Hai tình huống kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian tới

VOV.VN - Một trong hai tình huống là dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, đặc biệt, là nếu có sự xuất hiện của những biến chủng mới khiến dịch lây lan nhanh, mạnh và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe… thì sẽ có các biện pháp ứng phó ở cấp độ cao.

Trả lời báo chí tại lễ phát động chiến dịch “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã giải thích ý nghĩa của thông điệp 2K + vaccine. Đồng thời tiết lộ kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trước khả năng có những tình huống mới trong tương lai. Theo thứ trưởng Bộ Y tế, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023.

PV: Quyết định của Bộ Y tế chuyển từ 5K sang 2K có ý nghĩa như thế nào trong chiến lược phòng, chống dịch ở giai đoạn hiện nay và những giai đoạn tiếp theo?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, dịch COVID-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát. Đến nay, chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Việt Nam đã dần nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, theo đó, trong tháng 4/2022, chúng ta đã tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu với người nhập cảnh, cũng như người dân di chuyển nội địa, hoạt động tập trung đông người đã được tổ chức lại trên cả nước… Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và đã xuất hiện những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Vì vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe của người dân.

Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch cũng như thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm tạo điều kiện để phát triển kinh tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì để thực hiện và xây dựng các thông điệp truyền thông, cũng như công thức phòng, chống dịch 2K - “Khẩu trang - Khử khuẩn” + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân… và các biện pháp phòng, chống dịch khác.

PV: Xin Thứ trưởng giải thích cụ thể hơn việc lược bỏ Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế trong 5K để giữ lại chiến lược 2K như hiện nay?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Hiện nay dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, chúng ta hướng tới mở cửa đất nước cũng như phục hồi và phát triển kinh tế đảm bảo đời sống của người dân. Vì vậy, các yêu cầu về tập trung đông người, không tụ tập đã được điều chỉnh phù hợp. Chúng ta vẫn giữ lại Khẩu trang + Khử khuẩn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Trong đó, đeo khẩu trang ở các cơ sở y tế, khu vực công cộng, khu cách ly ở những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với các địa phương và đơn vị, chúng ta khuyến kích người dân đeo khẩu trang theo yêu cầu cụ thể của từng nơi. 

Việc đưa ra những khuyến cáo này dựa trên căn cứ vào tình hình thực tế và kinh nghiệm trong hơn 2 năm chống dịch; căn cứ vào diễn biến từng vùng dịch; căn cứ theo yêu cầu vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo phục hồi kinh tế, mở cửa và hòa nhập với các nước; cũng như theo sát các hướng dẫn của WHO.           

Chúng tôi đã lấy ý kiến của rất nhiều các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, cũng như các Bộ ngành và tất cả địa phương… Tất cả các ý kiến đều thống nhất thực hiện 2K - “Khẩu trang - Khử khuẩn” + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân… và các biện pháp phòng, chống dịch khác.

PV: Với chiến lược 2K, kịch bản phòng, chống dịch của Việt Nam có những gì thay đổi so với trước đây thưa bà?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Các kịch bản trong tình huống mới có những thay đổi chúng tôi đang xây dựng theo 2 tình huống. Thứ nhất là chúng ta vẫn tiếp tục kiểm soát được dịch COVID-19 và không xuất hiện các biến chủng mới của virus hoặc các biến chủng mới không gây ra các tác động nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến cộng đồng và ảnh hưởng tới các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp như hiện nay.

Thứ 2 là dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá tầm kiểm soát của hệ thống y tế và ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Đặc biệt, là nếu có sự xuất hiện của những biến chủng mới khiến dịch bệnh lây lan nhanh, mạnh và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe… thì chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp chống dịch theo cấp độ cao hơn, có thể là cấp độ 3, cấp độ 4.

Hiện nay, chúng ta đã có hướng dẫn phân loại dịch theo các cấp độ 1 đến cấp độ 4. Theo đó, chúng ta sẽ ứng phó theo từng cấp độ. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cấp độ dịch không đánh giá trên toàn quốc mà đánh giá từ phân cấp đơn vị thấp nhất từ cấp xã, phường đến quận, huyện, thành phố…

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên