XÃ HỘI Thứ Hai, 08:16, 11/05/2020 Ảnh: Rác thải "bức tử" môi trường cảng cá An Lương VOV.VN - Hàng tấn rác thải trải dài ven tuyến bờ kè An Lương đang “bức tử” môi trường cảng cá lớn nhất nhì tỉnh Quảng Nam. Nguyên tuyến bờ kè kéo dài cả cây số từ trung tâm chợ An Lương xuôi về hướng hạ nguồn sông Thu Bồn ngập ngụa trong rác thải. Rác giăng phủ trên tuyến kè bê tông và lềnh bềnh dưới dòng nước. Đây là cảnh tượng nhếch nhác, ô nhiễm tồn tại ở cảng cá An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam suốt nhiều năm qua và trở thành "bài toán" nan giải đối với chính quyền địa phương. Theo người dân địa phương, ô nhiễm tồn tại ở cảng cá suốt cả chục năm nay. Rác từ thượng nguồn xuôi theo dòng nước tấp vào cảng, cộng với lượng rác không nhỏ do những người vô ý thức thải ra khiến khu vực ven bờ kè chẳng khác nào bãi tập kết rác thải. Hằng ngày chứng kiến lượng rác ngồn ngộn tra tấn bầu không khí cảng cá, một người dân sống ven bờ kè An Lương ngao ngán giãi bày: "Mùi hôi thối bốc lên từ phía cảng cá không tài nào chịu thấu. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, mùi hôi thối càng khủng khiếp hơn. Mọi người đi mua đồ ở ngôi chợ gần cảng cá phải bịt mũi kín mít vì bầu không khí ô nhiễm". Rác từ ngoài sông tấp vào bờ, lâu ngày không được thu dọn nên tràn lan và đang trong giai đoạn phân hủy. Rác dập dềnh nơi mực nước mấp mé bờ sông. "Buổi tối là thời điểm tàu tôi vươn khơi và đánh bắt ở vùng biển gần bờ. Sau một đêm, tàu về neo đậu tại cảng cá An Lương để bán hải sản. Tuy nhiên, cả ngư dân và thương lái đều cảm thấy khó chịu khi thực hiện việc mua bán ở đây vì mùi hôi do rác thải phát tán", một chủ tàu trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam nói. Ngày 10/5, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải - cho biết, việc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại cảng cá An Lương là cực kỳ khó. Theo ông Thống, hiện nay, các công nhân môi trường chỉ thu gom rác thải được tập kết cố định ven các tuyến đường dân sinh. "Đối với rác thải dưới cảng cá, đặc biệt là ven tuyến bờ kè An Lương, thỉnh thoảng xã mới thuê người dân thu gom rồi đưa đi xử lý. Quả thật, lượng rác mỗi ngày đổ về đây quá lớn nên chính quyền xã cũng khó giải quyết triệt để", ông Thống thông tin thêm./. Thanh Ba/VTCNews