Phương Tây bất ngờ trước đà tiến công chớp nhoáng của Ukraine

VOV.VN - Dù được báo trước về kế hoạch tiến công trên 2 mặt trận nhưng các quan chức phương Tây vẫn rất bất ngờ trước nhịp độ tiến công và những thành quả mà Ukraine đạt được ở phía Bắc.

Bất ngờ trước chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh của Ukraine

Ngay cả Lầu Năm Góc cũng không ngờ cuộc phản công của Ukraine lại diễn ra nhanh chóng như vậy. Các quan chức quốc phòng phương Tây đã được thông báo trước rằng Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc phản công trên 2 mặt trận để giành lại các lãnh thổ do Nga kiểm soát nhưng họ đã rất bất ngờ trước nhịp độ tiến công của Ukraine và những thành quả nước này giành được ở phía Bắc, 4 quan chức quốc phòng cho hay.

Các lực lượng của Ukraine tuyên bố đã chọc thủng các vị trí của Nga ở Kharkiv vào cuối tuần trước, giành lại hơn 2.500 km2 quanh thành phố này cũng như đẩy lui quân đội Nga về phía Đông - trong một vài trường hợp là tới tận biên giới Nga. Các lực lượng của Nga đã rút khỏi 2 trung tâm hậu cần quan trọng là thị trấn Izyum và Kupiansk.

Kiev đã thông báo trước cho các quan chức cấp cao Mỹ về kế hoạch tiến hành đồng thời các cuộc tấn công trên 2 mặt trận nhưng họ đã rất bất ngờ trước thành công của Ukraine trong cuộc phản công ở phía Bắc, một quan chức Ukraine cho hay.

Cuộc tấn công ở phía Bắc được tiến hành với một lực lượng tương đối nhỏ, chỉ khoảng vài lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có khoảng vài nghìn binh lính, một quan chức Mỹ và một nhà ngoại giao phương Tây nói. Quy mô và nhịp độ tiến công của Ukraine được tăng cường bởi các vũ khí do phương Tây cung cấp, đặc biệt là các hệ thống pháo phản lực có độ chính xác cao, giúp Kiev làm suy yếu các lực lượng của Nga và nhắm vào các kho đạn dược cũng như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của họ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN phát sóng ngày 11/9, Tổng thống Vladimir Zelensky nói rằng, Ukraine có thể thua trong cuộc xung đột với Nga nếu không có sự trợ giúp tài chính và quân sự liên tục từ Mỹ.

Nếu phương Tây ngừng gửi vũ khí và tiền cho Kiev, “Nga có thể thắng trong cuộc chiến này”, ông Zelensky nói với CNN.

Ukraine cũng tuyên bố quân đội nước này không chỉ giành lại các vùng lãnh thổ mà còn giành lấy những thành quả điện Kremlin từng đạt được vào mùa xuân, trong đó có thành phố Izyum mà Nga kiểm soát hồi tháng 4.

Nhiều binh lính Nga đã rút về biên giới, một quan chức quân sự cấp cao Ukraine thông báo ngày 12/9. Một số bài báo đưa tin, Nga đã bỏ lại các thiết bị quân sự, cho thấy "sự kiểm soát và chỉ huy thiếu tổ chức" của Moscow.

Mỹ cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo trên chiến trường trong một thời gian dài, từ các hình ảnh vệ tinh cho tới các nguồn thông tin khác, những thông tin mà Kiev sử dụng khi ra quyết định để nhắm vào các mục tiêu và tổ chức lực lượng, 2 quan chức Mỹ nói.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ cung cấp cho họ thông tin về tình hình chiến trường nhưng cuối cùng đó là lựa chọn của Ukraine. Quân đội Ukraine và giới lãnh đạo Ukraine đã ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc phản công này", một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nhận định với báo giới ngày 12/9.

Sự hỗ trợ của phương Tây khi Ukraine đứng trước cơ hội tốt nhất

Các quan chức phương Tây hiện đang theo dõi sát sao chiến dịch phản công của Ukraine sẽ tiến xa đến đâu ở Donbass. Phương Tây cho rằng Ukraine có thể sẽ tiếp đà tiến công bằng cách sử dụng đạn dược và vũ khí mà Nga để lại sau khi rút quân.

"Tôi sẽ xem liệu Ukraine có thể khai thác đà tiến công đang phát triển ở Donbass như thế nào. Các lực lượng của Nga có khả năng sẽ tái tổ chức lực lượng sau khi rút quân và tiến hành các cuộc phản công cục bộ", Michael Kofman, chuyên gia tại think tank CNA bình luận.

Trong khi đó, quân đội Nga và Ukraine tiếp tục đụng độ nhau tại Kherson ở phía Nam, nơi Ukraine có thể tăng cường nỗ lực làm gián đoạn hành lang trên đất liền của Nga từ Donbass tới Crimea.

"Giai đoạn hiện tại được miêu tả chính xác nhất là cánh cửa cơ hội cho Ukraine để nắm giữ thế chủ động, không chỉ giành lại lãnh thổ mà còn giáng một cú đánh vào quân đội Nga trước những gì họ cố gắng khôi phục trong mùa đông này", ông Kofman nói.

Những thành quả nhanh chóng của Ukraine đạt được giữa thời điểm sự ủng hộ của phương Tây dành cho nước này ngày càng bấp bênh. Ngày 12/9, Chính phủ Đức đã từ chối cho phép các quốc gia mua xe tăng Leopard do Đức sản xuất để chuyển chúng cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói "chưa có quốc gia nào cung cấp xe chiến đấu bộ binh hay xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây" và Berlin "sẽ không hành động đơn phương".

Đức đã đối mặt với sự chỉ trích gay gắt khi từ chối yêu cầu từ một số quốc gia về việc chuyển giao phương tiện quân sự sản xuất trong nước cho Ukraine, trong đó có lựu pháo và xe bọc thép.

Tại Washington, chính quyền Tổng thống Biden đối mặt với việc tài khóa 2022 kết thúc vào ngày 30/9/2022, đồng thời đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ quân sự và nhân đạo mới cho Ukraine trị giá 13,7 tỷ USD.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Biden thông báo gói hỗ trợ quân sự và đạn dược cho Ukraine trị giá 675 triệu USD và một quan chức Quốc hội Mỹ cho biết có khả năng sẽ có một gói hỗ trợ nữa được thông báo trong tuần này với giá trị khoảng 600 triệu USD./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên