Chính phủ chính thức trình Quốc hội chính sách đột phá phát triển TP.HCM

VOV.VN - Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội khóa XIV.

Mục tiêu xây dựng dự thảo nghị quyết là nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Đề xuất nhiều chính sách mới

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình tại Kỳ họp thứ 5, sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo thể hiện 7 nhóm cơ chế, chính sách với 44 nội dung cụ thể. Đó là các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; tại các Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác; tại các dự thảo luật trình Quốc hội.

Bên cạnh đó là các chính sách mới lần đầu được quy định với 4 nhóm vấn đề: đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.

Trong các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa (gồm 27 cơ chế chính sách), Chính phủ đề xuất: Trường hợp Thành phố dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. 

Bên cạnh đó, thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị. 

Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.

Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; Được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố. 

Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác. 

Chính phủ cũng đề xuất cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tín chỉ các-bon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách Thành phố hưởng 100%. 

Cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.

Quy định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới..; Các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược cần đáp ứng; Trình tự thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thành phố. 

Liên quan tổ chức bộ máy, dự thảo quy định số lượng cấp phó của UBND Thành phố và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. 

Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi khu công nghiệp, khu chế xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.

Quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố cho các cấp này ở TP Thủ Đức; HĐND thành phố Thủ Đức quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức…

Chính phủ cũng đề xuất hiệu lực được thực hiện trong 5 năm.

Cần chú trọng chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết vì cho rằng đẩy đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn.

Theo ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban TCNS, vấn đề được đặt ra là với phạm vi chính sách như trong dự thảo thì đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa. Cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống. 

Thành phố cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31; tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng. 

Về những chính sách kế thừa tại Nghị quyết 54, Ủy ban TCNS nhất trí với những chính sách được đánh giá là hiệu quả, cần tiếp tục kế thừa. Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy, không phải tất cả các chính sách đều đi vào cuộc sống. Vì vậy, cần rà soát từng chính sách, làm rõ đã phát huy tác dụng ở mức độ nào, tính cần thiết tiếp tục áp dụng. 

Về các chính sách tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù, cơ quan thẩm tra đề nghị cần vận dụng sáng tạo theo hướng đột phá hơn, tương xứng với vị thế, tiềm năng của thành phố.

Ngoài ra, Ủy ban TCNS cũng đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan những chính sách mới.

Theo chương trình, nội dung này được đại biểu Quốc hội thảo luận tổ vào ngày 30/5, thảo luận hội trường ngày 8/6 và xem xét biểu quyết thông qua vào chiều 24/6./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP.HCM chuẩn bị tâm thế triển khai chính sách, cơ chế đặc thù mới
TP.HCM chuẩn bị tâm thế triển khai chính sách, cơ chế đặc thù mới

VOV.VN - Tối 18/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các sở, ngành thông tin về quá trình chuẩn bị Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội.

TP.HCM chuẩn bị tâm thế triển khai chính sách, cơ chế đặc thù mới

TP.HCM chuẩn bị tâm thế triển khai chính sách, cơ chế đặc thù mới

VOV.VN - Tối 18/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các sở, ngành thông tin về quá trình chuẩn bị Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội.

Kéo dài một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch COVID-19
Kéo dài một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch COVID-19

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024.

Kéo dài một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch COVID-19

Kéo dài một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch COVID-19

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024.

Chính phủ đề xuất nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM
Chính phủ đề xuất nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM

VOV.VN - Ngày 20/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ đề xuất nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Chính phủ đề xuất nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM

VOV.VN - Ngày 20/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.