Nâng hạng thị trường chứng khoán: Minh bạch thông tin là yêu cầu tất yếu
VOV.VN - Minh bạch thông tin là yêu cầu tất yếu nếu muốn nâng hạng thị trường. Việc minh bạch thông tin sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Namđón nhận nhiều lợi ích như tăng tính hấp dẫn của thị trường, tăng khả năng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn nước ngoài.
Minh bạch thông tin là yêu cầu tất yếu
Theo PGS. TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, thực tế tại nhiều thị trường chứng khoán đang phát triển cho thấy, việc phụ thuộc vào mức độ tự nguyện trong cung cấp thông tin của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thường đem lại hiệu quả không cao do các doanh nghiệp hiện nay chưa hiểu đúng về các lợi ích của minh bạch thông tin.
Kể cả khi các cơ quan quản lý có đưa ra hệ thống các quy định, văn bản luật đầy đủ về nghĩa vụ công bố, thì việc tuân thủ của các công ty vẫn rất hạn chế. Một số công ty công khai thông tin mang tính hình thức, thông tin không đầy đủ, thậm chí đôi khi còn thiếu chính xác nghiêm trọng.
“Để nâng cao minh bạch thông tin thị trường, thì vai trò của việc thanh tra giám sát thị trường là rất quan trọng”, PGS. TS. Trần Việt Dũng nhấn mạnh.
Để tăng cường tính minh bạch của các công ty đại chúng, ông Dũng cho rằng, cần triển khai áp dụng Thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN.
Thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN (the ASEAN Corporate Scorecard) được ban hành năm 2011 dựa trên các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD).
“Việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN sẽ giúp cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho quyết định đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của khu vực, từ đó, nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán nội địa”, ông Dũng cho hay.
Cùng quan điểm, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, minh bạch công bố thông tin là cần thiết.
“Sự thay đổi về chất lượng báo cáo rất tốt ở nhiều lĩnh vực như: chứng khoán, ngân hàng, công nghệ. Dù vậy, đâu đó có điểm trừ như ngành bất động sản. Vấn đề thẩm thấu và hiểu về công bố thông tin của thị trường giống nhau nhưng tính chất doanh nghiệp và tính chất ngành nghề cũng khác nhau. Ý thức doanh nghiệp trên sàn khác hẳn ngày xưa. Doanh nghiệp hiểu rõ minh bạch công bố thông tin là quyền lợi, để thu hút nguồn vốn”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo Tổng Giám đốc SHS, sự quan tâm của cơ quan quản lý, các Sở và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bằng câu chuyện hỗ trợ công bố thông tin, cách thức tiếp cận cổng thông tin… UBCKNN đã đi sâu vào 60% sai phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK) là từ người nội bộ và xoáy sâu vào giải quyết.
“Cơ quan quản lý phải có biện pháp cứng rắn hơn nữa về minh bạch thông tin. Không kêu gọi nữa mà có biện pháp xử phạt, phân hạng thị trường theo quy mô doanh nghiệp để công bố thông tin, nếu quá hạn sẽ bị xử phạt”, Tổng Giám đốc SHS đề nghị.
Công bố thông tin cần có "ngôn ngữ chung"
Bên cạnh việc minh bạch thông tin, PGS. TS. Trần Việt Dũng cho rằng, một trong những yêu cầu bắt buộc để nâng hạng thị trường vốn tại Việt Nam, theo đánh giá của tổ chức đánh giá thị trường vốn quốc tế MSCI, là việc đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong nhiều phương diện, tính minh bạch và công bằng của thông tin niêm yết được đặt lên hàng đầu.
“Ngôn ngữ công bố thông tin phải bao gồm cả tiếng Anh, với thời hạn cập nhật tương đương với bản công bố bằng tiếng Việt. Điều này buộc các công ty niêm yết trên thị trường sẽ cần phải chuyển đổi, bổ sung phương pháp công bố thông tin nếu muốn nhận được lợi ích từ dòng vốn quốc tế khi thị trường lên hạng”, PGS. TS. Trần Việt Dũng nói.
Liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, UBCKNN coi nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu trọng yếu.
Cùng với đó, các chuẩn mực của thị trường cũng phải theo thông lệ quốc tế hiện hành. Hiện nay, TTCK Việt Nam đã là thành viên của Liên đoàn Các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), các quy định khung pháp lý của thị trường, kể cả các nghị định cũng đang hướng tới đáp ứng chuẩn mực thế giới.
"Để được nâng hạng, chúng ta còn phải nỗ lực thêm. Trước tiên là đòi hỏi công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết phải bằng tiếng Anh. Hiện nay, các quy định của chúng ta mới ở mức khuyến khích, còn nếu bắt buộc thì sẽ gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Đây tưởng như vấn đề đơn giản nhưng mới chỉ có số ít doanh nghiệp lớn đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng anh, còn 1 số doanh nghiệp ngay bảo công bố bằng tiếng Việt còn lỗi. Vì thế, nếu đưa thành quy định thì chế tài xử phạt cũng khó để thực thi. Do vậy, mọi bước đi phải có lộ trình tiếp cận phù hợp”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin thêm, Việt Nam cần cải thiện nhiều ở khía cạnh công bố thông tin và quản trị công ty. Đó là tính kịp thời, tính đầy đủ và phạm vi của công bố thông tin. Mặt khác, việc tiếp cận thông tin cũng quan trọng và cần cải thiện. Ngoài ra, với công bố thông tin trên khía cạnh báo cáo tài chính.
“Công bố thông tin cần có "ngôn ngữ chung", như thế thì các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới hiểu được. Thông tin không chỉ con số. Nhìn về khía cạnh nâng hạng thị trường, yếu tố quan trọng khác là nơi tiếp cận thông tin của nhà đầu tư. Theo chuẩn MSCI, thì mức độ công bố thông tin của Việt Nam đã đủ để các nhà đầu tư ra quyết định đầu tư”, ông Vũ Chí Dũng nêu rõ.