Khu công nghiệp gây ô nhiễm khu dân cư

VOV.VN - Mặt trái của khu công nghiệp này là tình trạng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, cần được sớm khắc phục.

Cùng với Khu công nghiệp Giao Long, Khu công nghiệp An Hiệp, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, mặt trái của khu công nghiệp này là tình trạng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, cần được sớm khắc phục.

Khu tập kết phế thải của công ty cổ phần mía đường tại KCN An Hiệp mất vệ sinh, gây ô nhiễm.

Ông Huỳnh Văn Sua cũng như nhiều hộ dân ở xã An Hiệp bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ một số doanh nghiệp ở Khu công nghiệp An Hiệp.

Tình trạng này xảy ra trong một thời gian dài đến nay chưa khắc phục. Theo ông Sua, ban ngày thì mùi hôi tỏa ra từ các nhà máy mía đường, chế biến cơm dừa.

Đêm đến các công ty chế biến thủy sản xả nước thải ra sông rạch gây ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

“Mấy ông xả nước lén ra ban đêm, nó hôi thối là chuyện tất nhiên rồi. Mấy hộ ở gần kênh là ảnh hưởng hết. Nước ô nhiễm nên gia đình tôi chứa rất nhiều hồ nước, không dám sử dụng nước sông đó bị ô nhiễm. Ngồi đây một chút sẽ thấy 5-7 ghé cá, xả nước nhớt cá trong ghế ra là biết mùi hôi”, ông Sua cho hay.

Ao chứa nước đen kịt từ nhà máy đường.

Khu công nghiệp An Hiệp, thành lập năm 2008, tại ấp Thuận Điền, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Khu có tổng diện tích 72ha, trong đó diện tích khu công nghiệp khoảng 65 ha và khu dân cư  gần 7 ha.

Đến nay, diện tích khu công nghiệp này gần như lấp kín với gần 30 dự án đầu tư trong các lĩnh vực: chế biến thủy sản, thức ăn gia súc, chế biến các sản phẩm từ trái dừa, mía đường.

Khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải nhưng không ít doanh nghiệp lén lút xả thải ra kênh, rạch. Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển cá đến đây cũng xổ xả nước thải từ hầm và cá chết ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Một số doanh nghiệp chưa xử lý mùi hôi triệt để nên cũng thường xuyên gây ảnh hưởng đến khu dân cư lân cận.

Nhà máy chế biến thủy sản và ghe vận chuyển cá  tại KCN An Hiệp thường xuyên xổ xả nước chưa xử lý ra kênh rạch.
Bà Huỳnh Thị Thúy, người dân xã An Hiệp kiến nghị: “Bây giờ đề nghị ngành chức năng phải kiểm tra dùm. Doanh nghiệp dừng xả ra mùi hôi, nước ô nhiễm xuống sông nữa. Kinh doanh phải đảm bảo an toàn cho người dân. Họ có quyền lợi của họ, người dân cũng có quyền lợi của người dân”.

Thời gian qua, nhiều hộ dân phản ảnh đến các ngành, các cấp ở tỉnh Bến Tre, thậm chí cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt nhưng vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp An Hiệp vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Ông Trần Hoa Nam, Bí thư Đảng ủy xã An Hiệp nói: “Nguy hại là công ty xả ra môi trường, ô nhiễm nguồn nước, dân mình xài dễ bệnh. Khi nước lớn tràn qua xã bạn cũng bị ảnh hưởng. Về lâu dài, địa phương mong muốn lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chuyên môn, cảnh sát môi trường…tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các công ty này để tạo điều kiện thứ nhất vấn đề xả thải, nên đấu nối vào khu xử lý tập trung. Qua xử lý thải ra môi trường cho ổn định nguồn nước để dân bớt bức xúc”.

Nước trong rạch An Hiệp nay đã bị ô nhiễm, người dân không thể sử dụng cho sinh hoạt.

Sản xuất kinh doanh phải thân thiện với môi trường, thu hút đầu tư không bằng mọi giá, đây là chủ trương nhất quán của Đảng - Nhà nước. Do đó, những hoạt động ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhiều hộ dân tại Khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phải sớm được chính quyền, các ngành chức năng quan tâm, chấn chỉnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thêm một nhà máy tại khu công nghiệp Tằng Loỏng bị phạt nặng
Thêm một nhà máy tại khu công nghiệp Tằng Loỏng bị phạt nặng

VOV.VN -Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung bị phạt vì không chấp hành các pháp luật về môi trường.  

Thêm một nhà máy tại khu công nghiệp Tằng Loỏng bị phạt nặng

Thêm một nhà máy tại khu công nghiệp Tằng Loỏng bị phạt nặng

VOV.VN -Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung bị phạt vì không chấp hành các pháp luật về môi trường.