thì bà không làm chương trình Tết nữa. Điều đó cho thấy, dấu ấn của Hồng Ngát để lại trong làng chèo rất sâu sắc và ấn tượng.

Chưa tốt nghiệp, Hồng Ngát đã được Đài Tiếng nói Việt Nam xin về làm ca sĩ. Bà chia sẻ: “Lúc ấy, lãnh đạo đến tận kí túc xá hỏi tôi có muốn về Nhà hát không, rồi bảo tôi ra thu thử ở phòng thu Quán Sứ. Nếu ở lại trường, tôi sẽ trở thành một giảng viên. Tôi cũng có thể trở thành một diễn viên chèo chuyên nghiệp, gắn bó với các sân khấu, chương trình truyền hình... nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn về VOV”.

Bởi vậy, sau 2 vai diễn trong báo cáo tốt nghiệp là “Quan Âm Thị Kính” và “Người đàn bà bất hạnh", NSND Hồng Ngát không tham gia bất kỳ vở chèo với vai trò diễn viên nào nữa. Từ năm 1988, bà tập trung thu thanh các bài hát dân ca, các điệu chèo cổ, lời mới để phát sóng phục vụ khán thính giả cả nước trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam một cách miệt mài, tận tụy.

Cách hát của Hồng Ngát rất khác biệt, tinh tế và sống động trong từng câu nhấn nhả, trong cách gỡ bài và xử lý tình huống. Bà tâm niệm, phải xây dựng một phong cách riêng đậm chất Hồng Ngát, vừa phải ngọt, phải trong, vừa mang lại niềm vui cho những ai nghe tiếng hát ấy. Bà luôn trân trọng và nâng niu dân ca bởi nó là hồn cốt bao đời của ông cha, là văn hóa, là tâm hồn của người Việt.

Đến nay, khi đã làm ở Nhà hát VOV được 32 năm, bà tự hào đã để lại “gia tài” kha khá với khoảng 600 bài thu ở khá nhiều thể loại như chèo, quan họ, hát văn... Với những cống hiến của mình, bà được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Hồng Ngát tâm sự, khi quyết định về VOV, có khá nhiều người đã ngăn cản bà. Thời ấy, mọi người nghĩ, về VOV chỉ có hát trong phòng thu, trong khi rõ ràng bà có nhiều cơ hội phát triển hơn ở những đơn vị khác. Nhưng như Hồng Ngát chia sẻ, chỉ có thực sự trải nghiệm mới thấy, Nhà hát VOV là một môi trường tuyệt vời như thế nào.

“Ngay ngày đầu, tôi đã được hát solo luôn. Để có được vị trí đó trong một tổ nghệ sĩ toàn những đàn anh, đàn chị như Minh Tâm, Kim Thoa, Bích Thục, Huyền Vy, Kim Đức, Duy Thường... không phải là dễ. Tôi nghĩ điểm mạnh của mình là sự học hỏi một cách chăm chỉ và tiếp thu rất nhanh, gạn lọc được những kinh nghiệm quý giá từ họ. Các anh chị em trong Nhà hát đều yêu thương, giúp đỡ, chỉ bảo nhau trong công việc và cả cuộc sống để tôi có thể mạnh dạn thử nghiệm những cách hát dân ca khác biệt, được thỏa thích sáng tạo, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho các chương trình phát sóng.

Ban lãnh đạo Nhà hát chưa bao giờ ngăn cản nhân viên tham gia các chương trình bên ngoài như một cách để tăng thu nhập, quan trọng là được cọ xát, trau dồi và học hỏi về nghề một cách sâu và rộng”.

Thời khi internet chưa phát triển, Hồng Ngát nhận được hàng chồng thư từ khán giả gửi về yêu cầu bài hát. Có những bức thư từ Trường Sa, Khánh Hòa, Côn Đảo... từ vùng núi đến biên cảnh đều yêu mến và gửi thư về cho chị.

Hồng Ngát còn nhớ mãi những ngày đi công tác ở Trường Sa, say sóng tưởng chừng... sắp chết, sóng đánh ướt sũng người toàn muối mặn, cháy nắng... ấy vậy mà khi lên đảo, được gặp các “anh bộ đội” lại vui và tràn đầy sức sống, hát cho các anh nghe không biết mệt. Đến giờ, bà vẫn giữ những chùm hoa biển được làm từ vỏ sò, vỏ ốc được các anh lính đảo tự tay làm và tặng bà.

Cả những lần ra nước ngoài diễn cho kiều bào, mới thấy tìm cảm ấm nồng của khán giả dành cho bà. Họ đều biết đến Hồng Ngát qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. “Nhờ làn sóng của VOV, giọng hát của tôi được khán giả cả nước biết đến nhiều lắm. Những khi đi diễn ở các tỉnh xa, trong cả các trại giam, mọi người cũng hỏi có Hồng Ngát có hát không? Đó là thành công, là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Bởi vậy, nửa cuộc đời dành cho Nhà hát, tôi thực sự chưa bao giờ hối hận. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn muốn làm một nghệ sĩ của VOV”.

Từ năm 2006, Hồng Ngát chuyển sang làm công tác quản lý. Lúc đấy bà là Phó Trưởng Đoàn Ca nhạc, phụ trách đội Ca nhạc Dân tộc; hiện nay là Phó Giám đốc Nhà hát VOV. Nữ NSND cho biết, khi làm quản lý, thời gian bà dành cho chuyên môn ít đi, cũng ít có tâm sức để vỡ bài, thu âm những bản nhạc mới. Nhưng bù lại, bà có cơ hội để truyền tải những kinh nghiệm quý báu của chính bản thân tới những nghệ sĩ đàn em để nối dài tình yêu dân ca trên cánh sóng.

“Ngày xưa, tôi đã được các thế hệ đàn anh, đàn chị chỉ dạy thực sự tận tình từ cách vỡ bài, cách hát, cách xử lý... nên tôi cũng muốn làm điều tương tự với các em. Tôi luôn nói với các em rằng, cái gì không biết thì hỏi, có như thế mới tiến bộ được. Mọi người nói tôi nóng tính và thẳng thắn chỉ ra những chỗ chênh phô, những điểm chưa được, nhưng như thế mới tốt cho các em.

Tôi cũng luôn khuyên các em phải tiếp cận khán giả đa dạng hơn trên nhiều nền tảng công nghệ. Bây giờ khán thính giả có nhiều lựa chọn hơn trong cách thưởng thức âm nhạc. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có nhiều kênh hình, có cả nền tảng báo điện tử, Youtube, Facebook... có thể chắp cánh cho các em rất tốt.

Điều còn lại là các em phải thực sự cố gắng, cống hiến hết mình để giữ gìn bản sắc âm nhạc truyền thống của dân tộc. Có như thế thì đến một lúc nào đó, khán thính giả sẽ nhận ra âm nhạc truyền thống cũng rất hay và độc đáo”.

Nghệ sĩ Hồng Ngát tâm sự, sau khi về hưu vào năm tới, bà vẫn muốn gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam. Có thể vào lúc đó, khi rảnh rang công việc quản lý, bà sẽ trở lại với phòng thu, sẽ vẫn tham gia thẩm định các tác phẩm và giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ mỗi khi họ cần đến bà.

Trước khi về hưu, bà và Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam – nơi bà công tác nửa đời người vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang vào tháng 9/2020. Bà vui và tự hào vô cùng. Đó là công sức của rất nhiều thế hệ các nghệ sĩ Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đã dày công tích lũy qua năm tháng mà bà cũng tự nhận đóng góp một phần nhỏ nhoi. NSND Hồng Ngát tin rằng, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển rực rỡ và là nơi chắp cánh cho nhiều lứa nghệ sĩ đến với khán giả./.



Thứ Bảy, 11:36, 05/09/2020