Giá khóm đạt kỉ lục, nông dân vùng Đồng Tháp Mười phấn khởi
VOV.VN - Hiện nay, trái khóm (quả dứa) tại tỉnh Tiền Giang đạt mức giá kỉ lục, nông dân trồng loại trái cây này rất phấn khởi vì có mùa bội thu.
Ở thời điểm này, nông dân vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì mức giá trái khóm từ 10.000 – 11.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao ở mức kỉ lục so với các năm gần đây. Với mức giá này mỗi kg khóm, người trồng có lãi hơn 5.000 đồng/kg.
Ông Bùi Hữu Thiện nông dân ở xã Phú Mỹ là chủ hơn 20 ha ruộng khóm thương phẩm vừa thu hoạch khóm 1 đợt chia sẻ: “Bình quân mỗi tháng tôi thu hoạch 1 lần, một năm thu hoạch 12 lần. Tôi mới cân giá 10.500 đồng/kg, cao hơn trước kia rất nhiều, nếu giá 6.000 đồng/kg là có lãi. Vùng Tân Phước cây khóm rất thích hợp, năng suất 1 ha đạt 30 tấn. Mình phải bón phân cho cây tốt, bón sử dụng phân chất lượng tốt và phải xử lý cho đạt. Cây khi trưởng thành, đủ lá thì phải xử lý bằng khí đá cho cây trổ hoa”.
Giá khóm tăng cao do nhu cầu thị trường hiện nay rất hút hàng; trong khi đó, số diện tích khóm đến giai đoạn thu hoạch chỉ khoản 40% nên “cầu vượt cung”.
Huyện Tân Phước là địa phương duy nhất của tỉnh Tiền Giang duy trì mô hình trồng cây khóm chuyên canh trong hàng chục năm qua do cây này rất thích nghi với vùng đất còn nhiễm phèn chua. Toàn huyện có gần 16.000 ha, đứng đầu cả nước, tập trung nhiều ở các xã Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Mỹ Phước. Hầu hết các diện tích khóm nằm trong các ô đê bao vững chắc, có trang bị các máy bơm điện công suất lớn nên không bị thiệt hại khi mưa lũ bất thường.
Bà Trần Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước cho biết, toàn xã có hơn 2.000 ha cây khóm. Gần đây, giá khóm ở mức cao nên đời sống người dân rất ổn định.
“Các năm trước giá khóm rất thấp, thậm chí có lúc không bán được. Tuy nhiên, hiện nay, giá khóm từ 9000 đồng/kg đến 11.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. Hướng tới nếu được sự hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn để xử lý một số bệnh hiện nay trên cây khóm thì khả năng trên địa bàn xã sẽ phát triển diện tích khóm. Hiện nay, mình đang duy trì các tổ bơm tát để quản lý diện tích khóm trong các ô bao; đồng thời các diện tích đất còn hoang sẽ tiếp tục vận động người dân trồng thêm nên thời gian tới diện tích khóm còn tăng”, bà Trần Thị Ngọc Điệp cho biết thêm.
Cùng với khoai mỡ, lúa, thanh long thì khóm là loại cây ăn trái chủ lực của vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Cây khóm dù chịu tác động của thị trường nhưng vẫn giữ vị thế hàng đầu và rất ổn định đối với vùng đất này. Do đó, chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Tân Phước là tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích cây khóm thương phẩm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận cho người trồng khóm.