Hàng ngàn ha cà phê ở Gia Lai bị rệp sáp gây hại
VOV.VN - Theo Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai toàn tỉnh hiện có hơn 4.800 ha cà phê bị nhiễm bệnh rệp sáp, trong đó nhiều diện tích bị nhiễm nặng, khó phục hồi. Tình trạng rệp sáp gây hại đang khiến người trồng cà phê tại tỉnh Gia Lai lo lắng.
Ông Hoàng Văn Ga, một nông dân ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai trồng 2 ha cà phê đang kinh doanh. Ông Hoàng Văn Ga cho biết, nắng hạn kéo dài khiến cà phê đuối sức, đã tạo điều kiện cho rệp sáp bùng phát mạnh. Trong số gần 2.000 cây cà phê trong vườn, đã có 600 cây bị rệp sáp chích hút khiến lá úa vàng, chùm quả bị khô dần.
“Gia đình nhà tôi đây khoảng 30% là bị nhiễm bệnh rệp sáp mà không chữa được. Phun, xịt đến 4 -5 lần rồi, kể cả rửa từng cây một, hết bài thuốc nọ đến bài thuốc kia không chữa được, ảnh hưởng đến cây trồng mà cây nào bị rệp sáp chắc chắn sẽ mất từ 70 đến 100%” - ông Hoàng Văn Ga chia sẻ.
Ông Đỗ Xuân Hiền - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, toàn huyện có hơn 18.000 ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Nếu như hồi tháng 3 năm nay, mới có hơn 200 ha bị nhiễm rệp sáp, đến nay con số nhiễm đã hơn 500 ha với tỷ lệ hại từ 8,3 - 50%.
“Rầy rệp trên cây cà phê và rệp sáp phát triển thì nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng kết hợp với những trận mưa đầu mùa, nóng ẩm sẽ tạo điều kiện cho các loại rệp nói chung và rệp sáp phát sinh, phát triển” - ông Đỗ Xuân Hiền nói.
Theo ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, rệp sáp là loài địch hại phổ biến trên cây cà phê, thường xuất hiện từ thời điểm cây nở hoa đến hết mùa thu hoạch, có thể gây thiệt hại lớn cho vườn cây.
Nhằm hỗ trợ nông dân phòng trừ rệp sáp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đã đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, nông-lâm trường trồng cà phê hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp như vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán và cành sát mặt đất để vườn cà phê thông thoáng, giảm thiểu sự lây lan của rệp.
“Trong thời gian qua ngành trồng trọt bảo vệ thực vật đã tăng cường công tác kiểm tra vườn cây, hỗ trợ người dân thực hiện đồng bộ các kỹ thuật, trong việc chăm sóc cũng như phòng trừ bệnh rệp sáp. Đối với những diện tích nhiễm thì người dân cắt bỏ, thu gom và tiêu hủy. Đối với những diện tích nhẹ thì người dân triển khai các biện pháp đồng bộ để phòng trừ” - ông Trần Xuân Khải cho biết.