Việt Nam chủ nhà Asiad 18: Mừng hay lo?
(VOV) - Việt Nam đã giành được quyền đăng cai Asiad, để thành công, ngoài công tác tổ chức, thì khía cạnh chuyên môn rất quan trọng.
Tại phiên họp toàn thể Hội đồng Olympic châu Á (OCA) diễn ra tại Macao (TQ), Chủ tịch OCA Sheikh Ahmad Fahad Al-Sabah đã công bố kết quả cuộc đua giành quyền đăng cai Asiad 18. Có tất cả 45 lá phiếu được phát cho 45 quốc gia thành viên của OCA và Hà Nội đã vượt qua Surabaya của Indonesia để trở thành địa điểm đăng cai Asiad 2019. Trước đó thành phố còn lại là Dubai của UAE đã rút lui do không nhận được sự ủng hộ của chính phủ.
Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, một quốc gia tại khu vực Đông Nam Á được vinh dự tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất châu lục. Gần đây nhất, Asiad 1998 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh tại phiên họp của OCA (Ảnh: ocasia.org) |
Phát biểu tại buổi họp báo về việc trao quyền đăng cai Asiad 2019 cho Việt Nam, Chủ tịch OCA Al-Sabah cho biết: "Mọi người đều nhớ đến kỳ Asian Indoor Games năm 2009 tại Hà Nội, tất cả những người tham gia đều rất hài lòng và muốn quay lại Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ tổ chức Asian Beach Games năm 2016 tại Nha Trang và qua kinh nghiệm này, tôi tin rằng các bạn sẽ tổ chức một kỳ Asian Games thành công vào năm 2019. Chúng tôi có niềm tin vào các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, thành phố Hà Nội, Ủy ban Olympic Việt Nam cùng sự hợp tác của OCA. Việt Nam có tất cả những điều kiện thuận lợi, một đất nước có tiềm năng, nền kinh tế hứa hẹn sẽ bùng nổ".
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: "Tôi rất hạnh phúc, điều này rất tốt cho Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức thành công SEA Games, Indoor Games năm 2009. Dựa trên kinh nghiệm này, chúng tôi biết có nhiều việc cần phải làm để tổ chức một kỳ Asiad thành công".
Còn trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho rằng, được đăng cai Asiad là một thắng lợi lớn của Việt Nam. Trước tiên, qua Asiad, Việt Nam sẽ quảng bá được hình ảnh của mình, được giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia. Asiad cũng sẽ kích thích các ngành dịch vụ, du lịch phát triển. Đi cùng với đó là sự nâng cấp các công trình đặc biệt là về giao thông, khách sạn… từ đó tất cả người dân sẽ được hưởng lợi.
Còn nhiều việc phải làm
Để một kỳ đại hội được thành công, ngoài yếu tố về tổ chức thì khía cạnh chuyên môn là rất quan trọng. Như chúng ta đã biết, trong 2 kỳ Asiad gần đây, thành tích của đoàn TTVN đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Gần đây nhất, tại Asiad Quảng Châu 2010, đoàn TTVN chỉ dành được duy nhất 1 tấm HCV của VĐV Teakwondo Lê Bích Phương. Đáng lo ngại hơn, thành tích của đoàn TTVN tại các kỳ Asiad liên tục đi xuống. Cụ thể vào năm 2002 tại Busan, chúng ta có 4 HCV, năm 2006 tại Doha số lượng HCV chỉ còn 2 và ở Quảng Châu chỉ còn 1.
Chính vì vậy, để xứng tầm nước chủ nhà của một kỳ Asiad, TTVN cần phải có chiến lược đầu tư về con người. Hiện tại chúng ta chưa có một chương trình đào tạo VĐV cụ thể nào cho Asiad. Thời gian tổ chức còn đúng 7 năm nữa và nó là vừa đủ để tạo ra một lứa VĐV mới đủ tầm cạnh tranh huy chương tại đấu trường châu lục. Tuy nhiên, việc đào tạo các VĐV phải có một chương trình và chiến lược cụ thể để thông qua Asiad có một mô hình đào tạo VĐV lâu dài, phục vụ cho tương lai chứ không thể “ăn xổi” theo kiểu nuôi gà chọi như hiện nay.
Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao thì việc vạch ra kế hoạch đăng cai Asiad 18 là một bài toán đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta còn nhiều công trình chưa đủ chất lượng để phục vụ đại hội, chính vì vậy phải phân chia từng giai đoạn xây dựng, sửa sang cơ sở vật chất./.