V-League và chiến thuật
Sau 9 mùa giải bóng đá Việt Nam làm chuyên nghiệp, nhưng có lẽ sự định hình trong lối chơi, hay nói cách khác, bản sắc của từng đội bóng thì vẫn chưa được đội nào chú ý.
Mùa giải bóng đá năm nay đã kết thúc với những vui buồn lẫn lộn. Có lẽ giờ này, Ban tổ chức đang chuẩn bị cho mình một lễ tổng kết và một bản báo cáo tốt đẹp về mùa giải này, khi mọi chuyện chưa có gì đi quá xa tầm kiểm soát. Thế nhưng để trả lời câu hỏi khán giả được thấy điều gì ở mùa bóng năm nay, lối chơi nào làm khán giả hài lòng thì thật khó tìm được câu trả lời thích đáng.
28 đội bóng từ chuyên nghiệp đến hạng nhất, trải qua hơn 360 trận đấu trên khắp sân cỏ cả nước, nhưng có lẽ người hâm mộ không thể nhận ra đội bóng thân yêu của mình có điều gì gây ấn tượng.
Hầu hết các đội khi chuẩn bị cho mùa bóng mới để chỉ tập trung tìm kiếm cho mình những cầu thủ khỏe, chạy nhanh, có thể thi đấu ở nhiều vị trí. Một cầu thủ đa năng là điều mà huấn luyện viên nào cũng muốn sở hữu trong đội hình, nhưng điều này cũng cho thấy, không một huấn luyện viên nào xác định tiêu chí xây dựng lối chơi để từ đó xác định con người cần thiết cho từng vị trí. Ngoại trừ Đồng tâm Long An dưới thời huấn luyện viên Calissto có được một lối chơi phòng ngự phản công đặc trưng dựa trên những cá nhân phù hợp. Còn lại không đội bóng nào từ Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương hay như mới nhất là tân vương Đà Nẵng tạo cho mình một lối chơi cụ thể.
Dưới thời huấn luyện viên Calisto, Đồng tâm Long An luôn vào trận với sự chậm rãi, chắc chắn, rình rập và chờ đợi đối thủ sơ hở để ra đòn phản công. Chỉ với 3 hoặc 4 đường chuyền là Đồng tâm Long An có thể uy hiếp khung thành đối phương. Cũng có những đội bóng làm được điều này, nhưng không thành bản sắc lối chơi như Đồng Tâm Long An. Thế nhưng ở mùa bóng năm nay, lối chơi phản công của Đồng Tâm Long An đã không còn, và người hâm mộ cũng không thể nhận ra lối chơi của đội bóng này.
Còn với Hoàng Anh Gia Lai, dù cố gắng xây dựng lối chơi xoay quanh 2 cầu thủ trụ cột là Lee Nguyễn và Thông Lao nhưng cũng không thật sự rõ nét. Bình Dương với nhiều cầu thủ chuyên môn tốt cũng không tạo cho mình được một lối chơi cụ thể. Với những đội bóng khác của giải Vô địch quốc gia thì có lẽ còn khó nhận thấy được lối chơi hơn.
Trong mùa giải năm nay cũng vậy, Đà Nẵng lên ngôi vô địch bằng một phong độ ổn định, bằng độ chín của dàn cầu thủ nội và sự bùng nổ của những cầu thủ ngoại. Thành công của Đà Nẵng là minh chứng cho sự ổn định từ băng ghế huấn luyện đến dàn cầu thủ đã gắn bó với nhau khá lâu. Nhưng nếu hỏi lối chơi của Đà Nẵng cụ thể là như thế nào thì thật khó trả lời. Các cầu thủ Đà Nẵng luôn vào trận với một tâm lý hưng phấn nhất, cố gắng áp đảo đối phương, nhưng có khá nhiều lần lối chơi của Đà Nẵng trở nên rối loạn khi gặp phải những đội bóng có tuyến tiền vệ thiên về sức mạnh.
Còn đối với những đội bóng khác, điển hình là Quân khu 4 thì lối chơi chính có lẽ là chạy thật nhiều, khiến đối phương bối rối, lúng túng, từ đó tạo cơ hội cho mình. Nhìn một cách tổng thể, hầu như không có được một đội bóng nào có được những mảng miếng phối hợp cụ thể trong tấn công và phòng ngự.
Nguyên nhân chính là sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện. Một đội bóng khó có thể xây dựng cho mình một lối chơi cụ thể nếu không có được sự ổn định trên băng ghế huấn luyện. Mà điều này dường như là điều khó trở thành hiện thực ở bóng đá Việt Nam, khi các ông chủ luôn muốn thành tích bằng mọi giá và nhanh nhất. Không chỉ có vậy, nhiều đội bóng chỉ đặt cho mình mục tiêu trụ hạng hoặc ở những vị trí trung bình cũng là một trong những yếu tố khiến chất lượng chuyên môn và tiêu chí xây dựng lối chơi không được coi trọng. Với mục tiêu này, các đội sẽ chỉ tập trung vào việc chơi cố thủ để kiếm điểm mỗi khi phải đến làm khách trên sân đối phương, và cố gắng giành chiến thắng trên sân nhà bằng bất kể lối chơi nào.
Bóng đá Việt Nam đang cố gắng đi theo hướng chuyên nghiệp, đã có một số việc chúng ta đã và đang làm được theo con đường này. Nhưng rõ ràng, ở khía cạnh chuyên môn sự chuyên nghiệp chưa được thể hiện, khi mà vẫn còn đó những toan tính thiếu chiều sâu và bài bản./.