Vàng hết dư địa tăng giá?
VOV.VN - Giới chuyên gia phân tích thị trường có quan điểm thiếu đồng nhất về triển vọng của giá vàng trong ngắn hạn, có người cho rằng, vàng sắp hết dư địa để tăng giá.
Giá vàng thế giới đã liên tiếp lập kỷ lục trong tuần trước, với giá vàng giao tháng 12 trên sàn quốc tế có thời điểm vượt qua mốc 2.700 USD/ounce. Với mức tăng 29% từ đầu năm nay, giá vàng đang tiến tới mức tăng mạnh nhất trong 14 năm trở lại đây.
Chia sẻ trên Kitco News, giới chuyên gia cho rằng, sau khi đạt mức cao kỷ lục trong tuần qua, thị trường vàng đang tạm “thở dốc” khi phải chịu một số áp lực bán kỹ thuật vào cuối tuần.
Đà tăng giá của vàng hơi quá mức?
Động lực mua vững chắc đã nhanh chóng đẩy giá vàng lên trên 2.700 USD/ounce trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng đà tăng của kim loại quý này có thể hơi quá mức. Giá vàng tương lai tháng 12 được giao dịch lần cuối ở mức 2.669 USD/ounce, giảm gần 1% chỉ trong 1 ngày.
Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, ông Ole Hansen, cho biết: Sau khi đạt mức cao kỷ lục mới sau đợt cắt giảm lãi suất lớn đáng ngạc nhiên của Mỹ, giá vàng đang có dấu hiệu ổn định. “Ở một mức độ nào đó, tâm lý mệt mỏi mua hàng đang bắt đầu xuất hiện, đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có sắp đạt được một đợt củng cố lâu dài hay thậm chí là một đợt điều chỉnh hay không. Dựa trên ước tính của tôi, giá có thể giảm 4–6% mà không làm tổn hại đến tâm lý tăng giá chung,” ông Ole Hansen chia sẻ.
Chuyên gia này cũng cho rằng mức hỗ trợ ban đầu ở ngưỡng 2.670 USD/ounce, và nếu mức đó bị phá vỡ thì mức tiếp theo cần theo dõi là 2.547 USD/ounce. “Trong trường hợp xấu nhất, vàng có thể giảm xuống mức hỗ trợ 2.500 USD” ông Ole Hansen dự đoán.
Đồng quan điểm, ông Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, cũng nhận thấy vàng sắp hết dư địa để tăng giá, điều này làm tăng nguy cơ điều chỉnh. “Về mặt kỹ thuật, vàng đã vượt qua mức 161,8% của đợt phục hồi kéo dài hai năm, kể từ tháng 8/2018. Khi giá đã di chuyển quá xa đến vùng đạt mức cao lịch sử, việc tìm kiếm các mục tiêu tăng giá mới sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông Alex Kuptsikevich giải thích.
Ông Alex Kuptsikevich lưu ý, dữ liệu việc làm vào tuần tới có thể gây ra một số rủi ro cho vàng. Sự phục hồi mạnh mẽ của vàng trong 3 tuần qua là phần nguy hiểm nhất trong xu hướng đối với các nhà giao dịch bên bán ngắn hạn. Việc công bố dữ liệu hàng tháng về thị trường lao động Hoa Kỳ sẽ củng cố tầm quan trọng đối với thị trường quý kim này.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng vàng vẫn có động lực tăng giá. Ông Bart Melek, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại TD Securities, kỳ vọng giá vàng sẽ quay trở lại trên ngưỡng 2.700 USD/ounce từ nay đến cuối năm 2024.
Sau khi cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản và báo hiệu rằng lãi suất có thể giảm xuống 3% vào năm 2026, chuyên gia Bart Melek cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang (FED) rõ ràng đang ở chế độ nới lỏng, điều này báo hiệu tốt cho thị trường vàng.
“Vàng vẫn ở vị thế thuận lợi khi Cục Dự trữ Liên bang hạ lãi suất để hỗ trợ thị trường lao động đang suy yếu, ngay cả khi lạm phát vẫn tăng cao”, ông Bart Melek nói.
Nhà chiến lược thị trường cấp cao tại Forex.com, ông James Stanley cũng nhận thấy giá vàng sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới. “Vàng đang ở trạng thái quá mua trên biểu đồ hàng tháng, biểu đồ hàng tuần và biểu đồ hàng ngày, nhưng điều đó không thành vấn đề vì nó có thể đẩy sâu hơn vào vùng quá mua”, ông James Stanley nêu quan điểm.
Dù kỳ vọng giá vàng sẽ tăng nhưng ông James Stanley không khuyến nghị nên theo đuổi thị trường này. Thay vào đó, ông James Stanley đề nghị các nhà đầu tư cân nhắc mua vàng khi giá giảm: Mức hỗ trợ ban đầu là 2.650 USD, tiếp theo là 2.635 USD và 2.600 USD. Vàng được xem là hàng rào chống lại sự mất giá của tiền tệ toàn cầu khi các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu giảm lãi suất.
Nên đầu tư vào vàng miếng hay vàng nhẫn?
Đầu giờ sáng 1/10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ở mức 2.637,6 USD/oz. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank (1 USD = 24.730 VND), giá vàng thế giới tương đương 78,58 triệu đồng/lượng.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn 5,42 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới ở cùng thời điểm. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng được giao dịch ở mức gần tương đương với giá vàng miếng, hiện dao động trong khoảng 82,30 - 83,35 triệu đồng/lượng.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng thế giới được vận hành theo cung cầu, không ai có thể kiểm soát được thị trường vàng trên thế giới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Giá vàng tăng trên thế giới là hiện tượng đương nhiên khi có biến động và các nhà đầu tư tài chính trên thế giới vẫn xem vàng như giải pháp chống khủng hoảng.
Trong nước có 2 phân khúc vàng: Vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Vàng miếng bị đặt vào diện bình ổn, giảm từ mức 92 triệu đồng/lượng xuống còn 84 triệu đồng/lượng, nhưng nguồn cung hạn chế, vì thế thị trường vàng miếng đang được kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, vàng nhẫn không bị đặt vào vòng bình ổn, nên còn được vận hành theo cung cầu. Khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng nhẫn cũng tăng theo và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.
Nếu giá vàng miếng vẫn còn bị kiểm soát, giá vàng nhẫn sẽ tăng mạnh trong năm nay và sang năm 2025. Trong trường hợp vàng nhẫn xảy ra tình trạng “sốt” thì sẽ có thể nằm trong diện bình ổn giá như vàng miếng. Do đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, nhà đầu tư nên cẩn trọng với việc đầu tư vàng, cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn.
“Thi trường vàng miếng đang được đặt vào chương trình ổn định giá và đang được kiểm soát. Liệu vàng nhẫn cũng sẽ được kiểm soát chăng? Chúng ta cần tiếp tục theo dõi thị trường vàng và chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước”, ông Hiếu nói.