Nhiều đại biểu băn khăn về việc thành lập các Liên đoàn hợp tác xã

VOV.VN - Thảo luận về việc có nên thể chế việc quy định thành lập liên đoàn hợp tác xã trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, đây là tổ chức mới, chưa có tiền lệ, cần có thí điểm

Ủng hộ việc cần phải thể chế hóa trong luật, để có căn cứ pháp lý cho việc thành lập và phát triển các mô hình Liên đoàn Hợp tác xã thay vì thí điểm, trên cơ sở đó, giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) nêu quan điểm khi thảo luận về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Phân tích làm rõ thêm quan điểm của mình, đại biểu cho rằng, Liên đoàn Hợp tác xã là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, phát triển rất mạnh, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ, hỗ trợ thành viên, vừa hoạt động như một tổ chức, đại diện của một ngành, lĩnh vực trong nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, theo đại biểu đoàn Hà Giang, việc tổ chức mô hình liên đoàn ở các vùng, các cấp là thể hiện sự tham gia liên kết giữa các thành viên của mỗi liên đoàn đến nhiều địa phương trong vùng cũng như nhiều vùng trong cả nước. Hoạt động của các liên đoàn này cũng như hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác, không giới hạn về không gian và địa lý. Các tổ chức kinh tế hợp tác có thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của mình.

Đại biểu cũng cho rằng, việc thành lập mô hình Liên đoàn Hợp tác xã trên cơ sở các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập, chỉ cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển, quy định mô hình mới để đảm bảo chính sách của nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển, hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết số 20.

Cùng với đó, ngoài chức năng về kinh tế, Liên đoàn Hợp tác xã có chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Tương tự như việc thành lập các hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực hoặc theo địa giới hành chính của Việt Nam hiện nay thông qua các Liên đoàn Hợp tác xã, nhà nước có chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển theo từng lĩnh vực, ngành nghề. Đồng thời, nhà nước sẽ nghe được các ý kiến đa chiều, nguyện vọng của các tổ chức hợp tác, kịp thời ban hành các chính sách, khung pháp luật sát với thực tiễn.

Về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhất trí với báo cáo thẩm tra là chưa có đủ pháp lý và thực tiễn để tổ chức này được điều chỉnh trong luật. Đây là tổ chức mới, chưa có tiền lệ, cần phải có đánh giá vào thực tế trong các mô hình thí điểm xem mô hình này hoạt động ra sao, quy mô vùng, quy mô cấp quốc gia để có sự thuyết phục lớn.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết của Đảng mới nói là thí điểm, chưa nói là chúng ta thể chế hóa. Chính vì vậy chúng ta nên tổ chức thí điểm, có thực tiễn của Việt Nam sau đó sẽ đưa vào luật, như vậy sẽ phù hợp hơn, mặc dù trên thế giới hình thức này là khá phổ biến nhưng ở Việt Nam chưa có thực tiễn.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, chúng ta đã có hệ thống liên minh hợp tác xã khá mạnh và hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp theo ngành hàng cũng rất mạnh, có đến 400 hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức ngành hàng trong cả nước và các hợp tác xã hoàn toàn có thể tham gia vào các hiệp hội ngành hàng này để nói lên tiếng nói của họ đối với phát triển các ngành hàng và liên kết thúc đẩy ngành hàng đó và hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển các ngành hàng.

“Cho nên, tôi nghĩ trong nền kinh tế nước ta và trong bối cảnh hiện nay chưa nhất thiết phải thành lập các Liên đoàn hợp tác xã theo ngành hàng”, đại biểu Lộc nêu quan điểm.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị nên cân nhắc, chưa nên quy định trong luật đối với hoạt động của liên đoàn hợp tác xã. Bởi thực tế chúng ta chưa có hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trên thực tiễn mô hình liên đoàn hợp tác xã đã có; thực tiễn đã có nhu cầu, đặc biệt với các Hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn như Liên hợp tác xã dịch vụ tổng hợp của Đồng Nai hay các Hợp tác xã trong ngành lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long...

Trong khi đó, mô hình này đã phổ biến trên thế giới, trên một tinh thần chung là tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thành lập và hoạt động của liên đoàn. Việc quy định vấn đề này tại luật để xác định địa vị pháp lý của loại hình này và cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ có thể hướng dẫn, quản lý mô hình này.

Vì vậy theo Bộ trưởng, “nếu chúng ta không đưa vào lần này thì chúng ta không có cơ sở để hướng dẫn và không có cơ sở để quản lý mô hình này trong thời gian tới”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại biểu tranh luận về tên gọi của Luật Hợp tác xã sửa đổi
Đại biểu tranh luận về tên gọi của Luật Hợp tác xã sửa đổi

VOV.VN - Thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nội dung thu hút nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội là việc có nên đổi tên thành Luật các tổ chức kinh tế hợp tác xã.

Đại biểu tranh luận về tên gọi của Luật Hợp tác xã sửa đổi

Đại biểu tranh luận về tên gọi của Luật Hợp tác xã sửa đổi

VOV.VN - Thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nội dung thu hút nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội là việc có nên đổi tên thành Luật các tổ chức kinh tế hợp tác xã.

Quỹ Hợp tác xã được huy động vốn và cho vay, nếu thua lỗ ai chịu trách nhiệm?
Quỹ Hợp tác xã được huy động vốn và cho vay, nếu thua lỗ ai chịu trách nhiệm?

VOV.VN - Quy định quỹ hợp tác xã được huy động vốn và cho vay trong các thành viên, song ĐBQH băn khoăn, quỹ này có theo chế tài, quy định của ngân hàng hay không. Nếu hiệu quả là tốt, nhưng không hiệu quả, thua lỗ, mất khả năng thanh toán cho người góp vốn thì tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm?

Quỹ Hợp tác xã được huy động vốn và cho vay, nếu thua lỗ ai chịu trách nhiệm?

Quỹ Hợp tác xã được huy động vốn và cho vay, nếu thua lỗ ai chịu trách nhiệm?

VOV.VN - Quy định quỹ hợp tác xã được huy động vốn và cho vay trong các thành viên, song ĐBQH băn khoăn, quỹ này có theo chế tài, quy định của ngân hàng hay không. Nếu hiệu quả là tốt, nhưng không hiệu quả, thua lỗ, mất khả năng thanh toán cho người góp vốn thì tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm?