Trung Quốc tự bao vây bằng các động thái mới ở biên giới với Ấn Độ?

VOV.VN - Trung Quốc làm chết 20 quân nhân Ấn Độ và có thể còn mạnh tay nữa. Cùng nhiều động thái khác, liệu Trung Quốc đang tự tạo vòng vây quanh chính mình?

Cái giá của việc Trung Quốc “rắn” với Ấn Độ

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 17/6 đăng bài bình luận nói rằng Ấn Độ sẽ “trả một giá đắt” và “đối mặt với áp lực quân sự trên hai, thậm chí ba mặt trận” nếu Ấn Độ trả đũa việc quân Trung Quốc giết chết ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ bằng đá và gậy có cạnh sắc nhọn trong cuộc đụng độ ở vùng Tây Himalaya thuộc biên giới giữa 2 nước. (Quân đội Ấn Độ đã xác nhận việc 20 quân nhân Ấn Độ bị giết ở khu vực nói trên).

Lính Ấn Độ. Ảnh: Oibnews.

Tờ báo trên cũng viết đầy ẩn ý rằng “Pakistan là một đối tác tin cậy của Trung Quốc, Nepal cũng có mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ”, ám chỉ rằng một số hàng xóm của Ấn Độ có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột chống lại Ấn Độ nếu như căng thẳng leo thang.

Thời báo Hoàn cầu còn trích dẫn một học giả ở Thượng Hải (Trung Quốc) nói rằng Ấn Độ không nên “tin rằng quan hệ Trung Quốc-Mỹ xấu đi sẽ tạo cơ hội để Ấn Độ thách thức Trung Quốc”, và rằng bất cứ “động thái thiếu khôn ngoan nào” đều có thể “mang lại những hậu quả nghiêm trọng” cho Ấn Độ.

Ngay từ ngày 7/6, Thời báo Hoàn cầu đã ngầm gửi đi lời đe dọa về xung đột biên giới bằng việc lưu ý rằng Trung Quốc “đã tổ chức một chiến dịch điều động quân sự quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn lính dù cộng thêm xe thiết giáp và lượng lớn hàng tiếp tế”.

Các hoạt động này đã củng cố “thế trận” của Trung Quốc ở vùng biên giới Trung-Ấn nhưng điều này đồng thời làm cho nhiều nước phải dè chừng trước tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Nói cách khác, các động thái đó có thể khiến Trung Quốc bớt bạn thêm thù.

“Gậy ông đập lưng ông” từ tham vọng Biển Đông

Thực sự nhiều nước đã lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở nhiều nơi trong thời gian qua.

Hồi tháng 4/2020, một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động này đã khiến Philippines bất bình lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Vào tháng 6/2019, chính một tàu cá Philippines đã bị tàu Trung Quốc đâm va ở Bãi Cỏ Rong trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng tự tạo thế đối kháng với hàng loạt nước khác trong khu vực. Vào ngày 4/6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông “ảnh hưởng lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”.

Vào ngày 26/5, Jakarta đã tuyên bố rằng cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Jakarta trích dẫn phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế ở La Hay (Hà Lan) đã ủng hộ Philippines trong vụ kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hồi tháng 5/2019, một tàu khảo sát của Trung Quốc đã đối đầu cả tháng trời với một tàu thăm dò dầu mỏ của Malaysia ở Biển Đông. Tàu thăm dò địa chấn “Hải Dương Địa chất 8” của Trung Quốc được ít nhất 2 tàu hải quân Trung Quốc hộ tống cuối cùng cũng rời đi vào thời điểm tàu Malaysia rút lui sau khi đã hoàn thành công việc theo kế hoạch.

Thông tin từ các mạng xã hội và giới nghiên cứu cho thấy, tâm lý chống Trung Quốc cũng xuất hiện ở cả Myanmar.

Dư luận ở Myanmar phản đối dự án đập thủy điện Myitsone ở cực bắc quốc gia này trong khi Trung Quốc muốn thúc đẩy dự án.

Hiện nhiều người ở Myanmar có vẻ nghi ngại các đại dự án của Trung Quốc nhằm thiết lập một “hành lang kinh tế” xuyên qua Myanmar và giúp Trung Quốc tiếp cận trực tiếp Ấn Độ Dương.

Australia không còn kiêng nể Trung Quốc từ vụ Covid-19

Cách đây không lâu, Australia rất thận trọng khi phải chỉ trích Trung Quốc vì Trung Quốc là nước nhập lượng lớn khoáng sản, quặng, ngũ cốc và các tài nguyên khác từ các nhà sản xuất của Australia. Nhưng ở quốc gia này, những tiếng nói công kích Trung Quốc ngày càng tăng. Chính Ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đã lan truyền “tin sai lệch về đại dịch Covid-19” và về “nguy cơ tấn công do phân biệt chủng tộc” nhằm vào các du khách và sinh viên Trung Quốc ở Australia.

Trong bối cảnh đó Australia đã gia tăng giao lưu quân sự với Ấn Độ. Hợp tác quân sự giữa hai nước bao gồm các hoạt động hải quân và việc chia sẻ thông tin tình báo ở Ấn Độ Dương. Một thỏa thuận ký vào tháng 6 cho phép tàu chiến Ấn Độ tiếp cận các cơ sở hải quân của Australia để đáp ứng nhu cầu hậu cần.

Thủ tướng Australia Scott Morrison mới đây gọi Ấn Độ là “một người bạn tin cậy của Australia”, còn tờ Economic Times của Ấn Độ thì bình luận vào hôm 5/6 rằng “việc mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Australia cũng có ý nghĩa giữa lúc xảy ra đối đầu Ấn-Trung ở khu vực Đường Kiểm soát Thực tế và điều này có thể gửi tới Bắc Kinh một thông điệp”.

Mỹ, Nhật Bản thắt chặt quan hệ với Đài Loan

Mỹ còn gửi một thông điệp mạnh hơn tới giới lãnh đạo Trung Quốc khi vào tuần đầu tiên của tháng 6, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Russell của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Trước đó hồi tháng 5, con tàu này cũng đã có hoạt động tương tự, và phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel Maul tuyên bố điều này “thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ông này khẳng định “hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay, tàu thủy đi tới bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.

Chính sách của Trung Quốc ở khu vực này còn thúc đẩy một liên minh phi chính thức mới giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Thực sự thì Nhật Bản đã gọi Đài Loan là “một đối tác cực kỳ quan trọng” trong báo cáo chính sách đối ngoại thường niên của năm 2020. Ngày 20/5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide nói rằng Tokyo “háo hức làm sâu sắc quan hệ với Đài Loan và nhà lãnh đạo Thái Anh Văn”.

Các hành động mới đây của Trung Quốc từ dãy Himalaya cho tới Biển Đông đang phản lại chính Bắc Kinh một cách khó dự đoán và có thể tạo ra một vòng vây xung quanh họ. Tình hình này sẽ rõ ràng hơn một khi khủng hoảng Covid-19 kết thúc và các nước có một giải pháp rõ ràng hơn trước các động thái của Trung Quốc, bao gồm vụ đụng độ làm 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên