Bà Rịa-Vũng Tàu:Một quyết định làm khó cho dân, cả tuyến đường dang dở

VOV.VN - Quyết định 66 không có quy định mật độ trồng cây Sương sâm mà chỉ bồi thường trên số cây, dẫn đến người dân có đất bị thu hồi không đồng tình.

Việc áp dụng Quyết định 66/2014 về giá đền bù, hỗ trợ người trồng cây Sương sâm  của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang là vấn đề bất cập của chính quyền địa phương và người dân có đất bị thu hồi. Hủy bỏ hay để tồn tại quyết định 66 cũng sẽ làm tỉnh này phải mất nhiều thời gian bởi chính sách bồi thường cho người dân liên quan đến nhiều quy định của pháp luật.
Do chưa được áp giá phù hợp nên tuyến đường Bình Trung - Bình Ba khó triển khai.
Anh Nguyễn Quốc Thành, ngụ thôn 1, xã Bình Trung, huyện Châu Đức cho biết, năm 2018 UBND huyện Châu Đức thi công tuyến đường Bình Ba - Bình Trung đi ngang qua diện tích trồng cây Sương sâm của gia đình. Khoảng 3 sào đất đang canh tác Sương sâm theo phương pháp truyền thống của gia đình anh Thành bị ảnh hưởng phải thu hồi. Khi đó, tuy chưa có quyết định thu hồi đất nhưng hơn 250.000 cây Sương sâm đã bị phá bỏ để bàn giao cho đơn vị thi công. Đến nay, chính quyền vẫn chưa giải quyết bồi thường giá trị cây trồng cho gia đình anh. Việc chậm chi trả tiền hỗ trợ khiến anh Thành gặp khó trong tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

"Trong khi quyết định của tỉnh BR-VT đã có nhưng chưa giải quyết cũng không biết thế nào? Cũng đã có kiến nghị nhiều lần. Việc bồi thường không tính mật độ thì UBND huyện Châu Đức chưa đồng ý phương án trên, huyện đang xin ý kiến các ngành nên kéo dài mấy năm nay. Người dân chúng tôi muốn được giải quyết theo đúng quy định của tỉnh để chủ động trong sản xuất, ổn định cuộc sống", anh Thành nói.

Mật độ Sương sâm trồng dày dẫn đến việc áp giá đền bù gặp khó khăn.

Theo UBND huyện Châu Đức, từ khi thực hiện Quyết định 66 năm 2014 (QĐ 66) của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quy định về giá hỗ trợ, bồi thường cây trồng, vật nuôi của người dân khi có đất bị thu hồi tại 12 dự án trên địa bàn đến nay, chưa có trường hợp nào kiến nghị liên quan đến giá bồi thường, trừ trường hợp cây Sương sâm.

Nguyên nhân được đưa ra là, tại QĐ 66 không có quy định mật độ trồng cây Sương sâm mà chỉ bồi thường trên số cây, dẫn đến người dân có đất bị thu hồi không đồng tình, so bì về chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước.

Cụ thể tại dự án đường Bình Ba – Bình Trung (huyện Châu Đức), toàn tuyến đường này đã thu hồi đất của 72 hộ dân, tổng giá trị bồi thường cây trồng được chi trả là 7,4 tỷ đồng. Trong đó, do không tính mật độ cây trồng nên chỉ riêng 2 hộ dân canh tác gần 325 ngàn cây Sương sâm sẽ được bồi thường hơn 3 tỷ 300 triệu đồng, tương đương 10.200 đồng/cây theo QĐ 66.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cho rằng, đây là điều bất hợp lý bởi tiền bồi thường lên đến 1 tỷ đồng/sào, trong khi chi phí đầu tư 1 sào Sương sâm tối đa chỉ ở mức 350 triệu đồng. Nếu áp dụng mức giá trên cho cây Sương sâm sẽ tạo tiền lệ cho các địa phương khác khi bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số công trình trên địa bàn: "Chúng tôi đi khảo sát thì phát hiện người dân trồng Sương sâm mật độ quá dầy, tuy nhiên QĐ 66 không quy định mật độ cây trồng, đây là điều bất cập. Nếu áp dụng theo QĐ 66 thì giá bồi thường rất cao, bất hợp lý là 1 sào Sương sâm mà 1 tỷ đồng là bất ổn. Quan điểm của huyện Châu Đức là không hủy QĐ 66 được, nếu hủy thì các địa phương không thể có căn cứ để thu hồi đất. Nhưng điểm nào bất hợp lý thì phải kiến nghị sửa hoặc bổ sung".

Loay hoay tìm lời giải

Qua tìm hiểu của phóng viên VOV, rất nhiều hộ dân tại các huyện như Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ canh tác Sương sâm theo phương pháp truyền thống. Trước đây ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh BR-VT phối hợp với các địa phương tiến hành bổ sung, đề xuất sửa đổi Quyết định 66/2014 của tỉnh, nội dung sửa đổi gồm: các cây trồng, vật nuôi phát sinh mới; điều chỉnh giá đền bù phù hợp với tình hình thực tế và bổ sung một số cây trồng không có quy định mật độ trong đó có cây Sương sâm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BRVT, sau khi lấy ý kiến thống nhất nội dung đề xuất, Sở này đã trình Sở Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định áp dụng tại Quyết định 66 thì không phù hợp với quy định của Luật đất đai (2013), do đó Sở này đã đề xuất UBND tỉnh BR-VT xóa quyết định 66.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT cho biết, trong khi chờ kết quả bãi bỏ QĐ 66 theo quy trình, sở này cũng đã có văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung để áp dụng thực hiện tại các địa phương, giải quyết những tồn đọng trong bồi thường cây trồng, giải phóng mặt bằng: "Khi Quyết định 66 chưa bãi bỏ thì vẫn còn hiệu lực, có nghĩa là tất cả các dự án thu hồi đất đai thì phải làm. Đối với các loại cây trồng, quan điểm của ngành nông nghiệp rất rõ ràng: có 2 phương pháp canh tác, truyền thống và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, do đó thời điểm chính quyền thu hồi đất làm dự án người dân đã trồng hay chưa trồng? Nếu ra quyết định thu hồi rồi dân mới trồng thì người dân sai. Còn chính sách thời điểm nào thì thực hiện theo thời điểm đó", ông Cường nói.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết, đến thời điểm này QĐ 66 vẫn áp dụng. Trước mắt, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra, rà soát lại mật độ cây Sương sâm trên thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.

Như vậy, nếu tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu tiếp tục áp dụng QĐ 66 của mình để thực hiện đền bù, hỗ trợ cây Sương sâm trên đất bị thu hồi (tương đương 1 tỷ đồng/sào đất chưa tính vật kiến trúc) thì đây là điều bất hợp lý. Còn nếu tỉnh điều chỉnh, bổ sung quyết định này cho phù hợp thì người dân sẽ tiếp tục chờ đợi, khó khăn trong tái sản xuất, ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất. Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung đó phải được thực hiện nhanh chóng, hợp lý và áp dụng ngay để người dân yên tâm sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương sớm triển khai các công trình hạ tầng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên