Nhìn lại sân cỏ thế giới 2009

World Cup, khủng hoảng tài chính và Lionel Messi!

Là một năm lẻ, 365 ngày vừa qua không có một đại tiệc thực sự của sân cỏ thế giới như EURO hay World Cup. Thế nhưng không vì thế mà năm 2009 thiếu vắng sự nhộn nhịp.

Thậm chí, lịch thi đấu còn dày đặc hơn khi vòng loại World Cup 2010 hạ màn. Bên cạnh đó, những sân chơi được chú ý nhất như Champions League chứng kiến màn lên ngôi của thứ bóng đá đẹp mang tên Barcelona. Trên khía cạnh cá nhân, tài năng trẻ người Argentina Lionel Messi (ảnh) chính là ngôi sao sáng nhất.

Khởi tranh từ tận tháng 8/2007, hành trình đến Nam Phi mùa Hè năm sau đã khép lại vào trung tuần tháng 11/2009. Đây là vòng loại dài nhất của một giải bóng đá thế giới với 200 đội tham dự (nhiều nhất từ trước đến nay), trải qua 853 trận đấu để cuối cùng tìm ra 31 cái tên sẽ góp mặt ở ngày hội mùa Hè 2010. Nhìn chung, vòng loại này ghi nhận nhiều kỷ lục như lượng khán giả lên tới 20 triệu người (vòng loại đông khán giả nhất trong lịch sử World Cup). Tuy nhiên, cũng có một số liệu hơi thất vọng là tỷ lệ bàn thắng trung bình chỉ là 2,75 bàn/trận, mức thấp nhất kể từ vòng loại World Cup 1990.

Dù sao, người hâm mộ cũng hài lòng với một kịch bản đẹp: sôi nổi, nghẹt thở đến phút chót song rốt cuộc không tên tuổi lớn nào phải ôm hận như Anh vắng mặt tại EURO 2008. Khắp mọi châu lục, các đại gia, dễ dàng hay khó khăn, cũng đều nắm được tấm vé trên chuyến tàu tới Nam Phi. ở khu vực đáng chú ý nhất là Châu Âu, ĐKVĐ thế giới Italy hay ĐKVĐ Châu Âu Tây Ban Nha hòa cùng niềm vui với Anh, Hà Lan, Đức… Đáng chú ý nhất chỉ là hồi kết đầy tranh cãi của quyền lực một thời Pháp. Bàn thắng quyết định cho “Gà trống Gaulloise” được trợ giúp quan trọng bởi bàn tay của Thierry Henry khiến Ireland phải ôm hận ở lượt về vòng play-off. Nhưng rõ ràng, đó là kết cục mà FIFA có thể mỉm cười bởi World Cup 2010 sẽ không thiếu vắng một cái tên quen thuộc. ở Nam Mỹ, Argentina cùng nhà huấn luyện đầy lộn xộn Diego Maradona cũng kịp vượt qua những ác mộng để đoạt vé chính thức vào phút chót.

Lionel Messi là ngôi sao sáng nhất năm 2009

Và lễ bốc thăm chia bảng World Cup 2010 cuối năm qua cũng là một sự kiện đáng lưu tâm. Càng thú vị hơn khi số phận tạo nên một bảng G tử thần với sự hiện diện của Brazil, Bồ Đào Nha, Bờ Biển Ngà cùng CHDCND Triều Tiên. World Cup 2010 đã sớm được hâm nóng tột độ ngay từ năm 2009.

Bóng đá đẹp lên ngôi

Ở cấp độ CLB, sân cỏ thế giới không chứng kiến nhiều biến động tại những giải hàng đầu. Bóng đá Anh tiếp tục ghi nhận cái tên vô địch quen thuộc Manchester United. Barcelona bảo vệ ngôi Vương thành công ở La Liga. Nhưng trên đấu trường danh giá nhất là Champions League, họ đã đổi vai cho nhau.

Lời nguyền không đội nào giữ được quyền trượng châu Âu 2 năm liên tiếp lại linh nghiệm. Manchester United đi đến được tận trận chung kết song rút cuộc phải nhường ngôi lại cho Barcelona một cách “tâm phục khẩu phục”. Màn so tài vào cuối tháng 5 tại Rome (Italy) giữa họ là sự tôn vinh bóng đá đẹp. Trong 90 phút đụng độ giữa hai trường phái tấn công đó, Manchester United hoàn toàn lép vế trước một phong cách hoàn hảo của Barcelona, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý thức chiến thuật và trình độ kỹ thuật siêu hạng. Đây chính là sự tiếp nối thành công của bóng đá Tây Ban Nha nói chung kể từ sau khi đăng quang EURO 2008. Ghi cả hai bàn thắng đều là những ngôi sao ngoại (Samuel Eto’o, Messi) song nền tảng cho trường phái tiqui-taca đặc trưng đó chính là từ các đôi chân nội như Xavi, Iniesta… Họ không cao song đã khiến cả Châu Âu phải ngước nhìn.

Và trong bức tranh lung linh đó là sự rực sáng của Messi. Anh chính là cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá thế giới 2009. Sau 2 năm bị khuất bóng bởi Kaka và Cristiano Ronaldo, Messi đã thể hiện mình là số 1 đầy thuyết phục khi thâu tóm trọn vẹn bộ ba danh hiệu cá nhân mà nổi bật nhất chính là “Quả bóng Vàng Châu Âu 2009”. Trong cuộc bình chọn của tạp chí France Football, ngôi sao mới 22 tuổi này đạt số phiếu áp đảo so với Ronaldo, chủ sở hữu danh hiệu cao quý này năm ngoái.

Chuyện tiền nong

Hậu trường sân cỏ thế giới 2009 cũng không nằm ngoài tình trạng chung của thế giới: Khủng hoảng kinh tế. Trong sự rối ren của tài chính toàn cầu, trái bóng tròn không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực.

Thị trường chuyển nhượng chính là nơi thể hiện rõ nhất điều đó. Thực ra, ngay từ thị trường mùa Đông đầu năm, sự u ám đã xuất hiện. Song thị trường mùa Hè mới là minh chứng xác thực nhất. Đây là phiên chợ lớn nhất năm, thế nhưng một trung tâm shopping quen thuộc là Premier League cũng “thắt lưng buộc bụng” rõ nét. Các đại gia như Manchester United dù bán đi Ronaldo cho Real Madrid thu về 80 triệu bảng song cũng chi tiêu rất tằn tiệm, đem về các tên tuổi còn vô danh như Luis Valencia, Gabriel Obertan hay lão tướng hết thời Michael Owen. Mức độ vung tiền nói chung của giải Ngoại hạng chỉ được cứu vãn nhờ “nhà giàu mới nổi” Manchester City. Nhưng cái dở cho các ông chủ Arab, những người vốn ít bị sốc bởi cuộc khủng hoảng thế giới, là đội bóng của họ chưa có danh tiếng để thu hút được các sao lớn. Chi tới hơn 100 triệu bảng, song Manchester City mới chỉ tập hợp được một đội hình “khá” mà thôi, chưa đủ sức ganh đua với các đại gia quen thuộc.

Trong nỗi lo toan về tài chính đó, Real Madrid là một hiện tượng đặc biệt. Trở lại ghế chủ tịch CLB, nhà tài phiệt Florentino Perez đã vung tay xây “Dải ngân hà” mới khi đính lên đó 8 ngôi sao tốn kém hơn 250 triệu euro. Đắt đỏ nhất là hợp đồng kỷ lục thế giới mới 80 triệu bảng của Ronaldo… Liệu tiền bạc có đem lại vinh quang cho họ khi thách thức lớn nhất với Real Madrid chính là một Barcelona cùng Messi “vô đối” trong năm 2009? Năm 2010 sẽ là câu trả lời…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên