V-League 2016: Cần “tốt gỗ” chứ không chỉ “tốt nước sơn”
VOV.VN - Bước sang năm thứ 16 của hành trình chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam, VPF cùng VFF vẫn đối mặt bài toán “tốt gỗ” chứ không chỉ “tốt nước sơn”.
Ngày 2/3, Ban tổ chức V-League, VPF chính thức công bố sẽ trang bị bình xịt bọt tự tan chuyên nghiệp cho các trọng tài khi điều khiển các trận đấu trong khuôn khổ giải đấu cao nhất trong nước. Theo đó, bình xịt chuyên nghiệp sử dụng trong bóng đá được trang bị cho các trọng tài để nâng cao tính chính xác trong các tình huống đá phạt hay lập hàng rào.
V-League 2016 càng ngày càng chuyên nghiệp về công tác tổ chức. (Ảnh: VPF).
Nổi lên kể từ World Cup 2014 trên đất Brazil, việc các trọng tài ở các giải VĐQG hàng đầu thế giới, điển hình là Premier League được trang bị bình xịt và giờ đến V-League cho thấy sự cầu thị của BTC các giải đấu chuyên nghiệp, trong đó có VPF, cùng tinh thần không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp cho giải đấu.
Tương tự, việc VPF ký hợp đồng rầm rộ với các nhà tài trợ cùng việc hợp tác với SportRadar, tập đoàn cảnh báo cá cược quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ, sở hữu một loạt các chi nhánh tại hơn 25 quốc gia trên thế giới sau 15 năm thành lập, cho thấy tân Chủ tịch VPF Cao Văn Chóng đã không nói suông, khi khẳng định “V-League 2016 sẽ tốt hơn hẳn những năm trước”.
Khán giả cũng đã đến sân theo dõi V-League nhiều hơn trong mùa giải năm nay. (Ảnh: Ngọc Duy). |
VPF còn tiến dài thêm một bước trên con đường chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam bằng việc mở rộng kênh truyền hình trực tiếp V-League, bên cạnh việc bán bản quyền giải đấu cho các kênh truyền hình quốc gia. Tất cả đều cho thấy quyết tâm thực hiện, làm “ra ngô, ra khoai” của Ban tổ chức giải.
Những con số thống kê đầy ấn tượng về khán giả tới sân theo dõi các trận đấu trong hai vòng đầu tiên, cùng 17 bàn thắng/vòng 1 hay 14 bàn thắng ở vòng tiếp theo (ít hơn 1 trận do B.Bình Dương được nghỉ để thi đấu ở AFC Champions League) cho thấy VPF đang đi đúng hướng.
Pha đạp bóng kinh hoàng khiến Văn Pho bất tỉnh
Mặc dù vậy, những thông số ấn tượng nói trên không thể che lấp đi những góc tối, cần phải cải thiện và chuyên nghiệp hơn nữa, khi bạo lực sân cỏ tiếp tục ám ảnh bóng đá nước nhà sau pha vào bóng nguy hiểm của James Horace (SHB Đà Nẵng) với trung vệ Dương Văn Pho của HAGL.
Điều đáng nói ở chỗ, trong bản án kỷ luật mà VFF đưa ra ở vòng 2 này, pha “song phi” thẳng vào người đối phương của James Horace không hề phải chịu án phạt “nguội”nào , cũng như hoàn toàn bị ngó lơ.
Pha vào bóng thô bạo của James Horace khiến Văn Pho chấn thương nặng. (Ảnh: Đức Long). |
Cũng ở bản án kỷ luật đó, ngoài việc HAGL và Hải Phòng bị phạt tiền vì không thể ngăn cản các CĐV quá khích trong quá trình diễn ra trận đấu, ai cũng thấy án phạt dành cho cả BHL của CLB Hà Nội, đội bóng tân binh của giải năm nay khi cả HLV Đức Thắng và các trợ lý đều bị phạt tiền, có người bị cấm chỉ đạo 3 trận, vì phản ứng thái quá với trọng tài.
Vấn đề chuyên môn, nhận định của các ông vua sân cỏ cũng là vấn đề khiến người hâm mộ quan tâm khi có quá nhiều ý kiến cho rằng các trọng tài chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trưởng đoàn CLB HAGL còn thay mặt BLĐ đội bóng phố Núi khẳng định trọng tài Phùng Đình Dũng cố tình gây bất lợi cho họ trong trận đấu với SHB Đà Nẵng bởi hàng loạt tình huống xử lý hết sức khó hiểu.
HLV Đức Thắng cùng các trợ lý đồng loạt nhận án phạt sau vòng 2 V-League 2016 vì phản ứng trọng tài. (Ảnh: Hải Đăng). |
V-League 2016 mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, và với những gì đã diễn ra sau 2 vòng đấu đầu tiên, có thể thấy VPF cùng VFF còn rất nhiều việc phải làm. Bởi cần cả “tốt gỗ” chứ không chỉ “tốt nước sơn”, V-League không chỉ cần vẻ bề ngoài lung linh mà còn phải gây ấn tượng với giới chuyên môn và người hâm mộ bởi những trận đấu hấp dẫn và "sạch"./.